menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Vũ Tường

Chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng, ổn định vĩ mô

Mục tiêu kép được đặt ra với điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng cuối năm là phải vừa đưa vốn ra nền kinh tế hỗ trợ tăng trưởng nhưng vẫn phải kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Điểm nhấn tích cực của CSTT

Kết thúc tháng 6 cũng là thời điểm để các bộ, ban, ngành điểm lại những kết quả đã đạt được, qua đó tiếp tục có các giải pháp điều hành phù hợp, hiệu quả cho những tháng cuối năm, nhất là năm 2020 này tác động của dịch bệnh Covid-19 đã không trừ ngành, lĩnh vực nào.

Với ngành Ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới suy thoái mạnh nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, và đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, điểm thành công đầu tiên là với các giải pháp điều hành quyết liệt, linh hoạt, ngành Ngân hàng đã đảm bảo cung ứng thanh khoản đầy đủ, kịp thời, đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Điểm nhấn nữa trong 6 tháng đầu năm là NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành (ngày 17/3 và 13/5) với mức giảm cao nhất trong khu vực và chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay.​ Theo đó, mặt bằng lãi suất của các TCTD giảm 0,2-0,75%/năm so với cuối năm 2019, lãi suất cho vay giảm bình quân 0,4%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên tối đa là 5%/năm.

Đến nay xu hướng giảm lãi suất, tiết giảm chi phí hoạt động đang lan tỏa, tiếp tục được nhiều TCTD đẩy mạnh ngay từ đầu tháng 7/2020. Cụ thể, Agribank vừa quyết định giảm tiếp 0,2% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay có chi phí hợp lý trong bối cảnh khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Đối với điều hành tỷ giá, NHNN đã ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá đã neo giữ niềm tin của nhà đầu tư và người dân, phục hồi kinh tế sau dịch và kiểm soát lạm phát. Thống kê cho thấy, trong khi nhiều đồng tiền mất giá mạnh, thị trường ngoại hối Việt Nam vẫn ổn định, đến 30/6, tỷ giá trung tâm và của các NHTM tăng quanh mức 0,3% so với cuối năm 2019.

Nhận định sớm cầu tín dụng giảm do sức hấp thụ của nền kinh tế yếu, NHNN đã chỉ đạo TCTD tập trung mọi nguồn lực, cải thiện các thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay và lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng. Đặc biệt, qua các Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước đã giúp cho sự hấp thụ vốn đang tăng trở lại qua từng tháng. Nếu như tháng 4 tín dụng chỉ tăng 0,12% so với tháng trước thì tháng 5 tăng 0,53% và tháng 6 tăng 1,28%, giúp tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 3,26%.

Theo TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, tăng trưởng tín dụng 6 tháng ở mức trên cũng phù hợp trong bối cảnh cầu nền kinh tế yếu, nhu cầu tiêu dùng đầu tư của người dân và doanh nghiệp thận trọng, tiết kiệm hơn.

“Mặc dù các ngân hàng vẫn đang đẩy tín dụng ra, nhưng hấp thụ của nền kinh tế thấp, và bản thân doanh nghiệp phải tính toán phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả mới vay thì mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng đã phản ánh đúng thực tế”, TS. Lực phân tích thêm.

chinh sach tien te ho tro tang truong on dinh vi mo

Tín dụng cả năm có thể tăng 9-10%, nhưng không lo lạm phát

Trong 6 tháng đầu năm, để kịp thời triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN đã ban hành Thông tư 01 với nhiều cơ chế đột phá, tạo hành lang pháp lý rộng để TCTD tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng (cơ cấu lại nợ gốc và lãi, không chuyển nợ xấu, không bị tính lãi phạt; miễn giảm lãi, phí; tiếp tục được vay vốn để sản xuất kinh doanh); đồng thời, tổ chức 14 Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên toàn quốc và tiếp tục tổ chức để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Đến cuối tháng 6, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 258 nghìn khách hàng với dư nợ 177 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 421 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,26 triệu tỷ đồng; cho vay mới 1,13 triệu tỷ đồng cho 238 nghìn khách hàng với lãi suất thấp hơn từ 0,5 – 2,5%/năm so với trước dịch. Hệ thống NHCSXH đã gia hạn nợ 3.875 tỷ đồng cho 154 nghìn khách hàng; điều chỉnh kỳ hạn nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ 1.600 tỷ đồng; cho vay mới 39 nghìn tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, NHNN tiếp tục có các chính sách hỗ trợ hiệu quả về tín dụng đối với người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Chú trọng điều hành linh hoạt các công cụ, chính sách tiền tệ, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác gắn liền với kiểm soát tốt lạm phát.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ là kiểm soát và giữ được ổn định vĩ mô nhưng đặt mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, như vây, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của NHNN là vừa đẩy tín dụng hỗ trợ tăng trưởng nhưng vẫn phải kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

TS. Cấn Văn Lực phân tích: Tăng trưởng tín dụng 6 tháng ở mức 3,26% nhưng quý 3 và quý 4 cùng với sự phục hồi nền kinh tế tín dụng sẽ tăng nhanh hơn. Đặc biệt, NHNN đã đưa ra một loạt các giải pháp như rà soát để điều chỉnh tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số TCTD để hỗ trợ các TCTD này tăng trưởng tín dụng lành mạnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế; sửa đổi, bổ sung Thông tư 01... Với những phân tích trên, TS. Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng tín dụng trong quý 1 và quý 2 sẽ tăng gấp đôi 6 tháng đầu năm và cả năm nay có thể đạt 9-10%.

“Với mức tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 9-10%, cùng với việc Chính phủ chỉ đạo điều hành tốt giá dịch vụ y tế, sách giáo khoa, giá thịt lợn thì không lo ngại mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại