Chính sách lãi suất của Fed trước "lằn ranh đỏ"
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh việc tăng lãi suất để kiểm chế lạm phát phi mã, những cảnh báo về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế ngày càng gia tăng.
Đồng tiền giấy mệnh giá 100 USD ở Washington DC. Ảnh: THX/TTXVN
Đây là nguy cơ hiện hữu, khi lãi suất tăng có thể làm đình trệ hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ hiện tại vẫn có một bệ đỡ khá vững chắc để suy thoái nếu xảy ra cũng sẽ ở mức độ nhẹ và trong thời gian ngắn.
Tại cuộc họp vào ngày 15/6, Fed đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 trong nỗ lực kiềm chế lạm phát phi mã. Với động thái chính sách mới nhất này, Fed đã nâng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm tính từ đầu năm đến nay và đưa lãi suất chuẩn lên khoảng 1,5 - 1,75%.
Quyết định tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay của Fed được đưa ra sau khi lạm phát ở Mỹ tăng đột biến vào tháng Năm và không có dấu hiệu hạ nhiệt như thị trường kỳ vọng. Quan trọng hơn, Fed đã báo hiệu sẽ còn nhiều đợt tăng lãi suất mạnh không kém từ nay tới cuối năm - điều các nhà đầu tư đã đồn đoán từ trước nhưng vẫn lo âu khi trở thành sự thật.
Hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang khá mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp và Fed có thể tập trung chủ yếu vào việc giảm lạm phát. Vấn đề là lạm phát lại quá cao với tốc độ tăng hằng năm tới 8,6%. Do vậy, việc kiềm chế lạm phát xuống mức chấp nhận được có thể đòi hỏi Fed đưa ra mức lãi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ. Song điều này có thể làm suy yếu nền kinh tế đáng kể.
Fed đang nỗ lực cho việc “hạ cánh mềm”, chỉ việc làm giảm tốc đà tăng lạm phát cũng kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế, nhưng ở mức không gây ra suy thoái. Để ổn định giá cả trong khi không ảnh hưởng đến thị trường việc làm, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất rất nhanh trong những tháng tới.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, động thái tăng lãi suất vừa qua của Fed sẽ tạo tiền đề cho viêc triển khai các chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Mức lãi suất được cho là sẽ điều chỉnh tăng lên 3,8% vào năm 2023 và phần lớn kế hoạch gia tăng tiệm cận mức lãi suất này sẽ được Fed thúc đẩy trong năm nay.
Trước đó, Thống đốc Fed, Christopher Waller, cũng bày tỏ ủng hộ quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 7/2022, nếu các số liệu chứng minh rằng việc các biện pháp điều tiết lạm phát của Fed chưa đủ mạnh.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhấn mạnh rằng các công cụ chính sách của họ đã trở nên hiệu quả hơn kể từ cuộc chiến lạm phát lần cuối vào những năm 1980, giúp tăng khả năng đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm”.
Các ngân hàng Bank of America, Deutsche Bank, Wells Fargo và Goldman Sachs nằm trong số những công ty lớn nhất dự đoán khả năng suy thoái trong hai năm tới, trong bối cảnh Fed đang thắt chặt chính sách mạnh mẽ để hạ nhiệt nhu cầu và đưa lạm phát về lại mức mục tiêu 2%.
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy dự đoán trên có thể đúng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại, khi Cơ quan Thống kê lao động Mỹ trong tháng này cho biết GDP của nước này đã bất ngờ giảm xuống trong quý I năm nay. Đây là kết quả tồi tệ nhất kể từ mùa Xuân năm 2020, khi nền kinh tế Mỹ vẫn còn chìm sâu trong đợt suy thoái do đại dịch COVID-19.
Một cuộc khảo sát gần đây do tờ Financial Times và Initiative on Global Markets (trung tâm nghiên cứu thị trường và chính sách kinh tế thuộc Đại học Chicago) thực hiện cho thấy nhiều nhà kinh tế đã dự báo về một cuộc suy thoái tại Mỹ bắt đầu vào năm tới.
Khảo sát mới đây do tờ The Economist phối hợp với hãng nghiên cứu thị trường YouGov cho thấy có tới 51% người được hỏi cho rằng nước Mỹ đang trải qua thời kỳ suy thoái về kinh tế và chỉ có 21% người được hỏi cho biết họ không tin điều đó sắp xảy ra.
Trước đó, một cuộc thăm dò ý kiến của giới chuyên gia kinh tế do hãng tin Bloomberg tiến hành vào tháng Năm cũng chỉ ra rằng nguy cơ nước Mỹ rơi vào suy thoái ngày càng rõ rệt, với khả năng xảy ra là 30%, cao hẳn hơn so với tỷ lệ dự báo mà Bloomberg đưa ra trước đó ba tháng.
Đó là bởi lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí đi vay của các ngân hàng, và đối tượng phải gánh những chi phí đó là doanh nghiệp, người tiêu dùng và thậm chí là chính phủ. Trong khi những người gửi tiền tiết kiệm lại được hưởng lợi từ lãi suất tăng, nhưng lãi suất tiết kiệm phần lớn vẫn thấp hơn tỷ lệ lạm phát.
Chi phí đi vay ở mức cao sẽ làm chậm lại hoạt động đi vay, dẫn đến sự đình trệ trong hoạt động kinh tế. Điều này sau cùng sẽ làm chậm sự gia tăng lạm phát, mục tiêu mà các ngân hàng trung ương hướng tới.
Trong khi đó, lãi suất cao ảnh hưởng đến giá trị đồng nội tệ. Cụ thể, sau khi Fed tăng lãi suất, đồng USD tăng giá hơn so với đồng euro. Đồng bạc xanh có giá cao sẽ hỗ trợ nhập khẩu giúp người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi về giá, song lại ảnh hưởng tiêu cực đến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vì giá tăng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động.
Vẫn có những hy vọng
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã trả lời trên kênh ABC và thừa nhận khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc tăng trưởng trong thời gian tới, song cho rằng nước này vẫn có thể tránh được một cuộc suy thoái. Bà cũng bày tỏ hy vọng nước Mỹ sẽ sớm chuyển sang giai đoạn tăng trưởng ổn định.
Bộ trưởng Yellen nhận định khả năng chi tiêu, tiêu dùng của người dùng giảm do lãi suất tăng sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới kinh tế suy thoái. Dù vậy, bà khẳng định thị trường lao động của Mỹ đang ở trạng thái mạnh mẽ.
Bà Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại công ty dịch vụ tài chính Invesco (Mỹ), vẫn hy vọng rằng kinh tế Mỹ vẫn có thể tránh được suy thoái và Fed sẽ thành công trong việc thiết kế một kịch bản “hạ cánh mềm” khi tăng lãi suất đủ mạnh nhưng phù hợp với các số liệu kinh tế.
Nghiên cứu gần đây của chuyên gia kinh tế Alan Blinder thuộc đại học Princeton, đồng thời là cựu Phó chủ tịch Fed, đã chỉ ra 11 chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed kể từ năm 1965, và suy thoái diễn ra ngay sau tám trong số các chu kỳ đó. Hầu hết các đợt suy thoái này đều rất nhẹ, khi có năm đợt GDP chỉ giảm chưa đến 1%, hay thậm chí là không giảm.
Ông Blinder cho rằng kể cả trước khi có số liệu GDP quý I, xác suất xảy ra suy thoái là hơn 50%. Nhưng quan trọng là đợt suy thoái này, nếu có, sẽ không dài và sâu so với các đợt suy thoái những năm 1970 và đầu những năm 1980.
Tương tự, theo các chiến lược gia của Deutsche Bank, một đợt suy thoái sẽ bắt đầu vào tháng Tư năm sau do những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Fed. Nhưng nhóm chuyên gia này cho rằng có thể nền kinh tế sẽ chỉ suy thoái “nhẹ”, khác xa so với các đợt suy thoái năm 2008 và 2020 tại Mỹ. Có thể kinh tế Mỹ sẽ có nhiều năm tăng trưởng yếu, hoặc trải qua một đợt suy thoái ngắn mà GDP không giảm quá nhiều và nền kinh tế phục hồi khá nhanh sau đó.
Kinh tế Mỹ hiện tại vẫn khả quan khi thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ, với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm, tỷ lệ tuyển dụng cao gần tới mức kỷ lục, doanh nghiệp kinh doanh vẫn báo cáo lãi dù thấp hơn và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ.
Tính đến tháng Tư vừa qua, nước Mỹ đã có 12 tháng liên tục ghi nhận tăng trưởng việc làm và chi tiêu dùng cũng tăng trưởng mạnh, ở mức khoảng 2,7% trong quý I/2022.
Kinh tế Mỹ đã tạo thêm được 390.000 việc làm trong tháng Năm vừa qua, cho thấy nền kinh tế đang ổn định dần với tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán dù có chững lại, nhưng các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ giờ đây vẫn giàu hơn nhiều so với cách đây 5 hay 10 năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận