menu
Chính phủ nghiên cứu chính sách tiền lương mới, áp dụng sau năm 2023
Hoàng Thái Minh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chính phủ nghiên cứu chính sách tiền lương mới, áp dụng sau năm 2023

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023.

Chính phủ vừa có báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng.

Tiền lương chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống

Trong đó nhiều ý kiến của cử tri quan tâm đến tổ chức bộ máy nhà nước và cải cách hành chính, tiền lương; lao động, việc làm.

Cho rằng tiền lương hiện nay của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, cử tri đề nghị xem xét thực hiện lộ trình tăng lương cơ bản và điều chỉnh chế độ chính sách tiền lương tương ứng với mức giá các dịch vụ sinh hoạt.

Cử tri phản ánh tình trạng dôi dư cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và nhiều trụ sở cơ quan hành chính bỏ không do tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã.

Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý hơn với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp; đồng thời có hình thức hỗ trợ, phân bổ nguồn lực cho các địa phương để thực hiện công tác này.

Trả lời các kiến nghị, Chính phủ cho biết, từ năm 2020 đến nay do tác động bất lợi của nhiều yếu tố ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 nên chưa có đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo yêu cầu của Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII.

Đồng thời cũng chưa điều chỉnh tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang dẫn đến đời sống của người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thông qua việc nâng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) từ ngày 1/7/2023 cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, cống hiến.

Xem xét thông qua phương án sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2023 -2025

Về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Chính phủ cho hay, nội dung này đã được quy định tại Điều 10, Nghị quyết số 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Ngoài các quy định của Chính phủ, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cho phù hợp.

Trường hợp không thể bố trí, sắp xếp thì địa phương có báo cáo cụ thể để Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết, hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hiện Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và cử tri để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành nhiệm vụ này và đã trình Chính phủ phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Dự kiến tại phiên họp 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/5 tới đây sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030.

Cử tri phản ánh hiện nay liên tiếp xảy ra làn sóng sa thải, cắt giảm giờ làm của người lao động vì doanh nghiệp thiếu đơn hàng trầm trọng.

Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ, nghiên cứu các giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và có chính sách hỗ trợ đối với lực lượng công nhân lao động bị mất việc, tạm ngừng việc.

Chính phủ cho biết, từ cuối quý 3/2022 đến nay, trước tác động bởi sự biến động của thị trường lao động quốc tế và trong nước, một số doanh nghiệp, đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Vì vậy, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 1170 ngày 16/12/2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.

Ngoài ra, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng với mức hỗ trợ từ 1 - 3 triệu đồng đối với đoàn viên công đoàn và từ 700 nghìn đến 2,1 triệu đồng đối với người lao động không là đoàn viên công đoàn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả