24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thạch Thảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chính phủ mạnh tay, giá vàng biến động thất thường, giảm về 70 triệu đồng?

Giá vàng trong nước biến động thất thường khiến người mua có thể lỗ hàng triệu đồng/lượng sau 1 ngày. Sau khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng, giá vàng miếng SJC được dự báo sẽ giảm nhưng có về quanh mốc 70 triệu đồng/lượng, tương đương giá thế giới hiện nay đang là băn khoăn của nhiều người.

Giá vàng biến động thất thường

Giá vàng trong nước những ngày qua biến động khó lường, lên xuống thất thường, khó đoán định và gây nhiều bất ngờ. Có nhiều thời điểm, dù giá vàng thế giới hồi phục nhưng giá vàng trong nước lại quay đầu lao dốc hoặc ngược lại.

Trong cùng 1 phiên, giá vàng nhẫn và vàng SJC đều có thể đảo chiều tăng/giảm liên tục hàng trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng mỗi lượng.

Đơn cử, phiên giao dịch 15/4, giá vàng SJC biến động mạnh, liên tiếp lập đỉnh mới nhưng ngay sau đó lại đảo chiều nhanh chóng.

Cụ thể, trong buổi sáng, giá vàng SJC tiến từ mốc 83,1 triệu đồng/lượng lên thẳng mức kỷ lục 85,5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, đến phiên chiều 15/4, giá vàng SJC nhanh chóng để mất mốc đỉnh khi liên tục giảm. Cuối giờ chiều 15/4, giá vàng SJC giảm 1,4 triệu đồng mỗi lượng so với mốc đỉnh của phiên sáng.

Đáng chú ý, chênh lệch giữa giá mua - bán vàng nhẫn trơn đã được nới rộng lên khoảng 2 triệu đồng/lượng trong khoảng 3 tuần trở lại đây, thay vì mức 1 triệu đồng/lượng như trước đây.

Như vậy, cùng với việc giá vàng biến động mạnh trong cùng 1 ngày, liên tục đảo chiều hàng triệu đồng thì rủi ro với người lướt sóng vàng là rất lớn, có thể lỗ đến hàng triệu đồng/lượng trong 1 phiên.

Nếu mua vàng miếng SJC vào đúng đỉnh giá hôm 5/4 khoảng 85,5 triệu đồng/lượng thì bán ra cuối ngày 16/4 sẽ chỉ được khoảng 81,7 triệu đồng/lượng, tức lỗ 3,8 triệu đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng nhẫn trơn 24k cũng đang điều chỉnh khá mạnh tại nhiều thương hiệu.

Chẳng hạn, tại DOJI, giá vàng nhẫn ngày 10/4 lập đỉnh ở mức 76,8-78,6 triệu đồng/lượng (mua - bán), sau đó giảm dần. Đến ngày 15/4, giá còn 75,55-77,55 triệu đồng/lượng. Kết phiên 16/4, giá vàng nhẫn trơn tại DOJI rớt xuống 75,15-77,05 triệu đồng/lượng.

Như vậy, người "đu đỉnh" hôm 10/4 mà bán ra thời điểm này có thể bị lỗ gần 4 triệu đồng/lượng.

Trước sự tăng, giảm khó lường của giá vàng trong nước thời gian gần đây, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên cân nhắc mua - bán vàng vì đầu tư vào thị trường vàng hiện rất rủi ro.

Nhiều chuyên gia cho hay, trước diễn biến bất thường này, nhà đầu tư phải hết sức thận trọng khi mua bán, giao dịch, đặc biệt không nên “bỏ trứng vào một giỏ” để tránh rủi ro.

Đưa ra lời khuyên về thời điểm mua vàng, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, người dân cần cẩn trọng "cơn sốt vàng", tránh vào tiền, bởi có thể sẽ "đu đỉnh". Thay vào đó, người dân nên đợi giá vàng giảm mạnh.

Ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT, đưa ra công thức để nhà đầu tư cân nhắc thời điểm mua vào. Cụ thể, ông Huấn cho rằng, người mua nên xuống tiền mua vàng ở nhịp giảm mạnh từ 5-10%. Nếu không lựa chọn đi theo công thức này, nhà đầu tư dễ rơi vào tình trạng "đu đỉnh".

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, rất lâu rồi giá vàng ở Việt Nam mới tăng mạnh, liên tục và kéo dài như thời gian gần đây. Do đó, các nhà đầu tư đang "ôm" vàng có thể tính toán việc bán ra ở thời điểm này vì lợi nhuận đã rất hấp dẫn.

Chuyên gia này cũng khuyên nên thận trọng khi đầu tư vào vàng thời điểm này bởi thị trường vàng biến động khó lường. Khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước hiện nay đang ở ngưỡng cao, đẩy rủi ro về phía người đầu tư.

Tương tự, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay, thị trường vàng biến động thực sự khó lường, cần hết sức thận trọng khi mua vàng và phải theo dõi thị trường thường xuyên.

NHNN đấu thầu vàng, giá vàng SJC sẽ hạ nhiệt

Các cơ quan quản lý đã bắt đầu có những động thái để điều chỉnh chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.

Ngày 12/4, sau những biến động thất thường của giá vàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết cơ quan quản lý sẽ thực hiện tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.

Đến chiều 15/4, đại diện NHNN thông tin đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Như vậy, sau 11 năm, NHNN quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng.

Theo kế hoạch, ngày 17/4, NHNN sẽ tổ chức đấu thầu vàng trở lại sau 11 năm tạm dừng nghiệp vụ này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, đấu thầu vàng miếng có thể có tác động tâm lý trong ngắn hạn, không phải là giải pháp căn cơ cho vấn đề chênh lệch giá hiện nay

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng, đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư. Nhưng giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất, đúng thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Đánh giá cao động thái đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường của NHNN, song TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, vẫn cần phải nhập khẩu vàng.

Động thái đầu thầu vàng của NHNN được các chuyên gia đánh giá có thể tác động nhanh tới giá vàng là làm cho giá vàng miếng “xì hơi” chứ không thể duy trì mức chênh như hiện nay.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), phân tích: Chỉ cần tung ra thị trường mỗi phiên 5.000-10.000 lượng vàng cũng đủ “hạ nhiệt” thị trường. Đây là giải pháp nhanh nhất vì nhập khẩu vàng nguyên liệu phải mất khoảng một tháng mới có thể thực hiện được.

Nhiều người đặt câu hỏi giá vàng có thể sẽ xuống mức bao nhiêu nếu NHNN đấu thầu vàng miếng ra thị trường?

Rất khó có thể trả lời chính xác câu hỏi này khi không biết NHNN sẽ cung ứng ra thị trường bao nhiêu vàng từ nguồn dự trữ khoảng 10 tấn theo ước tính cũng như vàng có thể nhập về thêm.

Lật lại lịch sử, trong năm 2013, NHNN đã liên tục tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng (với phiên đầu tiên hôm 28/3/2013), tổng cộng bán gần 70 tấn vàng, thu về cho ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng chênh lệch, qua đó cũng ổn định tương đối thị trường vàng. Sau vài tháng đấu giá, giá vàng từ mức 43 triệu đồng/lượng đã có lúc về 36 triệu đồng/lượng.

Dĩ nhiên, biến động giá không chỉ phụ thuộc vào thị trường trong nước mà còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ xu hướng vàng thế giới và tình hình biến động địa chính trị khó lường như hiện nay.

Hiện giá vàng thế giới rất khó lường và biến động theo những diễn biến địa chính trị cũng như chính sách tiền tệ của Mỹ và nhiều nước khác. Nhiều dự báo cho rằng, giá vàng sẽ có thể lập đỉnh mới trong nửa cuối năm 2023, có thể lên tới 3.000 USD/ounce (quy đổi tương đương hơn 92 triệu đồng/lượng).

Giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tính tới đầu giờ sáng ngày 17/4 (giờ Việt Nam) đứng ở mức 2.383 USD/ounce (tương đương khoảng hơn 73 triệu đồng/lượng).

Giá vàng miếng SJC được dự báo sẽ giảm nhưng có về tương đương giá thế giới hay không thì chúng ta vẫn phải chờ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
85,200 N -1,400 (-1.62%)
85,200 N -1,400 (-1.62%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả