Chiến tranh Nga – Ukraine: “Cú đánh chí mạng” đe dọa làm sụp đổ các hiệp ước hạt nhân?
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ đã chấm dứt cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh cho tới gần đây, khi những cảnh báo của Tổng thống Putin về việc sử dụng vũ khí này để ngăn NATO can dự vào xung đột ở Ukraine đã nhen nhóm lại những lo ngại trong hàng thập kỷ qua.
Điều đáng nói là cảnh báo trên được đưa ra giữa bối cảnh các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai quốc gia trên trong hàng thập kỷ đang lần lượt sụp đổ.
Tuy nhiên, ông Miles A. Pomper, chuyên gia về kiểm soát vũ khí thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, Cao đẳng Middleburry nhận định, cuộc chiến ở Ukraine dù gia tăng căng thẳng nhưng sẽ không phải là "cú đánh chí mạng" vào hệ thống các thỏa thuận từng và đang giúp thế giới tránh khỏi thảm họa hạt nhân. Hệ thống này đã phát triển trong hàng thập kỷ qua, cho phép các quan chức Mỹ và Nga đánh giá đối phương đang tiến gần một cuộc tấn công hạt nhân như thế nào.
Để mắt lẫn nhau
Các hiệp ước kiểm soát vũ khí hoạt động dựa trên việc các cường quốc hạt nhân chia sẻ thông tin về các hệ thống vũ khí được triển khai - chẳng hạn như các tên lửa và máy bay ném bom có thể được sử dụng để mang các đầu đạn hạt nhân, cũng như cho phép đối phương xác minh những thông tin này.
Các hiệp ước bao gồm những giới hạn về số lượng vũ khí trong khi việc thực hiện hiệp ước, thường bắt đầu với những tuyên bố cơ bản của mỗi bên về số lượng cũng như nơi đặt các vũ khí. Số lượng này sẽ được cập nhật hàng năm. Cả hai bên cũng thường xuyên thông báo cho nhau về những thay đổi đáng kể trong giới hạn trên qua các Trung tâm Giảm thiểu Rủi ro Hạt nhân.
Một yếu tố then chốt trong tất cả các hiệp ước kiểm soát vũ khí là khả năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật quốc gia của hai bên, chẳng hạn như các vệ tinh, cùng với các công nghệ giám sát từ xa như thiết bị phát hiện phóng xạ để giám sát việc tuân thủ thỏa thuận.
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 (INF) đã giới thiệu một điểm mới quan trọng: đó là việc sử dụng các thiết bị giám sát trên thực địa. Theo đó, hai bên sẽ được tiến hành những đợt kiểm tra báo trước thường xuyên và một số đợt kiểm tra ngắn hạn không báo trước để tránh việc gian lận.
Lịch sử của những hiệp ước kiểm soát hạt nhân
Các học giả về an ninh quốc gia Thomas Schelling và Morton Halperin đã phát triển những nội dung về kiểm soát vũ khí vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, giữa bối cảnh Mỹ và Liên Xô tăng tốc trong cuộc đua vũ trang. Các biện pháp kiểm soát vũ khí được thiết kế nhằm tăng cường sự minh bạch và dễ đoán, cũng như tránh những hiểu lầm hay cảnh báo giả có thể dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân vô tình hoặc không mong muốn. Nội dung này đã được phát triển với việc đảm bảo các bên phòng vệ có thể phản ứng trước bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào, giảm khả năng bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân đầu tiên.
Những thỏa thuận ban đầu, trong đó có thỏa thuận Đối thoại về Giới hạn Vũ khí chiến lược 1972 (SALT 1) đã đặt ra mức trần cho các vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên Xô. Sau đó, nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev đã đàm phán về thỏa thuận INF và Thỏa thuận Cắt giảm vũ khí chiến lược (START 1) dẫn tới sự cắt giảm các lực lượng hạt nhân của hai bên.
Hiệp ước INF lần đầu tiên cấm sử dụng các tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500 km. Điều đó khiến cho các tên lửa của Mỹ ở châu Âu không thể tấn công Nga từ lãnh thổ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu hoặc Đông Á và ngược lại. START 1 áp dụng với các vũ khí hạt nhân chiến lược, chẳng hạn như các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phóng từ lãnh thổ của một trong hai siêu cường trên nhằm tấn công lãnh thổ của bên còn lại.
Năm 2010, ông Obama và ông Medvedev đã ký Hiệp ước New SATRT, cắt giảm thêm các lực lượng hạt nhân chiến lược được triển khai của hai bên. Năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin mở rộng hiệp ước này thêm 5 năm. Các hiệp ước trên đã đóng góp đáng kể vào việc cắt giảm các kho hạt nhân của hai quốc gia này.
Thách thức mới cho một hệ thống đang lỗi thời
Các cuộc kiểm tra theo Hiệp ước INF đã kết thúc vào năm 2001 sau khi các tên lửa bị cấm trước đó không còn triển khai nữa. Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama và cựu Tổng thống Trump, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước khi phát triển, thử nghiệm và triển khai các tên lửa hành trình vượt quá giới hạn 500 km song Nga đã bác bỏ. Các vũ khí chiến lược tầm xa còn lại này được coi là các vũ khí hạt nhân duy nhất là mục tiêu của các hiệp ước kiểm soát vũ khí.
Các vũ khí hạt nhân phi chiến lược và các vũ khí hạt nhân tầm ngắn hơn - với tầm bắn dưới 500 km, chưa bao giờ được đưa vào bất kỳ thỏa thuận nào - một điểm mà Mỹ và NATO không hài lòng bởi Nga sở hữu nhiều hơn hẳn họ về số lượng các vũ khí này.
Việc kiểm soát vũ khí đang bị thách thức. Mỹ cáo buộc Nga tiến hành chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân đầy tham vọng và một số vũ khí khác, trong đó có những hệ thống vũ khí chiến lược mới chưa từng có nằm ngoài những giới hạn của New START. Trong khi đó, các cuộc tấn công mạng, vũ khí chống vệ tinh cũng đang trở thành những mối đe dọa mới với quá trình giám sát việc kiểm soát vũ khí cũng như các hệ thống kiểm soát và chỉ huy hạt nhân.
Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo và công nghệ tên lửa siêu thanh có thể rút ngắn thời gian cảnh báo cho một cuộc tấn công hạt nhân. Nga đang phát triển các loại tên lửa có thể mang cả các đầu đạn theo quy ước và đầu đạn hạt nhân. Moscow cũng lo ngại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, đặc biệt đặt tại châu Âu, đang đe dọa sự ổn định chiến lược bằng cách cho phép Mỹ tiến hành cuộc tấn công hạt nhân thứ nhất và sau đó ngăn chặn cuộc đáp trả hạt nhân của Nga.
Trước khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ, Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đã tiến hành Đối thoại Ổn định Chiến lược để giải quyết các vấn đề trên và đặt ra những cơ sở đàm phán để thay thế New START trước khi nó hết hạn vào năm 2026. Tuy nhiên, cuộc đối thoại này đã tạm dừng và chưa biết khi nào sẽ nối lại.
Nguy cơ triển khai vũ khí hạt nhân
Những động thái gần đây của Tổng thống Putin đã làm rung chuyển cấu trúc an ninh chiến lược toàn cầu. Đối với chiến dịch đặc biệt của Nga vào Ukraine, Tổng thống Putin tuyên bố: "Bất kỳ bên nào cố gắng can thiệp đều phải biết rằng phản ứng của Nga sẽ diễn ra ngay lập tức và khiến họ phải đối mặt với những hậu quả chưa từng trải qua trước đây trong lịch sử", và rằng, Nga sở hữu "những lợi thế nhất định về số lượng các loại vũ khí tân tiến nhất".
Nhà lãnh đạo Nga cũng ra lệnh lực lượng hạt nhân cảnh giác cao nhằm ngăn chặn NATO can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, các quan chức an ninh quốc gia Mỹ vẫn lo ngại, Nga có thể sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine nếu NATO tham gia xung đột trực tiếp với nước này. Việc sử dụng những vũ khí trên cũng nhất quán với điều họ cho là học thuyết quân sự của Nga, đó là "leo thang để giảm leo thang".
Dù vậy, chuyên gia Miles A. Pomper cho rằng, các thỏa thuận hạt nhân chiến lược vẫn giữ vai trò quan trọng để đảm bảo sự ổn định chiến lược. Các chỉ huy hạt nhân của Mỹ mặc dù chỉ trích động thái trên của Nga nhưng không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Tổng thống Putin đang tiến hành những bước đi làm leo thang tình hình, chẳng hạn bố trí các đầu đạn hạt nhân phi chiến lược trên các máy bay, tàu chiến hoặc điều các tàu ngầm trang bị hạt nhân ra biển.
Cho tới nay, các hiệp ước kiểm soát vũ trang vẫn phát huy vai trò của mình trong việc hạn chế quy mô và bạo lực ở Ukraine, ngăn ngừa cuộc xung đột này trở thành một cuộc chiến tranh thế giới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận