Chiến sự Nga - Ukraine: Nhà máy thép lớn của Châu Âu bị phá huỷ, giá thép lên cao nhất mọi thời đại
Một nhà máy thép lớn của Châu Âu bị phá huỷ trong chiến sự Nga - Ukraine đã đẩy thế giới vào nguy cơ khủng hoảng thép trên toàn cầu và giá thép sẽ lên cao nhất mọi thời đại.
Nhà máy thép lớn của châu Âu 'bị phá hủy' do chiến sự Nga - Ukraine
Azovstal là một trong những công trình sắt thép lớn nhất Châu Âu. Nó là một phần của tập đoàn Metinvest, do người giàu nhất Ukraine, Rinat Akhmetov kiểm soát. Được thành lập bởi Joseph Stalin thuộc tổ chức SSR của Ukraine vào năm 1930 tại Mariupol, công trình này cuối cùng đã đi vào dây chuyền sản xuất vào năm 1933.
Theo trang web chính thức của mình, nhà máy Azovstal chủ yếu sản xuất bao gồm: Tấm thép đúc, thép cán, thép thanh dài, đường ray, sản phẩm xỉ luyện kim, Sản phẩm phụ (argon lỏng, nitơ lỏng, v.v.), tất cả đều có nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau.
Ở một khía cạnh khác, hiện tại thế giới đang chú ý đến tác động của chiến sự Nga - Ukraine đối với thị trường năng lượng toàn cầu. Giá dầu tăng cao đã chiếm ưu thế trên các tiêu đề báo chí truyền thông quốc tế. Nhưng bên cạnh dầu mỏ, thép là nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại. Nó cũng là vật liệu phổ biến làm nền tảng cho thế giới có trong mọi thứ, từ những tòa nhà chọc trời, ô tô đến máy giặt và đường sắt…
Mới đây, một trong những nhà máy thép lớn nhất châu Âu, Azovstal, đã bị phá hủy khi lực lượng Nga vây hãm thành phố cảng Mariupol của Ukraine, các quan chức cho biết hôm 20/3. Các lực lượng Nga đã tiến sâu hơn vào thành phố cảng Mariupol bị bao vây và tàn phá của Ukraine, nơi giao tranh ác liệt đã đóng cửa một nhà máy thép lớn, và chính quyền địa phương cầu xin thêm sự giúp đỡ của phương Tây.
Đưa lên Twitter, nhà lập pháp người Ukraine, Lesia Vasylenko cho biết: "Một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất ở Châu Âu đã bị phá hủy. Thiệt hại kinh tế đối với Ukraine là rất lớn. Môi trường bị tàn phá", Vasylenko cũng chia sẻ một đoạn video về vụ việc, cho thấy một vụ nổ tại khu công nghiệp với khói dày đặc bao trùm khắp nơi.
Vadym Denysenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết, các lực lượng Ukraine và Nga đã chiến đấu tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. "Một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất ở châu Âu đã thực sự bị phá hủy", Denysenko nói trong một bài phát biểu trên truyền hình.
'Sẽ trở lại thành phố và hồi sinh nó'
Serhiy Taruta, một nghị sĩ khác từ Ukraine viết trên Facebook rằng, các lực lượng vũ trang Nga "trên thực tế đã phá hủy nhà máy". Tuy nhiên, Tổng giám đốc Enver Tskitishvili của Azovstal trong thông điệp của mình trên Telegram, ông hứa sẽ khởi động lại hoạt động của Azovstal sau khi hồi sinh nhà máy. Ông ấy nói: "Chúng tôi sẽ trở lại thành phố, xây dựng lại doanh nghiệp và hồi sinh nó". Ông không nói rõ mức độ thiệt hại mà nhà máy này hiện đang phải gánh chịu.
Ông nói thêm, khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, công ty đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu tác hại đến môi trường trong trường hợp xảy ra xung đột. Ông viết: "Pin lò luyện cốc không còn gây nguy hiểm cho cuộc sống của cư dân. Chúng tôi cũng đã dừng các lò một cách chính xác. Với mức độ thiệt hại chưa được biết rõ, nỗi lo về tác động của môi trường vẫn hiện hữu xung quanh".
Và suy cho cùng, những quả bom rơi xuống các lò thép cao ở Mariupol, thành phố Ukraine là viễn cảnh biểu tượng cho thấy, chiến sự Nga - Ukraine đã khiến thị trường thép bị đảo lộn như thế nào.
Giờ đây, chiến sự Nga - Ukraine có nguy cơ biến thép thành một mặt hàng xa xỉ. Và giá cả đã tăng và sự thiếu hụt nguồn cung sẽ sớm được cảm nhận ở khắp mọi nơi, làm tăng thêm áp lực lạm phát trên quy mô toàn cầu.
Hãy xem xét một chiếc ô tô trung bình: Khoảng 60% trọng lượng của nó đến từ thép, theo cơ quan thương mại Hiệp hội Thép Thế giới. Tính theo tiền mặt, giá thành trung bình của thép đã tăng lên hơn 1.250 euro (1.379 USD) từ khoảng 400 euro vào đầu năm 2019.
Chiến sự Nga - Ukraine đẩy giá thép lên cao nhất mọi thời đại
Giá thép ở châu Âu đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại do chiến sự Nga - Ukraine, với một số loại thép còn đạt mức giá tới trên 1.400 euro / tấn. Và dĩ nhiên, đối với các ngân hàng trung ương, sự bùng nổ giá thép là một vấn đề lạm phát đau đầu khác. Trong khi đó, các chính phủ châu Âu có thể phải vật lộn với cả việc tăng giá và mối đe dọa về tình trạng thiếu hụt tiềm năng trong mùa hè này. Thép thanh vằn, thanh dài và tôn được sử dụng để gia cố bê tông, cấu trúc trong mọi dự án công trình xây dựng cũng có thể sẽ sớm bị hạn chế trong việc cung cấp.
Hiện tại, Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số hoạt động bán thép của Nga, và đã nhắm vào hầu hết các nhà tài phiệt của nước này, những người sở hữu khối lượng lớn ngành công nghiệp thép của Nga. Và chiến sự Nga - Ukirane đã làm ngừng quy trình sản xuất thép vốn có của Ukraine.
Giá thép thanh vằn ở châu Âu tuần trước đã tăng lên mức kỷ lục 1.140 euro / tấn, tăng 150% so với cuối năm 2019. Và giá thép cuộn cán nóng, một dạng thép phổ biến đã đạt mức cao kỷ lục khoảng 1.400 euro/ mỗi tấn, tăng gần 250% so với ngay trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.
Một lý do khiến giá tăng đột biến là do quy mô tuyệt đối của ngành thép Nga và Ukraine. Bởi Nga hiện là nhà xuất khẩu thép lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi Ukraine đứng thứ tám.
Colin Richardson, người đứng đầu bộ phận thép của Argus tính toán rằng, Nga và Ukraine cùng chiếm khoảng một phần ba lượng thép nhập khẩu của EU, hoặc gần 10% nhu cầu nội địa của khu vực. Và Nga, Belarus và Ukraine cùng chiếm khoảng 60% tổng lượng thép thanh dài nhập khẩu của EU. Họ cũng chiếm một thị phần lớn trong thị trường thép tấm.
Các nhà xuất khẩu thép hàng đầu
Giá cả vật liệu thép tăng cao cũng do tác động của chiến sự lên giá năng lượng và ngành thép bên ngoài nước Nga. Thực tế, mặc dù thép có liên quan đến các lò nung cao bị phá hủy ở Mariupol, nhưng ở châu Âu, khoảng 40% kim loại cũng đến từ cái gọi là các Lò hồ quang điện (Electric arc furnace). Thay vì dùng sắt và than, các nhà máy Lò hồ quang điện sử dụng lượng điện năng khổng lồ để nấu chảy vật liệu kim loại vụn thành thép tươi. Vốn dĩ, các lò nhà máy mini này thân thiện với môi trường hơn, nhưng cái đâu đầu nhất mà Châu Âu mắc phải liên quan đến tiêu thụ điện năng. Và hiện tại, châu Âu cũng đang thiếu năng lượng nghiêm trọng.
Với cuộc chiến sự khiến giá khí đốt tăng cao, giá điện ngắn hạn của châu Âu cũng tăng cao, đạt đỉnh vào đầu tháng này trên 500 euro / megawatt giờ, cao hơn khoảng 10 lần so với trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng chiến sự. Giá tăng vọt đã buộc nhiều nhà máy nhỏ từ Tây Ban Nha đến Đức phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng, chỉ hoạt động hết công suất vào ban đêm vào thời điểm khi giá điện có rẻ hơn một chút.
Có thể thấy, việc đóng cửa đang tiếp tục thắt chặt thị trường châu Âu, khiến một số người dùng lo ngại không chỉ về giá cao, mà còn có thể xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Các nhà điều hành thép lo ngại rằng, giá có thể tăng cao hơn, có thể thêm 40% nữa lên khoảng 2.000 euro / tấn, trước khi nhu cầu bị chậm lại.
Thậm chí, các nhà điều hành ngành cho biết, nếu giá điện tăng trở lại và nhiều nhà máy nhỏ ở châu Âu đóng cửa, thì viễn cảnh thiếu hụt thép là có thật. Việc mua bán vật liệu này hoảng loạn cũng có thể làm tăng giá.
Hiện tại, Brussels và London cần phải tỉnh táo trước cuộc khủng hoảng. Nếu nền kinh tế toàn cầu học được bất cứ điều gì trong đại dịch Covid-19, thì đó là các vấn đề chuỗi cung ứng lây lan nhanh hơn dự kiến, và nó cũng có tác động sâu hơn dự đoán.
Giá thép tăng do chiến sự Nga - Ukraine có thể khiến giá nhà đắt hơn
Các nhà xây dựng Ấn độ cho biết, chi phí xây dựng tăng có thể sớm khiến những ngôi nhà trở nên đắt đỏ hơn, khi đổ lỗi cho cuộc chiến sự ở Ukraine. Đơn vị Nagpur của Liên đoàn các nhà phát triển bất động sản Ấn Độ (Credai) cũng đã tìm kiếm sự can thiệp của chính phủ vào vấn đề này.
Credai đã yêu cầu một cuộc điều tra của chính phủ để tìm hiểu xem liệu giá tăng có phải là do quá trình cartel hóa (một thỏa thuận giữa các công ty cạnh tranh để kiểm soát giá, hoặc loại trừ các sản phẩm của một đối thủ cạnh tranh mới trong thị trường) trong lĩnh vực thép hay không. Tuy nhiên, các nhà xây dựng cũng quy nó vào cuộc chiến ở Ukraine. Họ nói rằng, cuộc xung đột đã làm tăng giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép, ngoài nhựa và các hợp kim khác được đưa vào xây dựng bất động sản.
Các nhà xây dựng Ấn Độ còn cho rằng, cuối cùng có thể khiến giá bán bất động sản tại các dự án mới tăng từ 20% đến 30%. Dipen Agrawal, một nhà kinh doanh thép và chủ tịch Phòng Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Maharashtra (CAMIT) cho biết, giá thép đã tăng gần 40% kể từ sau chiến sự nổ ra. Điều này là do Ukraine là nhà sản xuất thép lớn, cũng là quốc gia phục vụ nhu cầu thép lớn ở châu Âu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận