Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Bước sang tháng 4/2025, thị trường chứng khoán đối mặt loạt lực cản lớn: căng thẳng thuế quan từ Mỹ, biến động tỷ giá leo thang và làn sóng rút ròng của dòng vốn ngoại. Trong bối cảnh bất định này, ABS Research chủ động xây dựng hai kịch bản thị trường cùng chiến lược hành động riêng biệt cho từng nhóm nhà đầu tư – từ thận trọng đến chủ động đón sóng.
Biến động vĩ mô toàn cầu: Tâm chấn chính sách và áp lực chéo
Bước vào tháng 4/2025, thị trường tài chính toàn cầu bị chấn động bởi tuyên bố áp thuế đối ứng quyết liệt từ phía Hoa Kỳ. Trong một động thái bất ngờ, Tổng thống Donald Trump thông báo mức thuế 10% với hầu hết hàng hóa nhập khẩu và đặc biệt siết chặt với Việt Nam – quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ – bằng mức thuế lên tới 46%, một trong những mức cao nhất từ trước đến nay. Đòn áp thuế này không chỉ mang tính thương mại mà còn gây áp lực trực diện lên cấu trúc sản xuất hướng xuất khẩu vốn là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam.
Tại nội địa Mỹ, các chỉ số kinh tế cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt: hoạt động sản xuất và tiêu dùng đồng loạt chững lại, chỉ số PMI đi xuống, đơn hàng mới tăng yếu ớt, và niềm tin kinh doanh giảm sút. Dù lạm phát CPI đã giảm còn 2,4%, lạm phát lõi tiếp tục cố thủ ở mức cao, khiến kỳ vọng về khả năng Fed sớm nới lỏng chính sách tiền tệ trở nên mong manh. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ leo thang và đồng USD bật tăng mạnh đã tạo thêm áp lực lên đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi – trong đó có Việt Nam.
Phía Trung Quốc – đối trọng thương mại lớn nhất của Mỹ – cũng đáp trả bằng các biện pháp thuế quan quyết liệt, càng làm dày thêm màn sương mù thương mại toàn cầu. Kết quả là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục rơi vào vòng xoáy giảm phát, dòng vốn rút lui và sức ép cạnh tranh gia tăng. Các mặt hàng Trung Quốc với giá rẻ ồ ạt tràn vào khu vực, đẩy chi phí sản xuất và áp lực cạnh tranh của các nước như Việt Nam lên mức đáng kể.
Việt Nam: Sức bật nội tại trong bối cảnh đối ngoại giằng co
Bất chấp những rủi ro bên ngoài, kinh tế Việt Nam quý I/2025 ghi nhận một số tín hiệu tích cực nổi bật. GDP tăng trưởng 6,93% – mức cao nhất trong 5 năm, cho thấy hiệu ứng lan tỏa từ đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp có sự hồi phục rõ nét, chỉ số PMI vượt mốc 50 sau nhiều tháng sụt giảm, tín dụng tăng trưởng mạnh nhờ chính sách tiền tệ duy trì ở mức hỗ trợ.
Tuy nhiên, đằng sau bức tranh tăng trưởng vẫn còn nhiều mảng tối. Tỷ giá VND/USD tăng sốc: tỷ giá trung tâm chạm đỉnh 24.936 và tỷ giá liên ngân hàng lên mức kỷ lục 26.017 – mức cao nhất trong lịch sử, gây sức ép lớn lên chi phí nhập khẩu và nghĩa vụ nợ bằng ngoại tệ. Xuất khẩu sang Mỹ – thị trường chủ lực – đối mặt rủi ro khi các doanh nghiệp tranh thủ “chạy thuế” trong giai đoạn hoãn thuế 90 ngày, nhưng triển vọng bị phủ bóng nếu mức thuế 46% bị duy trì. Khối ngoại tiếp tục rút vốn mạnh trong tháng 3 với quy mô bán ròng vượt 10.000 tỷ đồng, kéo theo tâm lý dè chừng của giới đầu tư trong nước. Đặc biệt, thanh khoản thị trường đột ngột suy yếu sau khi VN-Index không thể vượt vùng kháng cự mạnh 1.340 – 1.350 điểm.
Thị trường trước ngã rẽ: Cơ hội trong giằng co
Sau cú tăng mạnh trong tháng 3 và đợt điều chỉnh quyết liệt đầu tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước một thời điểm bản lề. Giới đầu tư chia rẽ giữa hai thái cực: lo ngại vì môi trường vĩ mô bất lợi và kỳ vọng vào sự phục hồi nhờ mức định giá chiết khấu sâu.
Trước tình hình này, ABS Research đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra trong phần còn lại của tháng 4:
Kịch bản tích cực: Thị trường được kỳ vọng sẽ có nhịp phục hồi kỹ thuật từ vùng hỗ trợ 1.030–1.070 điểm – nơi hội tụ yếu tố tâm lý và kỹ thuật. Các phiên giảm mạnh tuần thứ hai được cho là do hoạt động giải chấp và bán tháo ngắn hạn, tạo điều kiện cho dòng tiền mới thăm dò. Tín hiệu bắt đáy xuất hiện tại nhóm cổ phiếu đầu ngành, khi dòng tiền nội trở lại vùng giá hấp dẫn. Với mặt bằng P/E toàn thị trường về mức thấp nhất trong ba năm (10,86x), giới đầu tư trung – dài hạn có thể cân nhắc tích lũy có chọn lọc.
Kịch bản tiêu cực: Nếu vùng hỗ trợ chiến lược bị phá vỡ, áp lực bán có thể bùng phát trở lại. Rủi ro lớn nhất đến từ việc Fed trì hoãn cắt lãi suất, dòng vốn ngoại tiếp tục rút ròng mạnh và đàm phán thương mại Việt – Mỹ không đạt kết quả tích cực. Khi các yếu tố này hội tụ, VN-Index có thể lùi sâu về vùng 1.000 – 980 điểm, thậm chí kiểm định lại ngưỡng 940 – 874 điểm – các mốc hỗ trợ dài hạn từng xác lập từ năm 2023.
Chiến lược hành động: Lọc rủi ro – chọn cơ hội
ABS khuyến nghị nhà đầu tư cần phân hóa chiến lược tùy theo khẩu vị rủi ro và vị thế hiện tại:
Nhà đầu tư nắm giữ danh mục kém hiệu quả từ cuối tháng 3: Nên tận dụng các nhịp hồi phục kỹ thuật để cơ cấu danh mục, ưu tiên cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững vàng.
Nhà đầu tư ưa mạo hiểm: Có thể xem xét lướt sóng ngắn hạn theo khung thời gian H1, áp dụng chiến lược “mua muộn – bán sớm” tại các vùng hỗ trợ kỹ thuật.
Nhà đầu tư trung và dài hạn: Đây có thể là cơ hội tích lũy cổ phiếu đầu ngành đang ở vùng định giá hấp dẫn, đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu (dệt may, thủy sản, ngân hàng, chứng khoán), hoặc nhóm ngành ít chịu tác động từ thương chiến như khí LNG, đầu tư công, thực phẩm và phân bón.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường