Chìa khóa công nghệ và nguồn nhân lực
Năm 2019 kết thúc, Việt Nam ghi nhiều “điểm sáng” trong bức tranh tổng thể khi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu (đạt 100%) được giao. Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất, năng động nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, vì một Việt Nam hùng cường vẫn là cụm từ đi đôi với “khát vọng”. Để hiện thực hoá nó sẽ là cả một hành trình dài đầy thách thức. Xung quanh chủ đề này, Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Những năm gần đây, người ta nhắc nhiều đến khát vọng vì một Việt Nam hùng cường. Theo ông, những yếu tố nào làm nên quốc gia hùng cường, thịnh vượng?
Hùng cường, tôi cho rằng nó xoay quanh 6 chữ độc lập - tự do - hạnh phúc. Trong mọi văn bản hành chính, dưới quốc hiệu là những dòng chữ này như thể hiện một khát vọng lớn lao của dân tộc.
Muốn hùng cường, trước tiên đất nước được hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, tất cả mọi người, từ người dân đến doanh nghiệp được tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Đặc biệt là doanh nghiệp được tự do kinh doanh bất kỳ cái gì pháp luật không cấm, người dân được phát huy mọi năng lực sở trường sáng tạo.
Về độc lập, chúng ta đã có và vẫn phải kiên trì giữ. Muốn giữ được độc lập trong thời đại mới, thì tiềm lực về kinh tế là vô cùng quan trọng.
Muốn tự do, chúng ta phải xây dựng một hệ thống luật pháp đồng bộ, để tạo hành lang thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp. Điều này chúng ta đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
Muốn đất nước hùng cường, phải có vật chất. Nói nôm na, muốn làm gì thì phải có tiền. Muốn có tiền nhiều thì chúng ta phải tổ chức sản xuất và kinh doanh tốt. Điều quan trọng nhất tôi muốn nói tới, chính là năng suất lao động.
Tăng trưởng GDP năm 2019 đạt kết quả ấn tượng, năng suất lao động cũng liên tiếp được cải thiện. Tuy nhiên, so với các nước như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc… thì vẫn còn khoảng cách khá xa, thưa ông?
Việt Nam sản xuất 1 kg nho, bán chỉ được vài chục nghìn, nhưng cũng một kg nho Hàn Quốc, nho Nhật lại gấp nhiều lần. Năng suất lao động ở đây không đơn thuần chỉ là sản lượng, mà cốt yếu đó là giá trị hay nôm là quy ra bao tiền.
Tại sao đối với ta hiện nay dù vẫn đang đà tăng mà vẫn thấp? Bởi xuất phát điểm của chúng ta thấp. Tăng trưởng GDP dù cao nhưng quy mô vẫn còn nhỏ bé. Thời gian vừa qua chúng ta đã từng bước dịch chuyển cơ cấu rất tốt, từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Nhưng so với yêu cầu chúng ta đặt ra thì chưa được.
Dịch vụ chúng ta phát triển nhưng vẫn nhỏ bé so với thế giới. Về công nghiệp, công nghệ còn lạc hậu, tính cạnh tranh không cao. Ngành chế biến chế tạo, xuất khẩu còn dựa chủ yếu vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giá trị gia tăng chưa nhiều.
Vậy thời gian tới, chúng ta làm gì? Việc lớn thứ nhất, đầu tiên, quan trọng nhất, đó là cải cách thông thoáng thể chế. Thứ 2 là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai công nghệ hiện đại. Cuối cùng là phải phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, lấy đó làm nền tảng để tạo sức bật.
Đi sâu hơn nữa, chúng ta phải phát triển 3 thị trường quan trọng: vốn, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực. Đặc biệt là vấn đề khoa học - công nghệ.
Theo ông, khoảng cách Việt Nam chạm tới mục tiêu hùng cường, thịnh vượng còn xa? Việt Nam có những tố chất gì đạt được mục tiêu đó?
Về tổng quan, Việt Nam được đánh giá rất tích cực trên nhiều phương diện cả kinh tế, xã hội. Nói đến kinh tế, chúng ta là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Chính trị đất nước cũng được nhìn nhận tốt khi có môi trường ổn định, môi trường kinh doanh được nỗ lực cải thiện...
Nhưng thời gian qua, đâu đó các doanh nghiệp vẫn than chuyện thủ tục rườm rà, chuyện bị nhũng nhiễu, phải bôi trơn… Vậy cốt lõi là vấn đề cán bộ.
Tôi từng nhấn mạnh về “động lực, kỷ cương” trong chính sách cán bộ. Ai cũng nói là cán bộ công chức còn thiếu động lực. Hãy nhìn ra khối dân doanh, tại sao họ có động lực? Là bởi vì họ được đánh giá công tâm, ai làm được việc thì trọng dụng, ai bất tài yếu kém thì bị thay thế. Tôi tin rằng, nếu làm tốt được ghi nhận, không tốt thì bị sa thải như cơ chế tư nhân thì chắc chắn mọi thứ sẽ khác.
Nói chung, không còn cách nào khác là chú tâm đến cơ chế trọng dụng người tài, người có nhiệt huyết.
Các chuyên gia thường nhắc đến sự phát triển thần kỳ của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam nên học hỏi như thế nào để mau chóng vươn lên hùng cường, thưa ông?
Có hai thứ cần học rõ nhất: tiết kiệm, hiệu quả khi sử dụng ngân sách nhà nước, tiếp đến là đẩy nhanh phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Thực ra bây giờ, tất cả những việc tôi nói, tôi nghĩ nhiều người biết, vấn đề vẫn là khâu thực hiện thôi. Tôi lấy ví dụ, để đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ vào thực tiễn, chúng ta có cơ chế rồi, có luật rồi. Nhưng thực tiễn triển khai thì khó.
Ngay cả vấn đề nhân lực. Ai cũng biết đào tạo nguồn lực là rất quan trọng. Nhưng chất lượng như thế nào? Nhiều trường dạy nghề, giáo viên còn tụt hậu, máy móc thiết bị lạc hậu hơn so với thực tiễn thì lấy gì đào tạo học sinh?
Cá nhân ông kỳ vọng như thế nào về những thay đổi của đất nước?
Thời gian vừa qua chúng ta đã có những nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế, tạo hàng lang pháp lý thông thoáng để mang lại tự do cho dân, cho doanh nghiệp, khơi thông tất cả nguồn lực tài nguyên, con người.
Chúng ta cũng nhận thấy sự nỗ lực quyết liệt của Chính phủ trong cải cách hành chính, thời gian tới, chúng ta hy vọng chuyển biến tích cực hơn nữa. Hệ thống pháp luật có rồi thì hành pháp làm sao cho thực chất. Làm sao bỏ được chi phí không chính thức đi, phải tạo môi trường minh bạch. Triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý, tạo ra sức bật trong năng suất lao động. Đó là câu chuyện để đến thành công ngắn nhất.
Trong tiến trình ấy, chúng ta cũng phải cực kỳ lưu tâm tới cái gọi là “thế mạnh”. Chúng ta có thế mạnh của chúng ta. Về nông nghiệp, chúng ta phải nhân cái thế mạnh này lên gấp nhiều lần. Ở các lĩnh vực khác cũng vậy, phát huy được sở trường để rút ngắn quãng đường tới thành công.
Thưa ông, muốn có một Việt Nam hùng cường, vai trò của doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng?
Rõ ràng. Chúng ta xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp đứng trước hai việc: anh phải tồn tại (vừa qua tỷ lệ thành lập cao nhưng giải thể cũng nhiều); thứ 2 là khi đi vào sản xuất anh phải chọn công nghệ, đi tắt đón đầu. Anh đi sau lại chọn công nghệ thấp thì sao cạnh tranh được.
Việc tìm thế mạnh, phát huy sở trường thì doanh nghiệp phải chủ động. Nhưng muốn doanh nghiệp được “tự do” phát huy sở trường, tìm thế mạnh thì Nhà nước phải tạo khuôn khổ thông thoáng. Chúng ta ổn định vĩ mô tốt rồi nhưng có một việc cần làm ngay cho doanh nghiệp, đó là hạ lãi suất. Doanh nghiệp trong nước đang phải gánh chi phí cao hơn các nước khác trong khoản vốn, làm giảm tính cạnh tranh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận