24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Đạt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng - 'Mua dây buộc mình'?

Việc điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu room tín dụng đang được NHNN xem xét lại. Một số chuyên gia đánh giá rằng, công cụ này đã không còn phù hợp, không phải là phương án tối ưu, đang bộc lộ yếu điểm như cơ chế xin cho, phi thị trường,... không khác nào NHNN tự mua dây buộc mình.

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với vấn đề điều hành tăng trưởng tín dụng, NHNN xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình điều hành chỉ tiêu room tín dụng những mặt được cũng như chưa được. Trong thời gian tới, việc có tiếp tục duy trì room tín dụng hay không hoặc có lộ trình như thế nào… sẽ trên tinh thần khắc phục hạn chế tạo điều kiện đảm bảo tiêu chí kiểm soát được rủi ro tín dụng.

Giải pháp room tín dụng đã được NHNN chính thức triển khai vào năm 2011 trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn lạm phát lớn. Room tín dụng quy định tăng trưởng tín dụng tối đa của ngành ngân hàng, do NHNN công bố vào đầu mỗi năm. Dựa trên mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế và "sức khỏe" tài chính của các ngân hàng mà NHNN sẽ phân phối tỷ lệ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước.

Cơ chế tác động của room tín dụng mang tính áp đặt ở dạng chỉ tiêu kế hoạch hằng năm không được vượt quá đối với hệ thống NHTM. Ngân hàng Trung ương phải theo dõi hoạt động cho vay của các NHTM, nếu NHTM cho vay vượt quá room quy định sẽ bị xử phạt.

Thực tế, thị trường chỉ được tiếp cận thông tin về việc hạn mức tín dụng của từng ngân hàng thông qua các buổi gặp mặt nhà đầu tư, cổ đông và do từng NHTM chủ động công bố. Bản thân NHNN chưa công khai cách tính toán từng chỉ tiêu như thế nào trong việc xác định room tín dụng cụ thể. Chẳng hạn, Thông tư 52/2018/TT-NHNN là một trong những thông tư về phân loại ngân hàng được NHNN sử dụng để phân bổ hạn mức tín dụng, tuy nhiên, tiêu chí này chiếm tỷ lệ như thế nào trong tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được phê duyệt thì chưa được làm rõ.

Trước bối cảnh, tăng trưởng tín dụng 11 tháng đầu năm 2023 rất thấp so với mục tiêu cả năm (tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến 22/11 mới đạt 8,21%), ngày 29/11, NHNN đã phân bổ lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu nhằm điều hoà tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng chung trong năm 2023 vẫn giữ nguyên chỉ tiêu đã xác định từ đầu năm (14,5%).

Đánh giá về động thái nêu trên của NHNN, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, đây là giải pháp mang tính chữa cháy nhưng có thể mang hiệu quả về mặt con số, chuyển từ chỗ không có nhu cầu sang chỗ có nhu cầu. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, đây chỉ là giải pháp trong ngắn hạn, còn về dài hạn, tăng trưởng tín dụng của NHTM không nằm trong tay NHNN mà nằm ở nhu cầu của thị trường.

Theo đó, vị này khuyến nghị, việc điều hành chỉ tiêu tín dụng theo room cho từng NHTM, một mặt khiến cho ngân hàng có dư nợ nhiều thì thiếu, ngược lại ngân hàng không có nhu cầu thì lại thừa. Điều này vừa khiến NHNN lại vất vả sắp xếp lại room tín dụng, vừa hạn chế khả năng tăng trưởng tín dụng của các nhà băng, khiến họ bị động trong kế hoạch kinh doanh. Nếu không áp dụng cơ chế quản lý theo room tín dụng nữa, tự thị trường sẽ vận hành, chỗ nào cần tăng sẽ tăng.

Phân tích cụ thể hơn, ông Minh cho biết, cơ chế giao room tín dụng được NHNN áp dụng trở lại khi các NHTM thời điểm đó tăng trưởng tín dụng nóng, lại tập trung chủ yếu vào mảng bất động sản khiến nợ xấu tăng cao. Điều này đã dẫn tới khủng hoảng năm 2010-2011. Điểm tích cực của cơ chế này là kiểm soát được tình trạng nợ xấu, không để xảy ra khủng hoảng trong tương lai nhưng mặt trái là cơ chế xin cho, mang tính điều tiết nhiều hơn thị trường.

Với thời điểm hiện tại, vị này cho rằng, khi hệ thống ngân hàng đã áp dụng dụng các quy chuẩn ngân hàng thế giới như Basel II, Basel III thì việc áp room không còn cần thiết. Bản thân các ngân phải tự kiểm soát rủi ro. Như vậy, để không còn cơ chế xin cho thì chỉ cần nâng tiêu chuẩn của các bộ chỉ số.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho rằng, quản lý theo room tín dụng không phải là công cụ hiệu quả nhất và cũng không còn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đó, năm 2022 hệ thống NHTM rơi vào trình trạng giữa năm hết room tín dụng, sau đó NHNN phải nhiều lần điều chỉnh room tín dụng của từng ngân hàng và trần tín dụng cả năm. Năm nay, ngược lại, nhiều ngân hàng đã dùng hết room tín dụng nhưng một số ngân hàng lại thừa room, tới thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới trên 8%. Điều này cho thấy, điều hành tín dụng theo room giao từng ngân hàng dẫn tới lúc thiếu, lúc thừa làm những ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao thì phải xin NHNN nới room nhưng điều chỉnh thường sẽ không kịp lúc, còn ngân hàng nào thừa lại vẫn thừa.

"NHNN không nên tự "mua dây buộc mình", bỏ room tín dụng là phù hợp, chỉ nên giữ trần tín dụng như năm nay là 14%", ông Hiếu nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, có nhiều công cụ khác để kiềm chế lạm phát và điều hành tăng trưởng tín dụng đúng mục đích thay vì chỉ tiêu room. Theo đó, hiện nay 3 công cụ chính sách mà các nước áp dụng là lãi suất, thị trường mở và dự trữ bắt buộc. NHNN đã sử dụng các công cụ như thị trường mở, lãi suất nhưng dự trữ bắt buộc thì NHNN chưa sử dụng tới.

Lấy ví dụ ở một số nước phát triển, ông Hiếu cho biết, họ sẽ chia ra làm khoảng 3 loại hình ngân hàng và mỗi loại hình sẽ chịu mức dự trữ bắt buộc khác nhau, tuỳ vào sức khoẻ từng ngân hàng. Theo đó, khi yêu cầu dự trữ bắt buộc tăng lên, thì ngân hàng đó phải giảm bớt tiền đẩy vào lưu thông và ngược lại. Công cụ này được các nước phát triển sử dụng rất hiệu quả, kết hợp việc NHNN thanh tra các ngân hàng khi thấy có tăng trưởng quá nóng.

Ngoài ra, vị này khuyến nghị thêm rằng, nếu NHNN tiếp tục sử dụng công cụ quản lý theo room tín dụng nên có bộ tiêu chí rõ ràng để cấp room tín dụng và bộ chỉ tiêu này nên được công khai.

Đầu tháng 12/2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023 của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tăng trưởng tín dụng, xây dựng, giao, điều hành chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023, công tác quản lý, giám sát việc thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Thanh tra Chính phủ được giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai trong tháng 12 và kết quả thanh tra trong tháng 1/2024.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả