Chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế
Chiều ngày 15/2, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai giải ngân các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ năm 2023. Hội nghị được kết nối với 63 điểm cầu tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách các tỉnh, TP.
Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (gọi tắt là Nghị quyết số 11/NQ-CP) được Chính phủ ban hành ngày ngày 30/1/2022.
Nguồn hỗ trợ kịp thời cho người dân, DN
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHCSXH đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Đến nay, NHCSXH đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, xây dựng, ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức giải ngân các chương trình tín dụng, hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt kết quả đáng ghi nhận, kịp thời hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin về kết quả cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 và thực hiện hỗ trợ lãi suất, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH - Bùi Quang Vinh cho biết: Tính đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 283.348 tỷ đồng, tăng 35.378 tỷ đồng (+14,3%) so với năm trước đó, với trên 6.550 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 254.191 tỷ đồng, tăng 30.179 tỷ đồng (+13,5%) so với cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, NHCSXH đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 16.024 tỷ đồng. Trong đó, chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến đạt 827 tỷ đồng; chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt 4.032 tỷ đồng; chương trình cho vay hỗ trợ việc làm đạt 10.000 tỷ đồng; chương trình cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 194 tỷ đồng; chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 971 tỷ đồng, với gần 19,5 nghìn khách hàng vay vốn.
Đáng chú ý, đến 31/12/2022, NHCSXH giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 93.000 tỷ đồng, cho trên 2,2 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ là 878 tỷ đồng.
Chia sẻ kết quả triển khai tại địa phương, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Kết quả cho vay các chương trình tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết số 11 trên địa bàn TP tính từ khi triển khai thực hiện đến 31/01/2023 là 178,6 tỷ đồng, với 2.770 khách hàng được vay vốn; doanh số thu nợ là 1,54 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 177,1 tỷ đồng với 2.749 khách hàng. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ là một trong những giải pháp tạo thêm nhiều động lực và sức bật cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá: Các chính sách tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình theo Nghị quyết 11 đã mang lại những kết quả khả quan, thực hiện đúng theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và mục tiêu của Chương trình đề ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân, người lao động, các nhóm yếu thế, người nghèo, người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội
Rà soát, bổ sung lại nguồn vốn
Mặc dù là nguồn lực kịp thời hỗ trợ người dân, DN, tuy nhiên thực tế quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ còn nhiều bất cập. Phó Tổng Giám đốc NHCSXH- Bùi Quang Vinh chỉ ra: Chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn dành cho các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP chưa phù hợp với nhu cầu vay vốn thực tế được tổng hợp từ các địa phương. Thực tế, nhu cầu vay vốn giai đoạn 2022 - 2023 đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 43.140 tỷ đồng, nhưng kế hoạch giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP là 10.000 tỷ đồng, trong khi 4 chương trình tín dụng còn lại nhu cầu vay vốn thấp hơn so với kế hoạch giao.
Cụ thể: Chương trình cho vay nhà ở xã hội có nhu cầu vốn trong 2 năm 2022-2023 là 9.929 tỷ đồng, kế hoạch 15.000 tỷ đồng; Chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính nhu cầu vốn trong 2 năm 2022-2023 là 1.293 tỷ đồng, kế hoạch 3.000 tỷ đồng; Chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập có nhu cầu vốn là 406 tỷ đồng, kế hoạch là 1.400 tỷ đồng; Cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhu cầu vốn là 5.954 tỷ đồng, kế hoạch 9.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, dư nợ các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của năm 2022 mới hoàn thành 84,3%. Cụ thể, đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội đến hết năm 2022 đã giải ngân 9.929 tỷ đồng, kế hoạch 15.000 tỷ đồng vốn của 2 năm 2022 – 2023. Nguyên nhân do trong quá trình triển khai thực hiện, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn hạn chế, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch; đối tượng có nhu cầu vay vốn nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay.
Trước thực tế trên, Thứ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội từ đó tạo nguồn cung về nhà ở xã hội; đồng thời hỗ trợ kịp thời các đối tượng có nhu cầu về nhà ở được mua, thuê mua hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Trên cơ sở đó, NHCSXH tổ chức tiếp cận, hướng dẫn, triển khai cho vay theo quy định.
Để bảo đảm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP, ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu kiến nghị, NHCSXH cùng các Bộ, ngành rà soát bổ sung nguồn vốn và có những điều chỉnh nguồn vốn với từng chương trình cho vay phù hợp với các địa phương.
Đưa ra những giải pháp triển khai trong thời gian tới, Tổng Giám đốc NHCSXH - Dương Quyết Thắng cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tham mưu trình Chính phủ giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023 và tạo điều kiện hỗ trợ NHCSXH trong quá trình tổ chức phát hành trái phiếu, nhằm tạo lập đủ nguồn lực cho vay để đẩy mạnh triển khai, giải ngân các chính sách tín dụng đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Đồng thời, tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023; kịp thời nắm bắt phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, Ngân hàng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với việc triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ- CP…
Đề nghị các cơ quan Dân tộc theo ngành dọc tại các địa phương phối hợp với các sở, ngành và NHCSXH tại địa phương nằm trong địa bàn thực hiện chính sách tín dụng tại vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28 cần sớm xác định, xây dựng kế hoạch và tổng hợp nhu cầu vốn tín dụng của các đối tượng thụ hưởng chính sách đối với các dự án làm cơ sở để NHCSXH xây dựng kế hoạch tín dụng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn và thực hiện cho vay theo Nghị định 28 và Nghị quyết 11 của Chính phủ. Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết đề ra. Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận