Chỉ số Hang Seng "hồi sức" hơn 1% sau hai ngày trượt dài
Chứng khoán Hong Kong đã phần nào phục hồi trong ngày giao dịch 28/7 sau cú trượt dài trong hai ngày giao dịch trước đó.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong kết thúc ngày giao dịch 28/7 với tăng 1,54% lên 25.473,88 điểm. Hai ngày giao dịch trước đó, Hang Seng mất tổng cộng hơn 8% do nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng từ việc Trung Quốc siết chặt các quy định đối với các lĩnh vực như công nghệ và giáo dục tư nhân.
Các nhà phân tích tại Công ty quản lý tài sản Bespoke Investment cho biết, vào năm 2011 chỉ số Hang Seng từng lao dốc hơn 7,5% trong hai ngày giao dịch. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, chỉ số này chưa có bất kỳ đợt sụt giảm hai ngày nào vượt quá mức 8% như hai ngày qua.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bán tháo hai ngày qua, cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong đã đảo chiều và tăng điểm trong ngày 28/7.
Trong đó, cổ phiếu của "gã khổng lồ" internet Tencent nhích nhẹ 0,27% trong khi cổ phiếu Alibaba tăng 1,83%. Đáng kể, liên tiếp "bốc hơi" lần lượt 13,76% và 17,66% trong hai ngày giao dịch trước, cổ phiếu của "đế chế" giao đồ ăn Meituan đã tăng lại 7,53%. Còn chỉ số Hang Seng Tech tăng 3,1% lên 6.443,31 điểm.
Cổ phiếu của hãng xe điện Trung Quốc Xpeng lao dốc 7,94%, tương xứng với mức sụt giảm đêm qua của cổ phiếu này tại thị trường Mỹ.
Sau mức giảm sâu trước đó, cổ phiếu của hai công ty giáo tư nhân là New Oriental Education & Technology Group và Koolearn Technology cũng lần lượt tăng trở lại với các mức 9,71% và 9,16%.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn đóng cửa trong sắc đỏ. Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,58% xuống 3.361,59 điểm còn chỉ số Shenzhen Component trượt nhẹ xuống 14.086,42 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc kết thúc ngày giao dịch 28/7 với mức tăng nhẹ 0,13% lên 3.236,86 điểm. Trái lại, hai chỉ số chính của thị trường chứng khoán Nhật Bản đều đi xuống. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa mất 1,39% xuống 27.581,66 điểm, còn chỉ số Topix giảm 0,95% xuống 1.919,65 điểm.
Chứng khoán Australia cũng "đỏ sàn" sau thông tin lạm phát. Chỉ số S&P/ASX 200 tại Australia giảm 0,7% trong ngày xuống còn 7.379,30 điểm. Theo số liệu được Cơ quan thống kê Australia công bố ngày 28/7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong quý II/2021 tăng 0,8%.
Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) vẫn nhích 0,26%.
Tình hình dịch Covid-19 phức tạp lên tại châu Á đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý nhà đầu tư. Chính quyền Australia hôm nay quyết định kéo dài áp dụng các lệnh hạn chế di chuyển trên toàn vùng đô thị Greater Sydney thêm 4 tuần.
Trong một diễn biến khác, Hàn Quốc xác nhận có 1.896 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 27/7, mức cao nhất kể từ khi nước này đối mặt với làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ 4 dâng cao do biến thể Delta.
Thị trường tiền tệ hôm 28/7 ghi nhận chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tiếp tục trượt về 92,554, từ mức giảm gần đây là 92,7. Đồng yên Nhật lên giá và quy đổi 109,95 JPY "ăn" 1 USD, so với mức trên 110,4 JPY đổi 1 USD, trong khi đồng đô la Australia cũng mạnh lên và trao tay 1 AUD đổi 0,7343 USD.
Dầu mỏ giao dịch theo giờ châu Á nhích giá vào chiều 28/7. Dầu Brent giao kỳ hạn lên giá 0,42% và giao dịch ở mức 74,79 USD/thùng, còn dầu thô giao sau của Mỹ tăng giá 0,52% lên 72,02 USD/thùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận