Chỉ số giá vàng tăng hơn 26% trong 9 tháng
Bình quân 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 26,27% so với cùng kỳ khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có báo cáo số 3176/BC-UBKT15 thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Theo Ủy ban Kinh tế, môi trường tài chính, hệ thống tài chính tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vàng và thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro.
Năng lực cung ứng vốn của nền kinh tế còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng trong khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với vai trò là kênh dẫn vốn trung - dài hạn, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; hệ thống ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu.
Một số bất cập, hạn chế tích tụ của nền kinh tế trong nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để.
Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm. Tín dụng những tháng đầu năm tăng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế.
Tỉ giá USD/VND có xu hướng tăng trong nửa đầu năm 2024 trước áp lực của thị trường quốc tế và cung cầu thị trường ngoại tệ trong nước kém thuận lợi, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỉ giá.
Tỉ giá VND/USD trong năm 2024 có giai đoạn tăng cao ngoài dự báo (ngày 2.1.2024 tỉ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.848 đồng thì đến 16.5.2024 là 24.240 đồng) khiến doanh nghiệp thêm nhiều khó khăn.
Thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước tháng 9.2024 tăng 22,6% so với tháng 12.2023, tăng 32,27% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 26,27% so với cùng kỳ khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng mạnh từ năm 2020 đến nay. Trong năm 2024, có thời điểm ghi nhận chênh lệch lên đến 20 triệu đồng/lượng, cao hơn 8,3 lần so với bình quân giai đoạn 2012 - 2020.
Chênh lệch giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới do cầu về vàng lớn, trong khi nguồn cung vàng miếng bị kiểm soát chặt thông qua công ty SJC; nguồn cung vàng nguyên liệu dùng để sản xuất vàng miếng và vàng trang sức hiện cũng đang được kiểm soát thông qua hạn ngạch nhập khẩu hằng năm.
Theo đánh giá trước đó của Chính phủ, các giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, giúp ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp, giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới. Đặc biệt là đã tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC.
Công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, buôn lậu, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.
Công tác quản lý thuế và triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh vàng được thực hiện quyết liệt; đến nay 100% doanh nghiệp kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận