menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Đình Đạt

Chi phí vận tải đi bờ Đông nước Mỹ vẫn cao gấp 4-5 lần bình thường

Chi phí vận tải, nguyên vật liệu sản xuất tăng cao hay thiếu nhân lực là những thách thức mà nhiều hiệp hội ngành nghề gặp phải trong hoạt động nửa đầu năm vừa qua.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa tổ chức hội nghị về tình hình sản xuất và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh 6 tháng cuối năm.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã chia sẻ về sức ép chi phí logistics đối với doanh nghiệp. Ông Nam nêu ví dụ tổng chi phí vận chuyển 1 container 40 feet hàng thủy sản đông lạnh sang Bờ Đông nước Mỹ (ví dụ như bang Florida) trong giai đoạn đỉnh dịch và tắc nghẽn cảng là 400 triệu đồng. Tại thời điểm tháng 6 hiện nay, chi phí khoảng 390 triệu đồng/container, có giảm nhưng vẫn là mức cao gấp 4-5 lần bình thường.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư quan tâm tái quy hoạch, quy hoạch mới về logistics, trong đó cho các doanh nghiệp chủ hàng đầu tư vào tỉnh, vùng phù hợp. Giải pháp dài hạn chính là quy hoạch ngành hàng, chuỗi giá trị và quy hoạch vùng. Cùng với đó, hỗ trợ chuyển đổi số mạnh cho ngành dịch vụ logistics cũng sẽ giúp cắt giảm chi phí.

Logistics quốc tế liên quan chặt chẽ đến lợi thế cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư FDI. Ông Minh đề xuất Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo Thủ tướng và phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để có kế hoạch làm việc với các hãng tàu để bình ổn giá cước và phụ phí vận tải quốc tế.

Cũng liên quan đến vấn đề chi phí, tại hội nghị ông Bùi Văn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho biết trước sự ảnh hưởng của việc tranh chấp và xung đột quốc tế khiến giá nhiên liệu tăng cao, nhiều tuyến đường bay phải điều chỉnh, làm tăng giờ bay dẫn đến tăng chi phí. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trên các đường bay quốc tế trở nên khốc liệt hơn trong khi tiềm lực các doanh nghiệp hàng không trong nước còn hạn chế.

Chính vì vậy, đại diện hiệp hội hàng không đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về 0% và xem xét, kéo dài các chính sách hỗ trợ về phí, lệ phí cho doanh nghiệp trong ngành cho đến khi thị trường bay quốc tế hồi phục về mức thời điểm trước dịch. Theo kịch bản trước đó, ngành hàng không sẽ hồi phục hoạt động vận chuyển hàng khách quốc tế vào 2023.

Chi phí tăng cao cũng là thách thức của nhiều ngành khác như dệt may, logistics, xây dựng… trong nửa đầu năm nay. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cho biết giá cả nguyên vật liệu đồng loạt tăng, khiến giá thành tăng 18-30% so với cuối năm 2020.

Theo ông Trương Văn Cẩn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết giá bông, xăng, dầu đều tăng. Trong khi tỷ giá ngoại tệ như nhân dân tệ, đồng won và yên đều giảm trên 15% thì VNĐ chỉ giảm 1,8%. Điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đại diện lãnh đạo các hiệp hội thống nhất cho rằng cần điều hành chính sách tiền tệ, bình ổn giá để các doanh nghiệp không bị mất lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, vấn đề khát nhân lực cũng là một khó khăn khác mà các hiệp hội gặp phải trong 6 tháng đầu năm bên cạnh chi phí nguyên liệu, sản xuất tăng cao.

Đơn cử như Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam có đặc thù sử dụng nhiều lao động thời vụ, nông nhàn. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công nhân xây dựng đã đi làm những công việc khác. Theo đó, dù đơn giá nhân công tăng 20-30% nhưng doanh nghiệp xây dựng vẫn loay hoay, không tìm được lao động.

Tương tự ngành hàng không, một bộ phận lao động kỹ thuật, quản lý có trình độ cao nghỉ việc sau thời 2 năm nền kinh tế và ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều này khiến ngành rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động dù đang trong quá trình phục hồi.

Thêm nữa, theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngành này đang thiếu hụt khoảng 55-60% lao động dù nhiều khách sạn 5* vẫn thận trọng và chưa mở cửa hoạt động trở lại. Vì vậy, ngành du lịch đề nghị được hỗ trợ về hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ở những điều kiện cơ bản nhất, nhờ vậy doanh nghiệp sẽ có nền tảng để phát triển tiếp.

Trong bối cảnh vừa nêu, các hiệp hội đề xuất thúc đẩy chính sách đào tạo nghề và phát huy vai trò trường nghề để đáp ứng nguồn cung lao động. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (trường nghề) có thể cùng nhau hợp tác để tăng hiệu quả đào tạo để tạo nên sản phẩm là người lao động lành nghề.

Ngoài những khó khăn trên, các hiệp hội, ngành hàng cũng nêu vướng mắc trong việc tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng và đề xuất cần có cơ chế thúc đẩy kinh tế chia sẻ như kết nối nguồn vốn của doanh nghiệp, huy động sử dụng các nguồn lực.

Những kiến nghị của các hiệp hội, ngành hàng sẽ được Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp thu, tổng hợp và báo cáo Chính phủ tại cuộc họp thường kỳ tháng 6 sắp tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại