Chi gần 22.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Gần 22.800 tỷ đồng (98% tổng kinh phí được giải quyết) đã được chi trả cho hơn 9,3 triệu lao động, đa số là qua tài khoản cá nhân.
Thông tin trên được ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết tại họp báo Chính phủ chiều 6/11.
Theo ông Sơn, thực hiện Nghị quyết 116 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, từ ngày 1/10, cơ quan BHXH toàn quốc đã triển khai chính sách này. Đến nay, việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị, tương ứng 9,68 triệu lao động cơ bản đã xong. Số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) là 7.595 tỷ đồng.
Đến ngày 5/11, BHXH đã chi trả hỗ trợ cho hơn 9,3 triệu lao động, gồm trên 8,7 triệu đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hơn 613.300 người dừng tham gia, tương đương 86% số người lao động đề nghị.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Ảnh: Xuân Hoa
Theo ông Sơn, khó khăn nhất hiện nay là việc xác định một số đơn vị, tổ chức như Ngân hàng chính sách, Đài phát thanh truyền hình các tỉnh, trung ương, tổ chức xã hội như trung tâm giao lưu văn hóa... có thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên hay không? Điều này dẫn tới các đơn vị lúng túng trong cung cấp hồ sơ, cơ quan BHXH thiếu căn cứ xác định đối tượng được hỗ trợ.
Ngoài ra, một bộ phận người lao động, đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và di chuyển về các địa phương sau đợt dịch thứ tư, thuộc diện hưởng hỗ trợ nhưng chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin, chưa hiểu hết quyền lợi bản thân để chủ động liên hệ với cơ quan BHXH địa phương.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, việc dịch chuyển lao động giữa các địa phương, vùng bị hạn chế đã làm thị trường lao động bị chia cắt cục bộ, nguy cơ thiếu hụt ở một số vùng, ngành, lĩnh vực khi phục hồi sản xuất.
Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Nguyễn Bá Hoan. Ảnh: Hiếu Duy
Để chuẩn bị nguồn lao động phục vụ cho phục hồi sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã định hướng một số giải pháp. Trước mắt là khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, chế độ bảo hiểm, tiền ăn ca, các phúc lợi xã hội... để giữ chân họ.
Cơ quan chức năng tập trung tư vấn, hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ như Nghị quyết 68 (26.000 tỷ đồng), Nghị quyết 116 (gói 30.000 tỷ đồng); tiếp tục hỗ trợ nhà ở, phòng trọ, lương thực, thực phẩm cho người lao động yên tâm làm việc; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động.
Ngoài ra, các địa phương cũng tổ chức phối hợp thông tin, hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc, tạo điều kiện để họ trở lại các địa phương từng làm việc; ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine phòng Covid-19.
"Chúng tôi cũng nghiên cứu, chuẩn bị sẵn phương án huy động bổ sung, phát triển nguồn lao động từ các nguồn dự trữ như học viên trường nghề, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ...", Thứ trưởng Hoan nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận