Chênh lệch giá vàng vẫn cao, cần xem xét lại cách thức tổ chức đấu thầu
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức nhiều phiên đấu thầu, tăng nguồn cung. Trong thời gian chờ đợi lượng vàng trên thẩm thấu vào thị trường, có ý kiến chuyên gia cho rằng, cách thức tổ chức đấu thầu vàng hiện nay vẫn chưa đem lại hiệu quả.
Cần xem xét lại cách thức tổ chức đấu thầu
Sau một số phiên đấu thầu, ngày 10.5, giá vàng miếng SJC trong nước đạt ngưỡng kỷ lục 92,4 triệu đồng/lượng. Sau đà tăng, giá vàng đã giảm nhưng lại bật tăng sau phiên đấu thầu ngày 14.5.
Ghi nhận trưa 15.5, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết ở ngưỡng 87,3 - 89,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) - tăng 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 800.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Điều này khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở ngưỡng cao, khoảng 19-20 triệu đồng/lượng. Những phiên sau đó, giá vàng trồi sụt thất thường, tuy nhiên vẫn neo ở ngưỡng cao.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho biết, nguyên nhân quan trọng khiến khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới không thu hẹp lại là do cách thức tổ chức đấu thầu hiện nay vẫn chưa đúng với tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là phải thu hẹp giá vàng và tăng tính thị trường.
Việc lựa chọn giá vàng đấu thầu cao như hiện nay vô hình trung sẽ khiến giá vàng trong thời gian sau đấu thầu không thể nào thấp hơn giá tối thiểu.
"Chúng ta vẫn mặc nhiên công nhận và duy trì mức chênh lệch giá như thị trường, đi ngược hoàn toàn với mục tiêu của Chính phủ và NHNN là giảm mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Đồng thời, điều kiện để tham gia đấu thầu cũng rất khó, loại đi rất nhiều người mua tiềm năng để tăng lượng cung vàng.
Giá tối thiểu cao và số ít người tham gia đấu thầu thành công khiến lượng cung vàng không tăng lên. Chính vì vậy, việc tổ chức đấu thầu vàng cần xem lại cách thức và bổ sung những biện pháp để cho tăng tính thị trường” – TS Nguyễn Minh Phong kiến nghị.
Còn theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính, việc tổ chức đấu thầu nhằm giảm chênh lệch giá vàng miếng giữa trong nước và quốc tế chưa phải là giải pháp căn cơ. Về lâu dài cần xem xét chỉnh sửa Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Khung cảnh giao dịch tại một cửa hàng vàng bạc đá quý tại Hà Nội ngày 14.5. Ảnh: Phan Anh
Làm sao để thu hẹp khoảng cách giá vàng?
Để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phải tăng tính thị trường để tránh độc quyền, cho phép tự do hóa thị trường vàng trong nước.
“Tất nhiên, không phải tự do theo kiểu buôn vàng đầu cơ hoặc là buôn vàng tài khoản mà cần tăng nguồn nhập nguyên liệu vào để các doanh nghiệp tư nhân sản xuất vàng trang sức, vàng miếng… Từ đó, tăng nguồn cung để người dân có nhiều sự lựa chọn.
Giá vàng liên tục lập đỉnh khiến người dân đổ xô mua vào có thể mang đến rủi ro cho họ vì mua vào với giá cao. Điều này khiến dòng tiền của đất nước không vào đúng chỗ như sản xuất, đồng thời đẩy áp lực lên đồng USD, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và tâm lý nhà đầu tư" - TS Nguyễn Minh Phong cho hay.
Giá vàng SJC trong nước tăng mạnh dù phiên trước đó, lượng lớn vàng miếng được đấu giá thành công. Số liệu ghi nhận lúc 9h15 ngày 15.2.2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận