Chạy 'nước rút' giải ngân gói phục hồi 350.000 tỷ đồng
Uớc giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến nay đạt hơn 109,5 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau gần 2 năm triển khai, bên cạnh một số chính sách đạt kết quả giải ngân cao thì nhiều hỗ trợ có kết quả thực hiện hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất tiếp tục đứng “bét bảng” về kết quả thực hiện. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo đến hết tháng 9/2023, các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 873 tỷ đồng, tức khoảng 2,3% tổng hạn mức hỗ trợ.
Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất với giải ngân khoảng 2,3% tổng hạn mức hỗ trợ.
Đối với các chính sách thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 29/11/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội ước giải ngân 5/5 chương trình tín dụng chính sách của chương trình đạt 34.139 tỷ đồng cho hơn 555.000 khách hàng.
Hiện, các chính sách miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí trong phạm vi Chương trình đã hết thời hạn thực hiện. Trước đó, tổng số tiền thuế, phí đã được miễn, giảm là 60.547 tỷ đồng,
Về tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đến ngày 30/11 đạt khoảng 62.920 tỷ đồng.
Bước vào chặng "nước rút" cuối cùng để thực hiện gói phục hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi cho đến hết thời gian thực hiện chương trình.
Các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư , điều chuyển giữa kế hoạch vốn của chương trình và kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, nhằm giải ngân cao nhất kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm nay.
Cơ quan ngành kế hoạch cũng đề nghị Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm hoàn thiện thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án dự kiến sử dụng số vốn 2.920 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 còn dư.
Các dự này đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 581/BC-CP, bao gồm : Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ (đợt 2); Dự án đầu tư trang thiết bị y tế Bệnh viện Bạch Mai; Dự án đầu tư xây dựng khoa khám bệnh- Bệnh viện Bạch Mai; Dự án mua sắm trang thiết bị y tế, cải tạo sửa chữa Bệnh viện Chợ Rẫy; Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế - Dự án đầu tư xây dựng Tòa nhà trung tâm khoa khám bệnh và kỹ thuật nghiệp vụ - Bệnh viện Đại học Y Dược của Đề án đầu tư tổng thể Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở Linh Đường (mới), Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn từ năm 2023-2030) sau khi được thông báo kế hoạch vốn.
Tại kỳ họp bất thường vào tháng 1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế gần 347.000 tỷ đồng. Theo đó, số dự án thuộc chương trình phục hồi được sử dụng vốn đầu tư phát triển, tăng chi từ nguồn ngân sách tối đa 176.000 tỷ đồng trong 2 năm (năm 2022 và 2023).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận