Chạy đua rót tiền vào logistics
Từ đầu năm đến nay nhiều địa phương đã lên kế hoạch đầu tư lớn cho ngành logistics, trong khi đó các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã rục rịch rót tiền tỷ vào các dự án kho bãi, vận tải và giao nhận hàng hóa.
Nhiều địa phương lên kế hoạch nghìn tỷ
Chỉ trong tháng 3/2021 Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu, Hậu Giang… đã phê duyệt các kế hoạch đầu tư mạnh vào ngành logistics.
Theo đó, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã hợp tác cùng phát triển trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương (Hà Tĩnh) với quy mô 160 ha, công suất 22,5 triệu tấn/năm. Tỉnh này cũng sẽ đưa trung tâm logistics tại Đức Thọ vào quy hoạch hạ tầng địa phương giai đoạn 2021-2030, biến ngành dịch vụ logistics trở thành trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế tỉnh Hà Tĩnh.
Ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.HCM kế hoạch đầu tư cho ngành kho vận cũng được các sở, ngành đặt ra hết sức cụ thể. Trong đó, Công ty Giao nhận vận tải miền trung đã chính thức khởi công trung tâm logistics Vinatrans Danang với số vốn đầu tư khoảng 120 tỷ đồng. Tiếp đó, Sở Giao thông - Vận tải Đà Nẵng đã thông báo sẽ dành khoảng 800 tỷ đồng để đầu tư trung tâm dịch vụ logistics Hòa Vang vào quý IV/2021.
Trong tháng 3/2021, TP.HCM đã phê duyệt đề án phát triển ngành logistics giai đoạn 2021-2030. Theo đó, tổng nhu cầu vốn cho ngành này tại TP.HCM trong 10 năm tới dự kiến sẽ đạt khoảng 95.800 tỷ đồng. Địa phương sẽ tập trung phát triển mạnh 7 trung tâm logistics tại các khu vực Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, khu công nghệ cao thành phố Thủ Đức; trung tâm logistics Tân Kiên (huyện Bình Chánh); trung tâm logistics Củ Chi và trung tâm logistics Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Dự kiến, tổng diện tích của các trung tâm này khoảng 623 ha.
Kế hoạch đầu tư lớn vào ngành logistics còn lan ra các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khi tỉnh Hậu Giang công bố sẽ dành trên 113.000 tỷ đồng để phát triển 3 trung tâm logistics và thành lập mới 10 khu, cụm công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025, Long An cũng lên kế hoạch kêu gọi vốn hàng trăm tỷ đồng đầu tư các khu tiếp nhận kho vận - logistics tại cảng quốc tế Long An và trung tâm kho vận và dịch vụ logistics ở Bến Lức. Trong khi đó, Cần Thơ đã kịp thời hợp tác với Tập đoàn Sovico để đầu tư trung tâm logistics hàng không tại quận Bình Thủy, với quy mô khoảng 50 ha để tập trung khai thác mảng vận chuyển nông sản xuất khẩu qua đường hàng không…
Chuyển hướng đầu tư và gắn kết nội ngành
Trước xu hướng khuyến khích phát triển mạnh các lĩnh vực liên quan đến logistics của nhiều địa phương, từ đầu năm 2020 đến nay làn sóng chuyển hướng đầu tư và hợp tác rót vốn vào các dự án kho bãi, vận chuyển, trung chuyển hàng hóa đã thu hút sự tham gia của khá nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Theo đó, không chỉ ở mảng hạ tầng công nghiệp mà cả ở mảng bán lẻ các “đại gia” lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử như Viettel Post, Lazada, Shoppe… cũng đã vào cuộc với những dự án trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Ông Vũ Đức Thịnh - Tổng giám đốc Lazada Logistics Việt Nam cho biết, doanh nghiệp xác định đầu tư logistics là chiến lược giúp Lazada tạo hệ sinh thái bền vững. Do đó, sẽ tiếp tục đầu tư lớn cho hệ thống phương tiện giao hàng. “Ý tưởng của Lazada là đầu tư hệ thống xe đạp điện để giao hàng nhanh trong khu vực nội đô các thành phố lớn. Hiện đơn vị đã đầu tư 100 xe hoạt động ở khu vực TP.HCM, sắp tới sẽ mở rộng nhiều hơn nữa”, ông Thịnh cho biết.
Trong khi đó, ông Trần Trung Hưng - Tổng giám đốc Viettel Post cho hay, trong năm qua, tổng diện tích kho hàng mà doanh nghiệp này đầu tư ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ đã đạt 100.000 m2, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Theo ước tính, trong năm 2021 doanh thu mảng chuyển phát nhanh và logistics của Viettel Post dự kiến sẽ đạt khoảng 8.200 tỷ đồng, lợi nhuận gộp sẽ đạt trên 740 tỷ đồng. Các đánh giá cho thấy, đầu tư vào kho bãi và vận chuyển hàng hóa có những khoản sinh lời mạnh nhất trong giai đoạn hiện tại.
Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, mặc dù hiện nay xu hướng đầu tư của các địa phương và doanh nghiệp đối với mảng logistics tích cực, nhưng đến hiện ngành công nghiệp kho vận của Việt Nam vẫn là ngành có tốc độ phát triển chậm hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện bằng khoảng 20,9% GDP, cao hơn mức bình quân toàn cầu 14% và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Singapore.
Ông Khoa cho rằng, trong khoảng 2 năm trở lại đây, đặc biệt trong năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành logistics toàn cầu và Việt Nam có sự biến động mạnh. Làn sóng mua bán sáp nhập diễn ra mạnh mẽ. Theo đó, không chỉ các tập đoàn đa quốc gia mà cả các doanh nghiệp trong nước cũng đã có nhiều thương vụ M&A lớn. Đơn cử như Transimex đã lần lượt mua lại 50% và 41% vốn của các công ty Vinatrans Đà Nẵng và TJC; ITL Corp mua lại toàn bộ công ty Kho vận miền Nam (Sotrans Group). Ngoài ra, thị trường kho vận hiện nay cũng đã ghi nhận nhiều tập đoàn tư nhân lớn như Hòa Phát, CenLand, Phát Đạt… tham gia vào lĩnh vực sản xuất container và đầu tư kho bãi. Điều này cho thấy, trong năm 2021 và các năm tới cuộc cạnh tranh trong ngành logistics sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, chênh lệch đầu tư giữa hai khối doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ được thu hẹp và chi phí logistics có kỳ vọng sẽ được kéo giảm đáng kể trong dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận