Châu Âu tung hàng ngàn tỉ đô la để cứu doanh nghiệp
Trong những ngày qua, các nước châu Âu dồn dập cam kết các gói giải cứu trị giá hơn 1.600 tỉ đô la để hỗ trợ giới doanh nghiệp, người lao động và các hộ gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ do dịch Covid-19 gây ra.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng vừa triển khai gói kích thích trị giá 750 tỉ euro để mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp ở khu vực sử dụng đồng tiền euro (eurozone).
ECB triển khai gói kích thích 750 tỉ euro
Sau cuộc họp khẩn cấp vào cuối ngày 18-3, ECB thông báo triển khai chương trình mua trái phiếu mới trị giá 750 tỉ euro (821 tỉ đô la) trong một nỗ lực ngăn chặn cơn tổn thương tài chính nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19, đang đe dọa xé toang nền kinh tế eurozone và làm dấy lên các mối lo ngại về tính sống còn của khu vực này.
Thông báo cho hay kế hoạch mua trái phiếu mới, có tên gọi Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp để chống đại dịch (PEPP), sẽ mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp ở các nước thành viên eurozone cho đến khi “giai đoạn khủng hoảng” của dịch bệnh qua đi.
Chương trình PEPP có trị giá tương đương 6% GDP của euzone, nâng tổng giá trị mua trái phiếu của ECB trong năm nay lên 1.100 tỉ euro.
Khi phần lớn châu Âu đều nằm dưới các lệnh phong tỏa để ngăn chặn đà lây lan của Covid-19, các hoạt động kinh tế của eurozone gần như đứng im và các thị trường tài chính rơi vào vòng xoáy suy giảm, báo hiệu một cơn suy thoái sâu chẳng kém cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Chương trình PEPP được tung ra giữa lúc chi phí vay nợ của các nước thành viên euro bao gồm Ý và Hy Lạp đang tăng nhanh lên mức cao chưa từng thấy trong hơn một năm qua. Lực bán quá mạnh do hoảng loạn đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Ý kỳ hạn 10 năm có lúc tăng vượt mức 3%, đe dọa sự ổn định của khối nợ trái phiếu nước này.
Ý, Tây Ban Nha và các nước châu Âu khác dự kiến phát hành thêm trái phiếu trong năm nay để tăng ngân sách chi tiêu cho chăm sóc y tế và người lao động bị mất việc cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp đang tạm thời dừng kinh doanh vì tác động của dịch bệnh.
Điều này sẽ làm dấy lên các mối ngại khác: các chính phủ có mức nợ trái phiếu cao ở eurozone có thể phải chật vật trả nợ và gợi lại “bóng ma” cuộc khủng nợ của euzone cách đây một thập kỷ.
Chạy đua giải cứu doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động
Báo chí Anh đưa tin về gói giải cứu nền kinh tế trị giá 350 tỉ bảng của chính phủ Anh. Ảnh: PA |
Chương trình PEPP được phát động giữa lúc các chính phủ châu Âu đang chạy đua triển khai các gói giải cứu doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động trước nguy cơ nền kinh tế toàn cầu chìm nhanh vào cơn suy thoái do sự tàn phá của dịch bệnh Covid-19.
Pháp
Cho đến nay, Pháp là nước ở châu Âu đưa ra thông điệp trấn an mạnh mẽ nhất đối với các doanh nghiệp khi cam kết rằng sẽ không để bất kỳ công ty nào phá sản vì dịch bệnh.
Hôm 17-3, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire thông báo gói hỗ trợ 45 tỉ euro (50 tỉ đô la) để giúp các doanh nghiệp và người lao động ứng phó với cuộc khủng hoảng đang leo thang.
32 tỉ euro của gói hỗ trợ sẽ được triển khai dưới hình thức hoãn nộp thuế cho các công ty gặp khó khăn và miễn thuế hoàn toàn cho các công ty có nguy cơ phá sản. 8,2 tỉ euro khác sẽ được sử dụng để giúp doanh nghiệp trả lương cho những người lao động nghỉ việc trong thời kỳ dịch bệnh.
Ngoài ra, một quỹ hỗ trợ 2 tỉ euro sẽ được thành lập để hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các công ty nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và du lịch đang bị đóng cửa.
Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire, tuyên bố chính phủ sẵn sàng quốc hữu hóa các doanh nghiệp lớn để cứu họ khỏi viễn cảnh phá sản.
Ông cũng tái khẳng định lại cam kết về gói cho vay trị giá 300 tỉ euro (325 tỉ đô la) dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, thông báo hôm trước đó. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không để bất kỳ doanh nghiệp vừa và nhỏ nào thiếu dòng tiền mà họ cần”.
Tính đến chiều 19-3, Pháp có tổng cộng 9.314 ca nhiễm Covid-19 và 264 ca tử vong.
Hôm 17-3, Pháp thông báo phong tỏa toàn quốc, hạn chế tất cả mọi di chuyển của người dân ngoại trừ các trường hợp cần thiết như đi mua sắm nhu yếu phẩm, đi khám bệnh. Trước đó, Pháp đã ra lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán cà phê, rạp phim và các cửa hàng không thiết yếu khác.
Đức
Cuối tuần trước, chính phủ Đức cam kết gói cho vay giải cứu doanh nghiệp 550 tỉ euro (614 tỉ đô la), lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Bộ trưởng Tài chính Đức, Olaf Scholz, khẳng định Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) sẽ cho các doanh nghiệp vay không giới hạn để giúp họ để vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, các doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ được hoãn nộp thuế.
Bộ trưởng Kinh tế Đức, Peter Altmaier, nói rằng gói giải cứu trên chỉ là bước khởi đầu và chính phủ sẵn sàng tung ra thêm các biện pháp hỗ trợ khác nếu cần thiết. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết rằng chúng ta sẽ không sụp đổ vì thiếu tiền và ý chí chính trị”.
Hôm 16-3, Đức thông báo đóng cửa biên giới để hạn chế đà lây lan của dịch bệnh. Tính đến nay, nước này có tổng cộng 12.343 ca nhiễm.
Tây Ban Nha
Hôm 17-3, Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez, công bố gói kích thích lên đến 200 tỉ euro (220 tỉ đô la), tương đương 20% GDP của nước này để giúp ứng phó tác động của dịch bệnh Covid-19.
100 tỉ euro trong gói kích thích này sẽ là các khoản vay dành cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ngoài ra, gói kích thích còn bao gồm ngừng thu nợ đối với các khoản vay thế chấp bất động sản, ngừng thu phí điện, nước, Internet đối với các hộ gia đình khó khăn.
Chính phủ Tây Ban Nha cũng thông báo tất cả những người lao động tự do bị mất việc làm vì dịch bệnh sẽ nhận được sự hỗ trợ đặc biệt. Nước này đã đóng cửa biên giới đồng thời phong tỏa đi lại trên toàn quốc. Hiện nay, số ca nhiễm ở đây đã lên 14.769 ca.
Anh
Hôm 17-3, Bộ trưởng Tài chính Anh, Rishi Sunak, thông báo gói hỗ trợ cho vay trị giá 350 tỉ bảng (gần 400 tỉ đô la) dành cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, chính phủ Anh sẽ cho phép những người dân gặp khó khăn do dịch bệnh hoãn trả nợ vay thế chấp mua nhà trong 3 tháng. Chính phủ cũng sẽ trợ cấp tiền mặt lên đến 25.000 bảng cho mỗi doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn.
Anh ghi nhận 2.626 ca nhiễm nhưng con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều người nghi nhiễm chưa được xét nghiệm. Hôm 18-3, Anh thông báo đóng cửa vô thời hạn các trường học trên toàn quốc.
Tính tổng cộng, các nền kinh tế lớn trên ở châu Âu đã cam kết hơn 1.600 tỉ đô la để giải cứu doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động và con số này có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Các nước châu Âu khác cũng đưa ra các gói giải cứu với quy mô nhỏ hơn. Thụy Điển đã thông báo các biện pháp trị giá 30 tỉ đô la để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động.
Theo đó, chính phủ sẽ thay doanh nghiệp chi trả phần lớn mức lương của người lao động trong thời gian họ nghỉ việc do dịch bệnh. Na Uy tuyên bố gói cứu trợ 10 tỉ đô la dưới hình thức bảo lãnh các khoản vay ngân hàng ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ và mua trái phiếu các doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra, chính phủ Na Uy cũng chi trả lương đầy đủ cho những người lao động bị mất việc tạm thời trong 20 ngày. Chính phủ Ireland chi trả trợ cấp thất nghiệp 203 euro/tuần cho những người lao động bị mất việc do dịch bệnh nhưng không được chủ lao động trả lương.
Chính phủ Đan Mạch đang lên kế hoạch trả 75% lương cho người lao động ở khu vực tư nhân nếu họ không thể đi làm trong thời kỳ dịch bệnh.
Theo CNBC, CNN, Reuters
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận