24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Bá Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Châu Âu sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bay đối với Boeing 737 MAX trong tháng 1/2021

Châu Âu sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bay đối với Boeing 737 MAX vào tháng 1/2021 sau khi các cơ quan quản lý của Mỹ vào tuần trước đã kết thúc 20 tháng nằm đắp chiếu của dòng máy bay này.

Người đứng đầu Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) cho biết rằng dòng 737 MAX đã được xác nhận tính an toàn sau những thay đổi về thiết kế. Trước đó, Boeing 737 MAX đã bị cấm bay từ tháng 3/2019, sau khi xảy ra 2 vụ tai nạn thảm khốc khiến 346 người thiệt mạng.

Giám đốc điều hành EASA Patrick Ky phát biểu tại diễn đàn Hàng không Paris (một hội nghị hàng không trực tuyến do La Tribune tổ chức) rằng: "Chúng tôi muốn thực hiện một phân tích hoàn toàn độc lập về mức độ an toàn của chiếc máy bay này, vì vậy chúng tôi đã thực hiện các cuộc kiểm tra và thử nghiệm khả năng bay của riêng mình".

"Tất cả những nghiên cứu này đã giúp chúng tôi khẳng định rằng 737 MAX có thể hoạt động trở lại. Chúng tôi sẽ sớm thông qua các quyết định, và có thể cho phép nó hoạt động trở lại vào tháng 1/2021", ông Patrick nói.

Quyết định của EASA được coi là cột mốc quan trọng nhất sau khi FAA chấm dứt lệnh cấm bay đối với Boeing 737 MAX. Với tư cách là cơ quan giám sát chịu trách nhiệm về Airbus, quyết định của EASA cũng có sức nặng đáng kể trong ngành hàng không quốc tế.

Các quan chức xác nhận dự thảo chỉ thị mà EASA đề xuất sẽ được công bố vào tuần tới, sau đó là thời gian đánh giá và phê duyệt trong 30 ngày. Sau khi kết thúc, một quyết định cuối cùng đối với dòng 737 MAX sẽ được thông báo vào 1/2021.

Tại Mỹ, các chuyến bay thương mại của dòng 737 Max dự kiến ​​bắt đầu vào ngày 29/12, chỉ chưa đầy sáu tuần sau khi lệnh của FAA được công bố vào ngày 18/11.

EASA đại diện cho 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cộng với bốn quốc gia khác bao gồm cả Na Uy, nước đang có đơn đặt hàng 92 chiếc Boeing 737 MAX. Cho đến ngày 31/12, EASA cũng đại diện cho Vương quốc Anh, quốc gia đã rời khỏi khối EU.

Bài học đắt giá cho FAA

Các vụ tai nạn ở Indonesia và Ethiopia đã gây ra một loạt các cuộc điều tra về việc Boeing thiết kế kém và FAA giám sát lỏng lẻo. Các cuộc điều tra cũng giám sát chặt chẽ quan hệ giữa FAA và Boeing.

"Rõ ràng là đã có một số lỗ hổng trong các hoạt động của FAA và mối quan hệ của họ với Boeing. Tôi sẽ không đi vào chi tiết vì việc đó không nằm trong thẩm quyền của tôi. Tuy nhiên, FAA đang trong quá trình đưa ra các biện pháp khắc phục", Giám đốc điều hành Patrick Ky cho biết.

Ông cho biết EASA sẽ thay đổi một số phương pháp của riêng mình trong việc phân tích các tính năng quan trọng của các dòng máy bay phản lực nước ngoài. Không chỉ vậy, các quy trình đánh giá cũng sẽ “khó tính hơn”, qua đó đảm bảo rằng các đánh giá an toàn chính được hoàn thành trước khi chuyển sang các bước tiếp theo.

"Chúng tôi sẽ thay đổi cách thức phân tích và chứng nhận đối với các dòng máy bay của Boeing. Tuy nhiên, việc này sẽ không ảnh hưởng đến thời gian đánh giá trước khi đưa ra các quyết định cuối cùng", ông nói.

Boeing đang phát triển dòng 777X, một phiên bản lớn hơn của 777. EASA hiện được nhiều tổ chức đánh giá cao từ sau cuộc khủng hoảng của Boeing. Một số cơ quan quản lý vẫn đang chờ đợi quyết định của họ thay vì ngay lập tức tuân theo FAA như trước đây.

Hiện các cơ quan giám sát hàng đầu tại Brazil và Trung Quốc cũng muốn được cấp phép khôi phục sử dụng Boeing 737 MAX. Tuy nhiên, FAA cho biết cơ quan này cần phải thông qua các đánh giá về chương trình đào bay đối với phi công vận hành 737 MAX cho từng hãng hàng không của Mỹ sử dụng loại máy bay này.

Tin vui cho các hãng hàng không Việt Nam

Sau những thông báo mới nhất từ FAA và EASA, có thể cho rằng dòng máy bay chở khách Boeing 737 MAX sẽ sớm trở lại bầu trời khi hàng chục hãng hàng không trên toàn cầu đang có những hợp đồng đặt mua trị hàng tỷ USD.

Tại Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines khẳng định rằng 737 MAX vẫn nằm trong những lựa chọn cho kế hoạch mua 50 máy bay thân hẹp có tổng trị giá trị giá 88.131 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để tăng thêm tính khả thi của dự án, Cục Hàng không vẫn khuyến cáo Vietnam Airlines cân nhắc việc đưa Boeing 737 MAX 8 vào dự án đầu tư do loại máy bay này hiện đang trong danh sách đình chỉ khai thác của các nhà chức trách hàng không, khả năng khai thác trở lại của loại máy bay trên chưa rõ ràng vào thời gian tới.

Trong khi đó, Vietjet Air cũng đã có 2 đơn hàng đặt mua tổng cộng 200 chiếc thuộc dòng máy bay Boeing 737 MAX. Đầu năm 2019, bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Vietjet Air đặt mua 100 máy bay Boeing 737 Max với giá trị lên tới 12,7 tỷ USD. Cụ thể, Vietjet đặt hàng 80 chiếc 737 MAX 10, phiên bản lớn nhất của dòng Boeing 737 và 20 tàu bay 737 MAX 8 chuẩn.

Theo Reuters, 100 chiếc 737 này dự kiến được Boeing giao cho Vietjet trong giai đoạn 2022-2025.

Trước đó, vào tháng 5/2016, Vietjet và Boeing đã ký hợp đồng đặt mua 100 máy bay Boeing 737 MAX với trị giá 11,3 tỷ USD. Đây là hợp đồng đặt mua máy bay có giá trị lớn nhất của ngành hàng không Việt Nam lúc đó. Boeing tuyên bố sẽ bàn giao số máy bay này cho Vietjet từ năm 2019 đến 2023.

Với những đơn hàng này, Vietjet đã trở thành khách hàng lớn nhất của dòng 737 MAX tại châu Á, khi tổng đặt hàng lên tới 200 máy bay, theo xác nhận của Boeing.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả