Châu Âu được mùa lúa nhưng giá gạo vẫn "nóng" theo thế giới
Dự trữ gạo thế giới vào cuối niên vụ 2023-2024 dự kiến sẽ đạt đỉnh 198,5 triệu tấn, mức chưa từng đạt được cho tới nay.
Châu Âu được mùa lúa gạo, nhưng giá cả lại không có xu hướng giảm
TTXVN dẫn nguồn Nhật báo Le Monde của Pháp, những người trồng lúa châu Âu đã có thể nở nụ cười tươi khi thấy những bông lúa trĩu hạt trên cánh đồng của mình.
Theo số liệu Dự trữ gạo thế giới vào cuối niên vụ 2023-2024 dự kiến sẽ đạt đỉnh 198,5 triệu tấn, mức chưa từng đạt được cho tới nay. Tuy nhiên, theo quan sát của chuyên gia kinh tế Pháp Laurence Girard, thị trường thế giới vẫn đang nóng, giá gạo vẫn ở mức cao và căng thẳng vẫn chưa giảm.
Thế giới không thiếu gạo do dự trữ toàn cầu khi kết thúc niên vụ 2023-2024 dự kiến sẽ đạt mức cao chưa từng có 198,5 triệu tấn. Các vựa lúa đầy ắp nhờ sản lượng dự kiến tăng lên 523 triệu tấn, theo ước tính công bố đầu tháng Bảy của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).
Năm nay, vụ mùa lúa gạo ở Pháp được đánh giá là bội thu khi những cây lúa nặng trĩu bông đang độ chín vàng trên các cánh đồng. Các máy gặt sẽ đi vào hoạt động vào cuối tháng Chín và dự kiến sẽ thu được gần 80.000 tấn. Đây là một sản lượng đáng kể được sản xuất trên diện tích đã giảm xuống chỉ còn 12.000 ha. Giống lúa quý này của Pháp đã có chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý (IGP) dưới thương hiệu "gạo Camargue".
Trong khi đó ở Tây Ban Nha, xứ sở của gạo paella, những cánh đồng trồng giống lúa này đã được phát triển rộng hơn, nhưng do ảnh hưởng của hạn hán trong mùa Hè năm nay nên sản lượng thu hoạch không được như mong muốn. Ngược lại, mưa nhiều đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngũ cốc ở Italy (I-ta-li-a), mang đến vụ mùa bội thu không chỉ cho lúa mì mà cả lúa gạo.
Theo TTXVN, mặc dù châu Âu được mùa lúa gạo, nhưng giá cả lại không có xu hướng giảm, thậm chí còn tăng lên. Giải thích nguyên nhân này, ông Bertrand Mazel, Chủ tịch Liên minh những người trồng lúa Pháp, cho biết: "Sản lượng gạo ở châu Âu năm nay sẽ đạt gần 3 triệu tấn, nhưng lượng tiêu thụ lại lên đến gần 4 triệu tấn.”
Việc cung không đáp ứng được cầu sẽ khiến giá gạo trên thị trường thế giới vẫn luôn ở mức cao. Do đó người nông dân có thể phấn khởi khi những hạt gạo của họ vẫn luôn có giá.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Mazel chỉ rõ : “Tại thị trường gạo Vercelle ở Italy, giá gạo vẫn ở mức 600 euro/tấn kể từ đầu năm, so với 400 euro/tấn cách đây 18 tháng.”
Giá gạo tăng vọt ở châu Âu cũng là biểu hiện phản ánh sự nóng lên của thị trường gạo thế giới
Thời gian gần đây, giá gạo tăng vọt ở châu Âu cũng là biểu hiện phản ánh sự nóng lên của thị trường gạo thế giới. Giá lúa mỳ tăng vọt sau khi xung đột Nga-Ukraine đã gián tiếp ảnh hưởng đến lúa gạo. Lo lắng trước nguy cơ khan hiếm nguồn cung, nhiều nước tiêu thụ nhiều loại thực phẩm này đã tìm cách tích trữ lúa gạo. Do đó, trong khi giá lúa mỳ giảm, giá gạo lại không giảm, thậm chí tăng. Theo FAO, giá gạo hồi tháng Bảy vừa qua thậm chí còn đạt mức cao nhất kể từ năm 2011.
Giá gạo tăng vọt ở châu Âu cũng là biểu hiện phản ánh sự nóng lên của thị trường gạo thế giới. Giá lúa mì tăng vọt sau khi xung đột Nga- Ukraine đã gián tiếp ảnh hưởng đến lúa gạo.
Đáng chú ý, hồi cuối tháng 7, Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (trừ gạo trắng basmati) của nước này. Gạo đóng vai trò quan trọng đối với chế độ ăn của hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi, do đó lệnh cấm của Ấn Độ - nhằm mục đích kiểm soát giá trong nước - làm gia tăng căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu.
Trước đó báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn hãng tin Reuters, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas cho biết việc Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo có thể làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực và động thái này nên được đảo ngược.
Phát biểu trước báo giới, ông Gourinchas cho biết Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể sẽ gây ra tác động tương tự như việc Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị đình chỉ, khiến giá gạo ở các nước khác tăng cao.
Ông nói thêm rằng giá ngũ cốc toàn cầu có thể tăng 10-15% trong năm nay.
“Trong môi trường hiện tại, những hạn chế này có thể làm trầm trọng thêm biến động của giá lương thực ở phần còn lại của thế giới, và cũng có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa”, ông Gourinchas nói.
"Chúng tôi khuyến khích loại bỏ các loại hạn chế xuất khẩu này vì chúng có thể gây hại trên toàn cầu”.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường gạo trên thế giới, cần cảnh giác với an ninh lương thực toàn cầu. Đặc biệt ở nhiều nước châu Phi, nơi loại gạo tấm vốn được ưa chuộng và được tiêu thụ trung bình 70kg/người/năm, giá gạo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việt Nam tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo
Thời gian qua, giá gạo xuất khẩu liên tục tăng, có thời điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 638 USD/tấn, kéo theo giá lúa gạo trong nước cũng tăng cao từng ngày.
Theo số liệu trên báo Nhân Dân, tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,84 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể cán mốc 4 tỷ USD.
Đáng chú ý, lúa gạo là mặt hàng đang mang lại kỳ vọng lạc quan về xuất khẩu trong bối cảnh lạm phát tăng cao đặt ra nhiều rủi ro với kinh tế toàn cầu. Hiện nay, một số quốc gia vẫn đang thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo, tạo ra khoảng trống thị trường cho gạo Việt Nam. Tận dụng cơ hội xuất khẩu, mang lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận