Chấp chới dự án BOT cảng hàng không Phan Thiết
Hàng loạt ẩn số liên quan đến năng lực nhà đầu tư và thời gian hoàn vốn Dự án BOT Đầu tư xây dựng Sân bay dân dụng Phan Thiết vẫn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra lời giải đủ sức thuyết phục.
Năng lực dừng ở cam kết
UBND tỉnh Bình Thuận - cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án BOT Xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng (Dự án) - vẫn tỏ ra nhất quán trong việc bảo lưu quan điểm về năng lực nhà đầu tư được lựa chọn trước đó là Công ty cổ phần Rạng Đông.
Trong Công văn số 3977/UBND-ĐTQH giải trình ý kiến thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở hạng mục các công trình khu bay thuộc Dự án vừa được gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải, năng lực nhà đầu tư là một trong 5 điểm nhấn mà UBND tỉnh Bình Thuận tập trung giải trình.
UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, sau khi điều chỉnh, bổ sung quy mô đầu tư thiết kế cơ sở theo ý kiến góp ý của Bộ Giao thông - Vận tải, tổng mức đầu tư Dự án tăng lên thành 3.639,917 tỷ đồng. Theo đó, nhà đầu tư cam kết số vốn tự có là 923,15 tỷ đồng (chiếm 25,36% tổng mức đầu tư Dự án) và vốn vay là 2.716,7 tỷ đồng (chiếm 74,64% tổng mức đầu tư), nên đáp ứng đầy đủ năng lực tài chính để thực hiện Dự án.
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, năng lực tài chính của nhà đầu tư được thể hiện qua Văn bản số 212/XN-BIDV.BT ngày 5/6/2019 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận (BIDV - Chi nhánh Bình Thuận) và Báo cáo tài chính năm 2017, 2018 đã được kiểm toán của Công ty cổ phần Rạng Đông.
Về kinh nghiệm đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, nhà đầu tư được lựa chọn từ năm 2015 này đã từng tham gia quản lý xây dựng nhiều dự án thuộc lĩnh vực giao thông và công trình dân dụng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là tham gia xây dựng các dự án Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K… theo hình thức hợp đồng xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) có giá trị xây dựng tương đối lớn và tính chất phức tạp.
“Mặc dù vậy, do đây là dự án mang tính chất đặc thù được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT, nên nhà đầu tư cam kết sẽ tập trung tối đa các nguồn nhân lực, vật lực và kinh nghiệm đã tích lũy để hoàn thành dự án đúng mục tiêu tiến độ, đảm bảo yêu cầu về chất lượng công trình”, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, do không rõ nội dung tại Văn bản 212/XN-BIDV.BT của BIDV - Chi nhánh Bình Thuận, nhưng năng lực tài chính của nhà đầu tư chỉ được khẳng định sau khi họ đã góp đủ 923 tỷ đồng vốn chủ sở hữu vào tài khoản phong tỏa phục vụ Dự án. Bên cạnh đó, với quy mô vốn vay lên tới gần 3.000 tỷ đồng, khả năng tham gia của ngân hàng có thể mới chỉ dừng ở mức cam kết khi khá nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phương án tài chính của Dự án vẫn đang được cập nhật, chỉnh sửa.
Trước đó, trong công văn thông báo ý kiến thẩm định vào cuối tháng 7/2019, Bộ Giao thông - Vận tải đã bày tỏ sự lo ngại khi quy mô Dự án sau khi điều chỉnh có lớn hơn so với ban đầu, nên tiêu chí đánh giá cũng như năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư có thể không còn phù hợp với quy mô Dự án. Do đó, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, đánh giá lại năng lực của nhà đầu tư, đảm bảo khả năng thực hiện hợp đồng với quy mô mới theo quy định của pháp luật.
Khả thi, nhưng mất 69 năm hoàn vốn
Cần phải nói thêm rằng, trong Công văn số 2811/BKHĐT-KCHTĐT ngày 3/3/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tỏ ra cấn cá với năng lực nhà đầu tư Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với việc Dự án được điều chỉnh (quy mô vốn, cấp sân bay từ 4C lên 4E) dẫn đến các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, yêu cầu về kỹ thuật cũng như tiêu chí đánh giá trong hồ sơ yêu cầu không còn phù hợp với thực tế triển khai.
Đồng thời, Hợp đồng Dự án đã được ký kết giữa UBND tỉnh Bình Thuận và nhà đầu tư từ ngày 20/9/2016, tính đến trước thời điểm quy hoạch Cảng hàng không Phan Thiết được điều chỉnh (29/8/2018), thì sau gần 2 năm, Dự án vẫn chưa được nhà đầu tư triển khai cụ thể. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận làm rõ tình hình thực hiện Dự án sau khi ký hợp đồng, nguyên nhân kéo dài thời gian triển khai cũng như khả năng đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật của nhà đầu tư.
Ngoài năng lực của nhà đầu tư, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đều đặt vấn đề về phương án tài chính và thời gian hợp đồng BOT Dự án Xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, Dự án ban đầu được duyệt với thời gian thu phí hoàn vốn không quá 84 năm 8 tháng, nhưng khi ký hợp đồng thì còn 73 năm 8 tháng 25 ngày (nhà đầu tư cam kết thu hoàn vốn tối đa 70 năm). Hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận dự kiến trong đề xuất điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu khả thi là không quá 77 năm 7 tháng. Trong khi đó, khoản 3, Điều 126 của Luật Đất đai quy định, thời hạn giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư không quá 50 năm, trừ trường hợp đặc biệt khác được quy định tại khoản này, nhưng cũng không được quá 70 năm.
“Thời gian thu phí hoàn vốn của Dự án và hợp đồng chưa thống nhất và chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá.
Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, chính quyền tỉnh đã yêu cầu nhà đầu tư rà soát, cập nhật và điều chỉnh lại các thông số, dữ liệu đầu vào cho phù hợp theo quy định của phương án tính toán (rà soát định mức, tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh tiến độ sử dụng vốn đầu tư dự án, thời gian khấu hao tài sản, điều chỉnh lưu lượng hành khách và các dịch vụ kèm theo, khung giá dịch vụ, điều chỉnh chi phí hoạt động…).
Đồng thời, do Dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn chậm, nên cần thời gian giao đất, cho thuê đất dài, nhưng không quá 70 năm là phù hợp. Tuy nhiên, Dự án trên có tính khả thi cao về mặt kinh tế - xã hội, nên nhà đầu tư đề xuất thời gian hoàn vốn của dự án là 69 năm để phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 126 của Luật Đất đai.
“Đây là phương án tài chính giả định để thực hiện việc thu hồi vốn cho dự án trong tương lai, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xác định thời gian thu hồi vốn khi ký kết hợp đồng và phù hợp với thực tế trong quá trình khai thác sân bay”, ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết.
Cảng hàng không Phan Thiết được xây dựng tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, gồm 2 dự án: Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) do UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư; Dự án Đầu tư khu bay quân sự do Bộ Quốc phòng đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận