Chân dung CEO Du lịch Việt Trần Văn Long bị khởi tố vì chạy án cho Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức
CEO Du lịch Việt Trần Văn Long đã bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam với 5 người khác vì chạy án cho Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức.
Như Dân Việt đã thông tin, ngày 10/11, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 6 người, trong đó có 2 cựu cán bộ Công an vì "chạy án" cho Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức.
6 bị can bao gồm Bùi Trung Kiên (SN 1980), Lê Thanh An (SN 1976), cả 2 nguyên là cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Bùi Thị Hồng Giang (SN 1975) - Giám đốc Công ty Luật TNHH Bùi Gia và cộng sự; Trần Văn Long (SN 1976) - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông du lịch Việt; Hà Duy Tuấn (SN 1985, Bắc Ninh, lao động tự do); Nguyễn Ngọc Triệu (SN 1973) - nguyên Uỷ viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (đã hoàn tục). bị khởi tố về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 4, Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.
6 người này qua xác minh đã có hành vi nhận tiền để "chạy án" cho bị can Nguyễn Minh Quân (SN 1973, Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức).
CEO Du Lịch Việt Trần Văn Long 3 lần nhận giải thưởng sao đỏ "dính vòng lao lý"
Đáng chú ý, trong đó có sự xuất hiện của ông Trần Văn Long (SN 1976), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông du lịch Việt, một doanh nhân trẻ từng được vinh danh là doanh nhân xuất sắc, 3 lần nhận giải thưởng Sao Đỏ vào các năm 2014, 2017 và 2019 , doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam 2017, doanh nhân trẻ xuất sắc TP.HCM năm 2018.
Ông Trần Văn Long quê Nam Định, tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, Khoa Văn hóa du lịch. Năm 1998, Trần Văn Long khăn gói vào TP.HCM lập nghiệp với những suy nghĩ mông lung về con đường tiếp theo trên mảnh đất này.
Tại đây, Trần Văn Long gắn bén rễ suốt 10 năm làm hướng dẫn viên của một doanh nghiệp lớn thuộc Nhà nước. Đến năm 2008, ông Trần Văn Long khởi nghiệp với việc thành lập Công ty cổ phần Du lịch Việt. Chỉ với 6 nhân sự ban đầu, ông Trần Văn Long đã phải bươn chải ngược xuôi để tồn tại, mà theo như ông từng chia sẻ đó là hành trình đầy gian truân, thử thách.
Là doanh nghiệp "sinh sau đẻ muộn" trong ngành du lịch, ông Trần Văn Long xác định, chỉ có công nghệ mới có thể giúp Du lịch Việt cạnh tranh và đuổi kịp các doanh nghiệp lớn đi trước. Do đó, ngay từ ngày đầu thành lập, ông Long không chỉ đưa công nghệ vào hoạt động quản trị, điều hành kinh doanh du lịch, mà còn áp dụng trên toàn bộ hệ sinh thái, bao gồm cả các hoạt động khác như truyền thông, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ… và đã đưa Du lịch Việt trở thành một tên tuổi trong lĩnh vực du lịch tại TP. HCM.
Ngoài ra, ông Trần Văn Long còn là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Y Tế Ecom Med, được thành lập ngày 17/8/2017 với ngành nghề đăng ký chính là quảng cáo.
Tuy nhiên, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp không ít khó khăn. Trong đó, ngành du lịch bị đóng băng với cả du lịch trong nước và du lịch quốc tế, hàng loạt công ty phải đóng cửa tạm dừng hoạt động.
Để xoay xở với tình hình, Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt thậm chí bán cả nông sản, nước rửa tay sát khuẩn để cầm cự trong bối cảnh thị trường du lịch chưa biết đến khi nào mới hồi phục trở lại.
Đặc biệt, tháng 4/2020, thời điểm Việt Nam công bố dịch, ông Trần Văn Long đã nghĩ ngay đến việc sản xuất khẩu trang y tế bằng việc kêu gọi góp vốn đầu tư, góp vốn cùng làm. Cùng hệ sinh thái của mình là Công ty Ecom Med khai sinh ra khẩu trang thương hiệu Ecom Med. Đáng chú ý, khẩu trang Ecom Med đã được trao tặng cho bang Maryland (Mỹ) cũng như có mặt tại một số cơ sở y tế tại Hoa Kỳ.
Du lịch Việt của ông Trần Văn Long kinh doanh thế nào?
Theo dữ liệu của Dân Việt, kết quả kinh doanh Du lịch Việt những năm gần đây đạt kết quả kém khả quan, nguyên nhân không hoàn toàn đến từ Covid-19. Bởi, riêng trong năm 2019, Du lịch Việt đạt đỉnh về doanh thu trong 5 năm gần đây với 343,2 tỷ đồng, song cũng báo lỗ ròng cao nhất giai đoạn với khoản lỗ lên đến 17,2 tỷ đồng.
Trước đó, từ năm 2016 - 2018, doanh thu Du lịch Việt tăng trưởng ổn định qua các mốc 137,8 tỷ đồng; 151,9 tỷ đồng và 179,9 tỷ đồng.
Tuy doanh thu cả giai đoạn lên đến cả trăm tỷ đồng, song Du lịch Việt lại ghi nhận mức lãi sau thuế "rất mỏng" khi chỉ đạt 1,5 tỷ đồng năm 2016; 127 triệu đồng năm, 2017 và 487,1 triệu đồng năm 2018.
Đến năm 2020, ngành du lịch bị đóng băng bởi Covid-19, Du lịch Việt ghi nhận doanh thu 51,4 tỷ đồng, và báo lỗ sau thuế -8,7 triệu đồng.
Có thể thấy, suốt giai đoạn 2015 -2019, doanh thu vẫn tăng trưởng cao nhưng lãi mỏng hoặc lỗ trong bối cảnh ngành du lịch phát triển rực rỡ. Trong giai đoạn này, lượng khách quốc tế đã tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019) đạt tăng trưởng bình quân 22,7%/ năm. Đây là mức cao hàng đầu thế giới theo các báo cáo hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới.
Điều này cho thấy, năng lực quản trị chi phí của Du lịch Việt “có vấn đề” hoặc đã chủ động trong quản lý chi phí đầu vào, chi phí hoạt động nhằm giảm gánh nặng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đến cuối năm 2020, tổng tài sản Du lịch Việt đạt hơn 37,5 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu sau hai năm thua lỗ liên tiếp bị ăn mòn còn 2,2 tỷ đồng. Nợ phải trả hơn 35,3 tỷ động. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên đến 16 lần. Rất đáng báo động cho các cổ đông còn lại của Du lịch Việt, đặc biệt trong bối cảnh CEO của doanh nghiệp vừa dính vòng lao lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận