24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Irina Phạm
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chậm cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước - nguyên nhân từ đâu?

Các chuyên gia cho rằng hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, cơ chế, chính sách còn bất cập... là nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa rất chậm chạp

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết trong sáu tháng đầu năm, cả nước có 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị 252 tỷ đồng, trong đó phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty là 151 tỷ đồng.

Như vậy, lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng Sáu năm nay, các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án cổ phần hóa tại 183 doanh nghiệp với tổng giá trị 489.943 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 233.944 tỷ đồng.

Trong số 183 doanh nghiệp đã cổ phần hóa (giai đoạn 2016 đến tháng Sáu năm nay) chỉ có 39 đơn vị thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tương ứng 30% kế hoạch.

Báo cáo chỉ ra trong 183 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa (128 doanh nghiệp) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đạt 30% kế hoạch). Do đó, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch trong sáu tháng cuối năm là 89 doanh nghiệp (tương ứng 70% kế hoạch).

Điều đáng nói là 88/98 đơn vị trên còn chưa công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Về thoái vốn, số liệu từ Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết lũy kế từ năm 2016-2020, các doanh nghiệp Nhà nước đã thoái vốn 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng và gấp 6,5 lần giá trị sổ sách. Trong đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn tại 136 doanh nghiệp (giá vốn 6.758 tỷ đồng, thu về 37.185 tỷ đồng). Trong sáu tháng đầu năm 2021, giá trị thoái vốn tại các doanh nghiệp là 286,6 tỷ đồng và thu về 2.165 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Cục Tài chính doanh nghiệp, cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành đầy đủ song tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong sáu tháng đầu năm 2021 vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do tình hình phức tạp, căng thẳng trong các quan hệ kinh tế, chính trị trên thế giới và khu vực cũng như tác động của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá một trong những vướng mắc lớn nhất của quá trình cổ phần hoá là khó khăn khi xác định tài sản doanh nghiệp, đặc biệt là tài sản đất đai cùng các phương án sử dụng đất, chào bán cổ phần…

Bởi nếu không thận trọng sẽ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước như không ít trường hợp đã xảy ra. Trong khi đó, hiện chưa có giải pháp căn cơ để gỡ vướng mắc này dù đã có không ít kiến nghị liên quan đến cơ chế phối hợp nhằm đánh giá nhu cầu của nhà đầu tư, định giá cổ phiếu phát hành lần đầu… sao cho hợp lý nhất.

“Cùng với các vấn đề về tài chính, lao động thì xử lý đất đai là chuyện đau đầu nhất trong cổ phân hoá. Có tình huống doanh nghiệp kinh doanh không đúng ngành nghề, đem đất cho thuê nên việc xác lập hồ sơ pháp lý đất đai khá phức tạp. Cũng có trường hợp tranh chấp đất đai, buộc phải xin ý kiến nhiều cấp từ tỉnh, thành phố, trung ương… dẫn đến kéo dài thời gian so với quy định”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM), việc chậm trễ trong cổ phần hóa xuất phát từ hàng loạt nguyên nhân chủ quan khác. Và đây mới là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

“Cơ chế, chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được quan tâm, cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều bất cập”, ông Dương nói và phân tích thêm, việc xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa gặp không ít khó khăn, nhất là trong xác định giá trị thương hiệu, giá trị lợi thế, quyền thuê đất.

Định giá khởi điểm bán cổ phần nhà nước chưa hợp lý, thường cao hơn so với giá thị trường kỳ vọng, dẫn tới tỷ lệ cổ phần trúng giá đạt thấp, có doanh nghiệp không bán được cổ phần, phải tổ chức lại hoặc tạm dừng bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài.

Việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt phương án cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn Nhà nước của nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo tiến độ. Nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp chưa tích cực triển khai kế hoạch. Các hành vi làm chậm tiến độ cổ phần hóa chưa bị xử lý triệt để dù đã có chủ trương về vấn đề này.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, vấn đề chậm cổ phần hoá được mang ra bàn luận. Vậy cách nào để chấm dứt tình trạng này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả