24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyen Duc Hao.
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

‘Cha đẻ’ ngành chip Đài Loan ủng hộ Mỹ kìm hãm tiến bộ công nghệ chip của Trung Quốc

Morris Chang, 91 tuổi, “cha đẻ” của ngành công nghiệp chip Đài Loan và là người sáng lập TSMC, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới, bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế tiến bộ công nghệ của Trung Quốc thông qua chính sách hạn chế xuất khẩu và trừng phạt các công ty Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng chip sẽ còn phân nhánh hơn nữa

Thảo luận tại một diễn đàn về ngành bán dẫn ở Đài Bắc hôm 16-3, ông Morris Chang nói: “Trong lĩnh vực chip, toàn cầu hóa đã chết, thương mại tự do đã chết. Tôi nhận thấy điều đó khi nhìn vào cách Mỹ cấm vận chip đối với Trung Quốc và thiết lập ‘danh sách đen’ (đối với các công ty công nghệ Trung Quốc”.

Cuộc thảo luận có sự tham gia của nhà sử họ kinh tế Chris Miller, tác giả của cuốn sách “Cuộc chiến chip” (Chip War).

Ông Chang nhận định chuỗi cung ứng chip toàn cầu sẽ còn phân nhánh hơn nữa khi Mỹ hành động để hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ tiên tiến nhất.

Ông nói: “Mỹ đã khởi động chính sách công nghiệp về chip để kìm hãm tiến bộ của Trung Quốc. Tôi không phản đối và ủng hộ điều đó”.

TSMC, đang sở hữu các cơ sở sản xuất chip ở thành phố Nam Kinh của Trung Quốc, từ lâu đã trở thành mục tiêu “câu” nhân tài của các đối thủ Trung Quốc. Chẳng hạn, Liang Mong-song, đồng Giám đốc điều hành của Công ty sản xuất bán dẫn quốc tế Trung Quốc (SMIC), là cựu lãnh đạo của TSMC và Samsung.

Trung Quốc đã rót hàng trăm tỉ nhân dân tệ vào nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn trong nước để giảm sự phụ thuộc vào các công ty công nghệ nước ngoài. Trong khi đó, Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu chip và công nghệ sản xuất chip đối với Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ thuyết phục thành công các nước khác, chẳng hạn như Nhật Bản và Hà Lan, hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với thiết bị sản xuất chip.

Theo ông, Trung Quốc chậm hơn Đài Loan ít nhất 5-6 năm về công nghệ sản xuất chip và đang gặp khó khăn trong việc phát triển các sản phẩm chip tiên tiến hơn. “Những con chip tiên tiến nhất mà Trung Quốc đang sản xuất hiện nay là những con chip mà TSMC đã sản xuất cách đây 5 -6 năm”, ông giải thích.

Đài Loan không nên ngây thơ về vị thế của mình

Tuy nhiên, ông cảnh báo Đài Loan không nên ngây thơ về vị thế của mình trong mắt của Mỹ. Chang cho biết khi giới chức trách Mỹ bàn luận về nỗ lực đưa hoạt động sản xuất công nghệ cao đến các đối tác thân thiện, Đài Loan không nằm trong chính sách đó. Ông lưu ý họ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Đài Loan.

“Thực tế, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sẽ nguy hiểm nếu phụ thuộc vào chuỗi cung ứng chip của Đài Loan. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thỉnh thoảng cũng bày tỏ quan điểm như vậy. Đó chính là tình thế khó khăn của Đài Loan”.

Hồi tháng 7 năm ngoái, bà Gina Raimondo mô tả sự phụ thuộc của Mỹ vào Đài Loan để sản xuất các sản phẩm chip cao cấp là “không thể bền vững”. Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ được bà được thiết kế để thu hút các công ty sản xuất chip hàng đầu như TSMC và Samsung đến thiết lập hoạt động bên trong biên giới Mỹ.

Đài Loan và Hàn Quốc từ lâu là trung tâm của ngành công nghiệp sản xuất chip. TSMC dẫn đầu thế giới ở lĩnh vực sản xuất chip logic tiên tiến. Trong khi đó, Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc thống trị thị trường chip nhớ . Chính điều này dẫn đến sự bất an ngày càng tăng ở Mỹ và châu Âu.

Những lo ngại về viễn cảnh Trung Quốc, nước coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, thu hồi hòn đảo này bằng vũ lực khiến một số nhân vật ở Washington phải cân nhắc các biện pháp hành động quyết liệt. Một số quan chức Mỹ đang đưa ra các kịch bản, trong đó sẽ “xóa sổ” ngành công nghiệp bán dẫn tinh vi của Đài Loan để ngăn rơi vào tay Trung Quốc.

Tính tập trung trong ngành chip là điều cần thiết

Theo Morris Chang, chip ngày càng được sử dụng phổ biến trong những thập niên qua chủ yếu là nhờ chi phí sản xuất ngày càng rẻ. Ông cho biết chi phí sản xuất chip ở Mỹ sẽ cao gấp đôi so với ở Đài Loan. Do vậy, khi chi phí tăng lên do các công ty chuyển sản xuất đến Mỹ, tăng trưởng của ngành chip sẽ chậm lại. TSMC có kế hoạch đầu tư 40 tỉ đô la để xây dựng hai nhà máy sản xuất chip ở Phoenix, bang Arizona, Mỹ. Một trong hai nhà máy đó đang được xây dựng và dự kiến vận hành vào năm tới.

“Chúng ta sẽ tham gia một cuộc chơi khác so với trước đây”, Morris Chang nói khi đề cập đến bổi cảnh đang thay đổi của chuỗi cung ứng chip.

Tuy nhiên, nhà kinh tế học Chris Miller cho rằng mức chênh lệch chi phí như vậy sẽ giảm dần theo thời gian. Theo Miller, mọi người thường sử dụng từ “toàn cầu hóa” để định nghĩa ngành công nghiệp chip, nhưng thực sự chỉ “quốc tế hóa”, vì ngành công nghiệp chip bán sản phẩm ra thế giới, nhưng hoạt động sản xuất chỉ tập trung ở một số nền kinh tế.

Vị học giả này cho biết có những lo ngại sự tập trung sản xuất như vậy sẽ dẫn đến rủi ro khi có sự cố xảy ra.

“Bạn có thể lo lắng về thiên tai, nhưng rõ ràng bối cảnh địa chính trị ở hầu hết những nơi sản xuất chip hiện nay nguy hiểm hơn so với 5 năm trước”, ông nói.

Về phần mình, Chang nhấn mạnh tính tập trung như vậy là điều cần thiết vì mỗi nơi có thế mạnh cạnh tranh riêng.

“Mỹ dẫn đầu về khả năng cạnh thiết kế chip. Còn các nền kinh tế khác như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc có khả năng cạnh tranh trong sản xuất chip. Đó còn là vấn đề văn hóa làm việc và con người”, ông bày tỏ.

Người sáng lập TSMC lấy ví dụ về thiết bị sản xuất chip. Vì những cỗ máy này rất đắt tiền nên chúng cần phải chạy 24 giờ một ngày để bù đắp chi phí đầu tư.

“Nếu thiết bị sản xuất chip bị hỏng lúc 1 giờ sáng ở Mỹ, nó sẽ được sửa vào sáng hôm sau. Nhưng ở Đài Loan, nó sẽ được sửa vào lúc 2 giờ sáng. Nếu một kỹ sư ở Đài Loan nhận được cuộc gọi khi anh đang ngủ, anh ta sẽ thức dậy và bắt đầu mặc quần áo. Người vợ sẽ hỏi: Có chuyện gì vậy? Anh ta sẽ nói cần đến nhà máy. Người vợ sẽ ngủ tiếp mà không nói thêm lời nào nữa. Đây là sự khác biệt văn hóa làm việc”, ông Chang nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả