CEO Vinamilk: Lợi nhuận làm được đều để chia cổ tức
Ngoài kế hoạch doanh thu cao kỷ lục đặt ra, lãnh đạo Vinamilk còn cam kết ưu tiên hoạt động kinh doanh và mức cổ tức chi trả cao nhất cho cổ đông.
Chiều 25/4, CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HoSE: VNM) - đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 theo hình thức trực tuyến. Tại phiên họp, lãnh đạo Vinamilk đã nhận được nhiều câu hỏi của cổ đông liên quan kế hoạch phát triển doanh nghiệp, kế hoạch doanh thu/lợi nhuận giai đoạn tới cùng các chính sách chia cổ tức, cổ phiếu cho cổ đông…
Cam kết trả cổ tức tiền mặt
Tại đại hội, cổ đông đặt sự quan tâm lớn tới chính sách cổ tức tiền mặt của doanh nghiệp sữa số 1 Việt Nam. Giải đáp thắc mắc này, lãnh đạo Vinamilk đưa ra lời cam kết với cổ đông.
“Trong những năm tới, Vinamilk sẽ tiếp tục duy trì việc trả cổ tức tiền mặt”, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên nhấn mạnh.
Bà Liên cho biết đối với quyền lợi dành cho cổ đông, Vinamilk luôn là doanh nghiệp hiếm hoi đạt thu nhập/cổ phiếu (EPS) cao và từ đó chi trả cổ tức cao cho cổ đông. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ tỷ lệ cổ tức những năm gần đây của Vinamilk đã ở mức rất cao, chiếm 91% lợi nhuận sau thuế.
"Hiện lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp làm được thì đều dành để chia cổ tức", bà Liên nói. Vì thế, việc tăng cổ tức tiền mặt các năm tới có thể diễn ra nhưng chỉ dừng ở mức tối đa 9%, tương đương chạm ngưỡng 100% lợi nhuận hàng năm.
Năm 2024, Vinamilk cho biết sẽ trả tổng mức cổ tức là 38,5% mệnh giá, tương đương 3.850 đồng/cổ phiếu. Trước đó, tổng cổ tức của năm tài chính 2023 mà cổ đông nhận được là 38,5% mệnh giá, tương đương 8.046 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức là 91% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của công ty.
Với các nỗ lực thúc đẩy kinh doanh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu, Vinamilk ghi nhận kết quả doanh thu và lợi nhuận quý I năm nay đều tăng trưởng dương.
Cụ thể, công ty ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất quý đầu năm đạt 14.125 tỷ đồng, tăng hơn 1%; lợi nhuận sau thuế tăng 16%. Doanh thu của riêng công ty mẹ Vinamilk cũng tăng hơn 2%, lợi nhuận sau thuế tăng 15%.
Năm nay, Vinamilk lên kế hoạch tổng doanh thu dự kiến đạt 63.163 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 9.376 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2023 ở cả hai chỉ tiêu. Đây sẽ là mức doanh thu cao kỷ lục của doanh nghiệp nếu đạt được.
Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến tỷ lệ chi phí bán hàng năm 2024 dao động 20-21% trên tổng doanh thu. Kỳ vọng mảng bò thịt hợp tác với Tập đoàn đa ngành Sojitz nếu sản xuất ổn định có thể đạt doanh thu 3.000 tỷ/năm.
Trong 5 năm tới, Vinamilk đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 5-10%/năm tùy tình hình, nếu có chi phí tăng thêm thì sẽ tập trung vào chi phí chuyển đổi số. Dự trù chi phí vốn sẽ khoảng 4.200 tỷ cho năm 2024 và khoảng 6.000 tỷ đồng vào năm 2025.
Lãnh đạo Vinamilk cũng cho biết hiện công ty vẫn thận trọng trong việc tiếp cận vốn M&A. Doanh nghiệp hiện không có chính sách mua cổ phiếu quỹ và phát hành ESOP cho cán bộ công nhân viên.
Giữ chiến lược song song nội địa và xuất khẩu
Chia sẻ thêm với cổ đông về việc phát triển ra thị trường nước ngoài, CEO Mai Kiều Liên cho biết chiến lược của Vinamilk là tác chiến song song, vừa nội địa vừa xuất khẩu.
Hiện nay, Vinamilk đã xuất khẩu thành công sản phẩm sang hơn 60 nước. Sau 4 tháng đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu đã đạt 14%, trong khi nội địa chỉ tăng 5%.
Riêng thị trường Trung Quốc, Vinamilk mới bước chân vào và đang đưa ra sản phẩm tương đối độc đáo để thu hút khách hàng từ thị trường tỷ dân.
Ở chiều ngược lại, khu vực Trung Đông đang biến động khiến Vinamilk phải bỏ giá thành vận chuyển hơi cao.
Cũng trong 2 năm gần đây, kết quả kinh doanh tại thị trường Philippines gặp nhiều khó khăn do là thị trường mới, sản phẩm mới. “Chúng tôi kỳ vọng trong năm thứ 3-4, kết quả tại thị trường này sẽ khả quan hơn”, bà Liên chia sẻ.
Với thị trường nội địa, lãnh đạo Vinamilk cho biết doanh số bán sữa vẫn đang phủ đều trên 63 tỉnh thành với 240.000 điểm bán lẻ. Dù vậy, doanh thu ghi nhận được trong năm 2023 lại đi ngang.
“Tỷ lệ sinh của Việt Nam giảm 2 năm nay cùng với chính sách cho nghỉ sinh 6 tháng thay vì 2-4 tháng như trước nên khuyến khích các bà mẹ cho con bú. Do đó, nhu cầu sử dụng sữa bột giảm hẳn. Thị trường sữa bột ở Việt Nam năm 2023 suy giảm 20% và riêng Vinamilk giảm 10%”, lãnh đạo doanh nghiệp chỉ ra nguyên nhân chính.
Sang tới quý đầu năm nay, theo thống kê của Nielsen, sức mua thị trường sữa Việt Nam tiếp tục giảm 2,8%. Riêng sức mua sữa bột trẻ em giảm 20%.
Tuy vậy, Vinamilk cho biết tổng công ty vẫn ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 5%. Thậm chí, có ngành hàng tăng trưởng dương tới 2 chữ số như sữa hạt, sữa chua, sữa chua uống, sữa đặc có đường.
Thông tin về tiến độ các dự án lớn, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết dự kiến đến quý IV năm nay, nhà máy, trang trại của Vinabeef sẽ đi vào hoạt động và sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường.
Dự án nhà máy sữa Hưng Yên đang tiếp tục triển khai, hiện đã hoàn thành xong phần san lấp mặt bằng và dự kiến trong tháng 6-7 sẽ khởi công. Ngoài ra, tiến độ của dự án Thiên đường Sữa Mộc Châu đang bị chậm do liên quan tới vấn đề đất đai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận