24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Diệp Chi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cắt giảm giấy phép con đang “nguội” dần

Tính đến hết tháng 4/2019, hầu hết các bộ chưa có đánh giá về mức độ chuyển biến thực chất và hiệu quả thực tế của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục kiểm tra chuyên ngành (TTKTCN) năm 2018.

Đa số các bộ cũng chưa có kế hoạch rà soát, cắt giảm ĐKKD năm 2019. Thậm chí, theo một số đánh giá, giấy phép con đang có dấu hiệu biến tướng, trỗi dậy.

Những dấu hiệu đáng lưu ý

Trong một diễn đàn bàn giải pháp phát triển “bứt phá” cho khu vực kinh tế tư nhân diễn ra mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trăn trở: “Bao nhiêu năm nay chúng ta loay hoay gỡ các khó khăn, vướng mắc trong cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp (DN) do ĐKKD, TTKTCN gây ra. Dường như chúng ta đang thiếu một giải pháp đột phá cho vấn đề này!”. Trên cơ sở đó, đại diện cộng đồng DN Việt Nam kiến nghị tới cơ quan chức năng cần phải có giải pháp đột phá, hiệu quả trong làm chính sách để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Nếu như kết quả cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD năm 2018 được ghi nhận là điểm sáng của môi trường kinh doanh Việt Nam, thì nhìn về diễn biến cắt giảm ĐKKD và TTKTCN trong 4 tháng đầu năm 2019, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét: “Cắt giảm ĐKKD đang dừng ở kết quả cuối năm 2018. Đến hết tháng 4, đa số các bộ chưa có phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ năm 2019”. Thậm chí, theo chuyên gia này, năm 2018, Bộ Giao thông vận tải dự kiến trình ban hành 9 nghị định sửa riêng từng ĐKKD, nhưng mới 4 nghị định được ban hành... Thực tế còn ĐKKD không cần thiết, không hợp lý, không khả thi cần tiếp tục rà soát, cắt giảm.

Về cải cách TTKTCN, trong 4 tháng đầu năm nay chưa có thêm chuyển biến nào đáng kể. Đáng lưu ý, 2 thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT) được ban hành ngày 25/12/2018, có hiệu lực kể từ ngày 10/2/2019 đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động quản lý, TTKTCN trong lĩnh vực kiểm dịch. Ngay sau khi văn bản có hiệu lực, DN đã gặp vướng mắc do một số quy định thiếu rõ ràng, dẫn tới cách hiểu khác nhau giữa cơ quan hải quan và DN, làm ứ đọng hàng tại cảng.

Theo đại diện một DN, có quy định đã “tháo” ra rồi lại tiếp tục “buộc” chặt khiến DN “cõng” gánh nặng chi phí. Đơn cử như Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23/10/2017 của Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyde và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (có hiệu lực từ ngày 1/5/2018, sau đó lùi hiệu lực thi hành đến ngày 1/1/2019) đã và đang tiếp tục gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của DN trong kiểm tra formaldehyde.

Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh 4 tháng đầu năm 2019 của Văn phòng Chính phủ cũng nêu con số đáng quan ngại khác. Đó là trong quý I/2019, có 5.424 TTHC quy định mới được công khai, trong đó có 3.251 TTHC được sửa đổi, bổ sung; còn số TTHC huỷ bỏ, bãi bỏ là 2.854 thủ tục. Một số đơn vị có số TTHC được sửa đổi, bổ sung nhiều trong quý I là: Bộ Giao thông vận tải 35 thủ tục; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 17 thủ tục; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 16 thủ tục; tỉnh Bình Phước 464 thủ tục…

Tách bạch để minh bạch

Để việc cắt giảm ĐKKD, TTKTCN mang lại hiệu quả thực sự cho DN, người dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ soạn thảo luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các ĐKKD được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt. Trước ngày 20/5/2019 hoàn thành việc công bố, công khai ĐKKD, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành sau cắt giảm để làm cơ sở kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật không làm phát sinh thêm so với kết quả đã cắt giảm.

Ngoài ra, khẩn trương thực hiện việc rà soát, bãi bỏ, chấm dứt việc quy định TTHC trong công văn hướng dẫn và gửi Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát trong tháng 5/2019. Các bộ: Giao thông vận tải, Tư pháp, Y tế, Tài chính khẩn trương hoàn thành việc ban hành hoặc trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm ĐKKD theo quy định. Đối với các quy định đã được ban hành mà tiếp tục phát hiện bất cập, đề nghị tiếp tục rà soát, đề xuất phương án xử lý.

Muốn đạt được mục tiêu trên, ông Lộc cho rằng, DN và hiệp hội DN cần chung tay cùng Chính phủ thực hiện cắt giảm thực chất ĐKKD, TTKTCN đang gây cản trở cho DN với việc đề xuất, kiến nghị các giải pháp. Đặc biệt, khi các bộ, ngành muốn cắt giảm ĐKKD, TTKTCN, không giao cho các bộ phận chuyên ngành vừa cấp giấy phép vừa đưa phương án cắt giảm giấy phép con. Các bộ phận này phải độc lập với nhau trên cơ sở lắng nghe các ý kiến đề xuất của DN, hiệp hội DN.

Việt Anh

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả