24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quách Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

[Cập nhật] Nhiều ngân hàng báo lãi đi lên, nợ nhóm 5 tăng

Vietcombank, VPBank, Techcombank đều báo lãi trên 10.000 tỷ đồng, trong khi đó các ngân hàng quy mô tầm trung cũng báo lãi hàng nghìn tỷ đồng.

Theo khảo sát của Người Đồng Hành, 7 ngân hàng công bố lãi trước thuế nửa đầu năm trên 10.000 tỷ đồng, trong khi đó các ngân hàng quy mô tầm trung cũng báo lãi hàng nghìn tỷ đồng. Loạt ngân hàng ghi ngận tổng nợ xấu tăng cao so với đầu năm, có nhà băng tỷ lệ nợ xấu 11% trên tổng dư nợ.

Nếu như trong quý I, quán quân lợi nhuận trước thuế hợp nhất thuộc về VPBank với hơn 11.146 tỷ đồng, theo sau là Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 9.950 tỷ đồng. Thì sang đến quý II, Vietcombank đã lấy lại "ngôi vương" lợi nhuận từ tay VPBank, ngân hàng báo lãi trước thuế 17.373 tỷ đồng, trong khi VPBank ghi nhận lãi 15.322 tỷ đồng.

[Cập nhật] Nhiều ngân hàng báo lãi đi lên, nợ nhóm 5 tăng

Với vị trí đầu bảng, Vietcombank (HoSE: VCB) lãi trước thuế bán niên đạt 17.373 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với việc thực hiện 56,7% kế hoạch năm. Theo đó, trong quý II các mảng kinh doanh đều ghi nhận lãi tăng, thu nhập lãi thuần đạt 12.797 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động dịch vụ báo lãi 694 tỷ đồng, tăng 62%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi 1.471 tỷ đồng, tăng 49%.

Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 18,6 tỷ đồng, tăng 2 lần so với quý II/2021. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi 84,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận. Lãi từ hoạt động khác đạt 880 tỷ đồng, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến 30/6, Vietcombank ghi nhận tổng nợ xấu ở mức 6.693 tỷ đồng, tăng 9,4%, đứng ở vị trí thứ hai về tổng nợ xấu chỉ sau VPBank. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 80,2% lên 1.340,7 tỷ đồng, nợ nhóm 4 ở mức 664 tỷ đồng, giảm 31,2%, nợ nhóm 5 tăng 6,3% lên 4.688 tỷ đồng.

Vị trí thứ hai trong danh sách lợi nhuận trước thuế là VPBank (HoSE: VPB), ngân hàng báo lãi 6 tháng đầu năm 15.322 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà ngân hàng này ghi nhận được từ năm 2015 đến nay.

Hoạt động kinh doanh của VPBank trong nửa đầu năm 2022 ghi nhận tăng trưởng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế. Dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt 436.000 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3%, cao hơn mức trung bình 9,35% toàn ngành. Thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 31.600 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Thu nhập thuần từ phí tăng 34,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 khi ghi nhận gần 2.800 tỷ đồng, do tăng doanh thu từ hoạt động thanh toán, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, quản lý tài khoản và dịch vụ thẻ.

Ngoài ra, VPBank hiện là ngân hàng đứng đầu về tổng nợ xấu. Tính đến 30/6 ghi nhận tổng nợ xấu 20.624 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Trong đó nợ nhóm 5 của VPBank tăng hơn 2,4 lần lên 4.970 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 20% lên 9.091 tỷ đồng. Hết quý II, tỷ lệ nợ xấu vượt 5,2%. Trước đó, thời điểm kết thúc quý I, tỷ lệ nợ xấu của là 4,83%, cao nhất toàn ngành ngân hàng.

[Cập nhật] Nhiều ngân hàng báo lãi đi lên, nợ nhóm 5 tăng
Nguồn: Tổng hợp BCTC, đơn vị tính: tỷ đồng, đồ thị: Quang Anh

Vị trí thứ ba thuộc về Agribank, ngân hàng báo lãi trước thuế bán niên hơn 15.080 tỷ đồng, tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021. Thu nhập lãi thuần đạt 27.854 tỷ đồng, tăng 7,2%. Hoạt động khác báo lãi hơn 6.223,7 tỷ đồng, tăng 45%. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ lãi 2.328 tỷ đồng, giảm 8%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 565,2 tỷ đồng giảm 25,5%.

Tính đến 30/6, cho vay khách hàng của Agribank ghi nhận 1,39 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Tổng nợ xấu ở mức 29.983 tỷ đồng, tăng 22,1%, trong đó nợ nhóm 3 tăng 130% so với đầu năm lên 7.231 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tương đương với đầu năm ở mức 3.376 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng 7,4% lên hơn 19.375 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,86% lên hơn 2,15%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 138% xuống còn 128%.

Vị trí thứ tư thuộc về Techcombank (HoSE: TCB) với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 14.106,4 tỷ đồng, tăng 22,3%, tương đương 52,2% kế hoạch năm. Tính riêng quý II, thu nhập lãi thuần ở mức 7.793 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động dịch vụ báo lãi 2.077 tỷ đồng tăng 42,6%. Hoạt động chứng khoán đầu tư ghi nhận lãi 593,8 tỷ đồng, tăng 7%. Lãi từ hoạt động khác ở mức 753,9 tỷ đồng, tăng gần 70%.

Tổng nợ xấu ở mức 2.359,2 tỷ đồng, tăng gần 3% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu nhóm 3 giảm 25%, xuống 509,3 tỷ đồng, nợ xấu nhóm 4 tăng 3,5% lên 890,7 tỷ đồng, nợ xấu nhóm 5 tăng 27% lên 959,2 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm 6 điểm cơ bản, từ 0,66% xuống còn 0,6%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu theo đó tăng từ 162,8% lên 171,6%.

Đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng lợi nhuận là MB (HoSE: MBB), ngân hàng báo lãi trước thuế nửa đầu năm hơn 11.896 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần của MB đạt hơn 17.354 tỷ đồng, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 22.854 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và tăng 26% so với cùng kỳ.

Tính đến 30/6, nợ xấu của MB tăng tới 52% so với thời điểm đầu năm lên 4.975 tỷ đồng. Trong đó nợ nhóm 5 tăng 2,2 lần, lên hơn 1.826 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nhích từ 0,9% thời điểm đầu năm lên mức 1,2%.

Ở vị trí thứ 6 là VietinBank (HoSE: CTG), lũy kế 6 tháng, ngân hàng báo lãi 11.607 tỷ đồng, tăng 7% so với nửa đầu năm 2021, tương đương gần 60% kế hoạch năm. Trong đó, thu nhập thuần bán niên đạt 22.118 tỷ đồng, tăng 3%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 1.597 tỷ đồng, tăng 86%, Hoạt động khác lãi gần 3.000 tỷ đồng, tăng 90%. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 49 tỷ đồng, giảm 80%. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi 5,8 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ 88 tỷ đồng.

So với đầu năm, cho vay khách hàng tăng 9,5% lên hơn 1,23 triệu tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng theo đó cũng tăng 22,6% lên 31.621 tỷ đồng. Tổng nợ xấu ở mức 16.666 tỷ đồng, tăng 16,5%, trong đó nợ nhóm 5 tăng 2,2 lần lên hơn 11.858 tỷ đồng, nợ nhóm 3 và nhóm 4 ghi nhận giảm lần lượt 53% và 26%, tương ứng với 3.330 tỷ đồng và 1.478 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,26% lên hơn 1,34%. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ 180% lên 189%.

BIDV (HoSE: BID) đứng ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng lợi nhuận với lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 11.083 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ, hoàn thành 53,8% kế hoạch năm. Thu nhập lãi thuần ghi nhận 27.444 tỷ đồng, tăng 15,5%, hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 1.208 tỷ đồng, tăng 54%.

Cho vay nửa đầu năm tăng 9,5% so với đầu năm lên hơn 1,48 triệu tỷ đồng. Tổng nợ xấu ghi nhận 15.139 tỷ đồng, tăng 11,8%. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 47,7% lên 4.071 tỷ đồng, nợ nhóm 4 giảm 30%, xuống còn 2.463 tỷ đồng, nợ nhóm 5 ở mức 8.604 tỷ đồng, tăng 18%. Tỷ lệ nợ xấu tăng 2 điểm cơ bản, từ 1% lên 1,02%. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 36% lên hơn 39.742 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 214% lên 262%.

Ở vị trí thứ 8 trong danh lợi nhuận là ACB (HoSE: ACB), ngân hàng báo lãi bán niên 9.028 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ, đạt 60% kế hoạch năm. Riêng quý II, ACB ghi nhận lợi nhuận 4.914 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ 2021. Tính đến 30/6, tổng nợ xấu của ACB ghi nhận gần 3.000 tỷ đồng, tăng 7,1% so với đầu năm, nợ nhóm 5 tăng 59% lên 2.190 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tính trên tổng dư nợ của ngân hàng giảm từ 0,78% hồi đầu năm xuống còn 0,76%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm từ 209% hồi đầu năm xuống hơn 185%.

Đứng ở vị trí thứ 9 là SHB (HoSE: SHB), ngân hàng báo lãi trước thuế 6 tháng đạt gần 5.900 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành trên 50% kế hoạch năm. Tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 9.500 tỷ đồng, tăng 113%.

Vị trí thứ 10, lợi nhuận ngân hàng là HDBank (HoSE: HDB), ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 5.304 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ và hoàn thành 54% kế hoạch năm. Thu thuần từ dịch vụ riêng lẻ tăng trên 113%, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ 0,93%.

[Cập nhật] Nhiều ngân hàng báo lãi đi lên, nợ nhóm 5 tăng
Nguồn: Tổng hợp BCTC. Đồ thị: Quang Anh

Ở nhóm ngoài Top10, VIB (HoSE: VIB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt hơn 5.022 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 8.700 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Nguồn thu nhập ngoài lãi đạt hơn 1.500 tỷ, đóng góp hơn 18% vào tổng thu nhập hoạt động.

Tổng nợ xấu của VIB ghi nhận hơn 5.428 tỷ đồng, tăng 16,2% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 4 và nhóm 5 đều ghi nhận tăng lần lượt 32% và 67%, lên 2.125 tỷ đồng và 2.210 tỷ đồng.

Theo sau là TPBank (HoSE: TPB) báo lãi trước thuế bán niên đạt 3.787,8 tỷ đồng, tăng 26%, tương đương với việc thực hiện 46,1% kế hoạch năm. Thu nhập lãi thuần đạt 5.866,2 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ lãi 1.192 tỷ đồng, tăng 71,6%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 211,2 tỷ, tăng 34,4%. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm 1,5%, xuống còn 541,1 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác tăng hơn 9 lần, lên mức 378,1 tỷ đồng.

So với đầu năm, tổng nợ xấu tăng 11,1% lên 1.285,3 tỷ đồng Trong đó, nợ nhóm 5 tăng hơn 50% lên 448,6 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 23,4% lên 430,5 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 giảm 20,4% xuống còn 406,2 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tính đến hết quý II tăng 4 điểm cơ bản từ 0,81% lên 0,85%.

Tiếp đó là LienVietPostBank (HoSE: LPB), lãi trước thuế 6 tháng đạt 3.588,5 tỷ đồng, tăng 76%, tương đương 74,7% kế hoạch năm. LienVietPostBank cho biết lợi nhuận quý II tăng so với cùng kỳ năm trước là nhờ thu nhập lãi thuần tăng trưởng do quy mô tín dụng bán lẻ tăng và thu lãi khoản vay cơ cấu Covid-19 của các khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh. Cùng với đó, thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng do các dịch vụ trọng tâm như bảo hiểm, thanh toán quốc tế, ngân hàng số... ghi nhận tăng trưởng tốt.

Tổng nợ xấu của LienVietPostBank tăng 11,2% so với thời điểm 31/12/2021 lên 3.182 tỷ đồng. Trong đó nợ nhóm 3 tăng 67,5% lên 771 tỷ đồng, nợ nhóm 5 cũng ghi nhận tăng 37,8% lên 1.837,7 tỷ đồng.

MSB (HoSE: MSB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 3.335 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 49% kế hoạch năm. Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần đạt 4.023 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ 2021, hoạt động ngoại hối lãi 561 tỷ đồng, tăng 2,8 lần.

So với đầu năm, tổng nợ xấu giảm 6% xuống còn 1.662 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 giảm 23%, ghi nhận 265,5 tỷ đồng, nợ nhóm 4 giảm 2,5%, xuống 457 tỷ đồng, nợ nhóm 5 giảm 1,6%, còn 939,5 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm 1,4 điểm phần trăm, từ 1,74% đầu năm xuống còn 1,5%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 95,3% xuống còn 84,2%.

Sacombank (HoSE: STB) ghi nhận lãi trước thuế 2.908 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, tương đương với việc hoàn thành 55% kế hoạch năm. Trong đó, nửa đầu năm hoạt động khác lãi 2.123,4 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vũ lãi 3.276 tỷ đồng, tăng gần 85%. Hết quý II, Sacombank ghi nhận tổng nợ xấu trên 5.282 tỷ đồng, giảm 7,7% so với 31/12/2021.

ABBank (UPCoM: ABB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.662 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 54% kế hoạch năm. Tính đến 30/6, tổng nợ xấu tăng 10,7% so với đầu năm, ghi nhận ở mức 1.789,7 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 20% lên 1.038,8 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 6% lên 443,2 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tính đến hết quý II giảm 4 điểm cơ bản so với đầu năm, từ 2,34% còn 2,3%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu nâng từ 50,2% lên 52,3%.

Lãi trước thuế 6 tháng đầu năm của NCB (HNX: NVB) là 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận là hơn 125 tỷ đồng. Ngoài ra, NCB hiện đang là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong tất cả những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đến thời điểm 27/7. Thời điểm đầu năm tỷ lệ nợ xấu của NCB ghi nhận ở mức 3%, hết quý II tăng lên 11,04%, tương đương với việc cứ 100 đồng nợ tại NCB thì có đến 11 đồng là nợ xấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 55% xuống còn 17,5%.

NCB ghi nhận tổng nợ xấu ở mức 4.899 tỷ đồng, gấp 4 lần so với đầu năm, trong đó nợ nhóm 3 tăng 90% lên 1.143 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 14,5 lần lên 2.626 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng 2,4 lần lên 1.129 tỷ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả