Cao tốc Bắc - Nam qua Quảng Ngãi vướng mắc về mỏ đất
Cao tốc Bắc Nam đoạn qua Quảng Ngãi: Vướng mắc trong cấp phép mỏ đất
Theo Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tổng nhu cầu đất đắp cho toàn tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vào khoảng 12 triệu m3. Trong đó, gói thầu XL01 khoảng 5,7 triệu m3, gói thầu XL02 khoảng 2,5 triệu m3 và gói thầu XL03 khoảng 3,7 triệu m3. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số mỏ được cấp phép chỉ đếm trên đầu ngón tay so với tổng số mỏ được đưa vào quy hoạch.
Tại gói thầu XL01, tổng số mỏ đất được đưa vào quy hoạch là 13 mỏ, nhưng đến nay mới có 3 mỏ được cấp phép khai thác, 8 mỏ còn lại đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục hồ sơ.
Còn tại gói thầu XL02, theo quy hoạch đoạn tuyến trên có 5 mỏ đất gồm: Bren, Núi Bé, Dốc Cộ, Đồi Dốc Cao và Trung Tram với trữ lượng khoảng 3 triệu m3, nhưng đến giờ vẫn chưa ra mỏ để khai thác thi công dự án.
Nhu cầu đất đắp cho toàn tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vào khoảng 12 triệu m3.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2, các mỏ này mới ở bước chấp thuận chủ trương cho phép lập hồ sơ khai thác.
Đối với gói thầu XL03, nhu cầu sử dụng đất đắp khoảng 3,7 triệu m3, nhưng đến nay trong 3 mỏ đất được đưa vào quy hoạch (có trữ lượng khoảng 4,8 triệu m3), hiện mới có mỏ TDHN19 được cấp phép khai thác. Mỏ TDHN25 đang khoan đánh giá trữ lượng, lập hồ sơ đăng ký khai thác. Riêng mỏ TDHN26, đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, việc chậm trễ trong cấp phép mỏ đất đắp, nhất là giai đoạn đầu của dự án và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung, dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp hơn so với kế hoạch đề ra.
Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch hàng loạt mỏ đất phục vụ dự án cao tốc, nhưng khi nhà thầu khảo sát lại thì nhiều mỏ đất không đảm bảo chất lượng, đất lẫn đá nhiều, đường tiếp cận khó khăn và một phần do người dân không đồng ý cho sử dụng đường tiếp cận mỏ.
Vì vậy, để đảm bảo lượng đất đắp, nhà thầu và ngành chức năng địa phương đã tiếp tục khảo sát các mỏ đất khác trên địa bàn. Tuy nhiên, theo quy định, việc cấp phép mỏ đất có thời gian 4,5 tháng. Như vậy là khá dài, nên nhà thầu đã đề nghị áp dụng các quy định hiện hành để rút ngắn thời gian.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh nghiên cứu các quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ để rút ngắn thời gian, tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép khai thác các mỏ đất xuống còn khoảng 38 ngày.
Tuy nhiên, khi thời gian cấp phép khai thác mỏ đất được rút ngắn thì lại gặp trở ngại trong việc đền bù cho người dân để giải phóng mặt bằng các mỏ đất. Đó là do không có khung pháp lý áp giá đền bù nên khi thỏa thuận, người dân yêu cầu đền bù cao hơn giá của Nhà nước.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, việc cấp phép khai thác mỏ đất tốn nhiều thời gian do phải trải qua nhiều khâu, như: lấy ý kiến người dân, tư vấn, khảo sát, hồ sơ, đánh giá tác động môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ và khi được khai thác...
Để sớm đưa các mỏ đất vào khai thác, phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Tổ công tác xem xét giải quyết hồ sơ cấp mỏ khoáng sản phục vụ thi công cao tốc, nhằm hỗ trợ nhà thầu sớm được phép khai thác, đảm bảo vật liệu thi công công trình.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025). Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam.
Dự án có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng. Trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7km. Giai đoạn 1, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Đến thời điểm này, đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi mặt bằng được bàn giao hơn 90%. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành toàn tuyến vào quý III năm 2026.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận