Cao Bằng đề xuất làm sân bay với mức đầu tư 120 triệu USD
Sân bay Cao Bằng vừa được bổ sung trong tờ trình về việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông vận tải và Hội đồng Thẩm định quy hoạch tháng 5/2021.
Quy mô diện tích dự kiến là 200 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 100 - 120 triệu USD. Dự báo nhu cầu vận tải năm 2050 là 2,1 triệu hành khách/năm. Sân bay Cao Bằng phục vụ cho hoạt động bay trực thăng và máy bay cánh bằng loại nhỏ, là sân bay nội địa dùng chung với quân sự, phục vụ nhu cầu đi lại nhanh chóng, tiện nghi của hành khách, phục vụ chính sách dân tộc, phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Trong tờ trình về việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông vận tải và Hội đồng Thẩm định quy hoạch đầu tháng 5/2021, ngoài 28 sân bay có trong quy hoạch hiện nay, đến năm 2050 chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng vào quy hoạch.
Theo đó, vị trí sân bay được xác định cách thành phố 13 km về phía Đông Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đoàn khảo sát tại vị trí dự kiến xây dựng ở xã Bạch Đằng, Hòa An với 2 hướng.
Thứ nhất, theo đường đi vào xóm Bản Sẳng, xã Bạch Đằng, vị trí nằm ở phía bờ trái sông Hiến, cách trụ sở UBND xã khoảng 3 km.
Thứ hai, theo đường vào UBND xã Bạch Đằng, vị trí này gần khu vực cầu Tài Hồ Sìn, nằm phía bờ bên phải sông Hiến, cách trụ sở UBND xã khoảng 3 km. Qua khảo sát tại vị trí này có thể thấy đây là thung lũng dọc theo bờ phải sông Hiến, địa hình không quá phức tạp, diện tích bị ảnh hưởng chủ yếu là đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, xa các khu dân cư, thuận lợi cho kết nối với hệ thống giao thông, thế trận quốc phòng - an ninh của địa phương.
Tiếp đó, đoàn đến khảo sát tại khu vực xã Canh Tân, Minh Khai, Thạch An. Qua khảo sát cho thấy ở vị trí khá cao, cần phải nghiên cứu thêm các vị trí khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tiếp tục chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát và tìm thêm các địa điểm khác phù hợp, hiệu quả cho việc xây dựng sân bay để tham mưu cho tỉnh.
Cao Bằng là tỉnh miền núi chỉ có duy nhất giao thông đường bộ. Các loại hình giao thông khác chưa phát triển do điều kiện tự nhiên không cho phép hoặc chưa được đầu tư. Việc đầu tư xây dựng sân bay Cao Bằng là bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội, giữ vững trật tự an ninh biên giới của tỉnh Cao Bằng.
Trước đó, sân bay Cao Bằng đã từng được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư tại quy hoạch phát triển giao thông vận tải hành không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2009.
Thế nhưng, tại Quyết định số 236/QĐ – TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, đã không có danh mục đầu tư sân bay Cao Bằng trong quy hoạch.
Trong quy hoạch lần này, hàng loạt địa phương như Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh đều đề xuất quy hoạch sân bay, nhưng đều không được chấp thuận. Phần lớn sân bay nội địa hiện nay chưa đạt công suất thiết kế, đều đang chịu lỗ, một số sân bay thường vắng khách trong giai đoạn đầu như Vân Đồn, Cần Thơ...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận