Cảnh báo sốt đất ảo tại Khánh Hòa
Bộ TN&MT đang phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa thanh tra, kiểm tra công tác chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô tại huyện Cam Lâm.
Dịch COVID-19 tại Khánh Hòa cơ bản đã được kiểm soát. Hiện nay tỉnh này đang mở lại các dịch vụ để thu hút khách du lịch, đầu tư. Kéo theo đó, làn sóng đầu tư bất động sản (BĐS), phân lô, bán nền cũng diễn ra sôi động hơn.
Mua đất sang tay kiếm ngay tiền tỉ
Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) giáp ranh TP Nha Trang những năm gần đây giá các loại đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản bắt đầu nhảy múa theo từng đợt.
Nhiều hộ dân có diện tích đất lớn bắt đầu chuyển nhượng cho các nhà đầu tư đến từ TP.HCM, Hà Nội để phân lô, bán nền. Đặc biệt, từ giữa tháng 10 năm nay, các sàn môi giới BĐS, cò đất tung tin sắp tới khu vực đầm Thủy Triều có một tập đoàn BĐS lớn đến làm siêu dự án, diện tích lên đến hàng ngàn hecta. Thông tin này đã khiến giá đất tại Cam Lâm bị thổi lên gấp 2-3 lần so với thời điểm trước dịch.
Những ngày tháng 11, trước cổng UBND huyện Cam Lâm có nhiều ô tô từ TP.HCM đậu, khách vào xin quy hoạch, xác minh thông tin đất khá nhiều. Ông Nguyễn Văn Trung, nhà đầu tư đến từ TP.HCM, cho biết trước dịch ông có tìm hiểu để mua đất tại khu vực đầm Thủy Triều. “Thời điểm đó đất khu vực này chỉ 8-11 triệu đồng/m2. Nay có tin đồn siêu dự án nên giá đất nhảy lên trên 20 triệu đồng/m2 rồi” - ông Trung nói.
Ông Lê Văn Cảnh, môi giới BĐS tại khu vực huyện Cam Lâm, cho biết hiện tại giá đất trong khu vực đã tăng rất nhiều. Đơn cử mảnh đất 2 ha mặt đường Tôn Đức Thắng (hướng nhìn ra đầm Thủy Triều) hồi tháng 3 giá 20 tỉ đồng (10 triệu đồng/m2). Đến nay mảnh đất này kêu bán với giá hơn 30 tỉ đồng và đã có người đặt cọc. Hiện giá đất ven đầm Thủy Triều dao động trên 20 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Khu vực gần quốc lộ 1A giá khoảng 8-11 triệu đồng/m2, trước đây chỉ khoảng 3-5 triệu đồng/m2. Năm 2020, ông Cảnh môi giới cho một khách từ Hà Nội mua mảnh đất có diện tích 2 ha ở gần Cụm công nghiệp Tân Lập, xã Cam Thành Bắc với giá 2 tỉ đồng.
“Tổng tiền mua đất, làm thủ tục để phân lô chỉ hơn 5 tỉ đồng. Giờ bán 18 lô đất kiếm lời vài tỉ đồng quá dễ dàng” - ông Cảnh nói.
Vị này còn gửi cho chúng tôi xem nhiều sổ đất trồng cây lâu năm có diện tích lớn, kèm theo lời hứa: “Chỉ cần xuống tiền đặt cọc, trong một tháng tôi sẽ kiếm khách bán lại với giá chênh lệch kiếm lời”.
Những cái tên như Cam Lâm New Town, Cam Lâm Golden Lake… đều đang được quảng cáo bán đất nền thổ cư, có sổ hồng riêng với giá tầm 7-8 triệu đồng/m2.
Nhà đầu tư đề phòng sốt ảo
Theo ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa, trong bối cảnh nguồn cung dự án gần đây bị gián đoạn, một số doanh nghiệp BĐS đã chuyển hướng sang hình thức thu gom đất nông nghiệp.
Sau đó, doanh nghiệp xin chuyển mục đích, tách thửa, bán nền với quy mô lớn nhưng không lập dự án đầu tư nhà ở. Việc làm này tiềm ẩn nguy cơ hình thành điểm nóng, gây sốt ảo cục bộ tại một số huyện như Diên Khánh và Cam Lâm. Đa số các khu đất phân lô, bán nền đều đang trong tình trạng bỏ hoang, hạ tầng xuống cấp... không đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực tài nguyên, ảnh hưởng an sinh xã hội.
Mô hình này chỉ mang lại hiệu quả ngắn hạn, về lâu dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy. Vì vậy, chính quyền địa phương cần siết chặt quản lý, còn nhà đầu tư thì phải thật tỉnh táo trước “sóng” giá đất đang dâng cao.
Cũng theo ông Hoàng, nguyên nhân dẫn đến sốt đất tại Khánh Hòa là do tỉnh đang tích cực triển khai lập quy hoạch chung thời kỳ 2021-2030. Trong đó, tỉnh chủ trương đầu tư các dự án rất lớn về phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hạ tầng đô thị nhưng chưa có thông tin công khai, định hướng kịp thời cho người dân. Do đó, giới đầu cơ lợi dụng tung tin để đẩy giá BĐS.
Theo ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, việc phân lô, bán nền tràn lan như thời gian qua trên địa bàn sẽ ảnh hưởng đến tương lai phát triển của huyện, gây khó khăn trong việc kêu gọi dự án đầu tư bởi công tác bồi thường rất phức tạp.
Ông Bảo cho biết Bộ TN&MT đang phối hợp với
Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa thanh tra, kiểm tra công tác chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô tại huyện Cam Lâm.
Từ tháng 6, huyện Cam Lâm đã tạm dừng việc nhận hồ sơ “hiến đất” làm đường để ngăn chặn tình trạng các chủ đầu tư lợi dụng để tách thửa, phân lô, bán nền. Huyện sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, sử dụng đất sai mục đích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận