Cảnh báo rủ ro mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử chưa đăng ký như Temu, Shein, 1688
DNVN - Bộ Công Thương vừa phát đi cảnh báo với người tiêu dùng về việc mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử chưa đăng ký và chưa được quản lý bởi cơ quan chức năng tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng, bảo mật thông tin và nghĩa vụ thuế, có thể ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đã mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội tiếp cận các sản phẩm đa dạng từ khắp nơi trên thế giới với mức giá hấp dẫn.
Tuy nhiên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam không chịu sự giám sát về chất lượng hàng hóa và không có nghĩa vụ bảo đảm dịch vụ hậu mãi. Điều này đồng nghĩa với việc nếu phát sinh vấn đề như hàng hóa không đúng mô tả, hỏng hóc, hoặc có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong việc khiếu nại hoặc yêu cầu bảo hành. Khi xảy ra tranh chấp, do không có đại diện pháp lý tại Việt Nam, các nền tảng này cũng không chịu trách nhiệm pháp lý, khiến người tiêu dùng gần như không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi.
Rủi ro cũng gia tăng với việc mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em và thiết bị điện tử, việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ không đạt tiêu chuẩn an toàn, những mặt hàng này có thể là hàng hóa bị cấm tại thị trường Việt Nam, và người tiêu dùng sẽ không được hỗ trợ theo quy định từ phía các cơ quan chức năng.
Từ đầu tháng 10/2024, dù chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam nhưng Temu vẫn cho người dùng tải ứng dụng (app), mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.
Bên cạnh rủi ro về chất lượng, việc mua sắm trên cádc nền tảng TMĐT chưa đăng ký cũng đối mặt với nguy cơ cao về mất bảo mật thông tin. Khi giao dịch trên các nền tảng này, người tiêuùng phải cung cấp thông tin thanh toán quốc tế như thẻ tín dụng hoặc ví điện tử.
Tuy nhiên, do không tuân thủ các quy định bảo mật của Việt Nam, các nền tảng này không cam kết bảo vệ dữ liệu và có nguy cơ bị đánh cắp hoặc khai thác trái phép thông tin cá nhân. Một khi xảy ra sự cố, người tiêu dùng không chỉ gặp rủi ro về tài sản mà còn đối mặt với những hậu quả lâu dài từ việc lộ thông tin cá nhân.
Ngoài những vấn đề nêu trên, người tiêu dùng cần cẩn trọng về các nghĩa vụ thuế với hàng hóa mua từ các nền tảng TMĐT chưa đăng ký. Khi hàng nhập khẩu vào Việt Nam, việc không nắm rõ các nghĩa vụ thuế có thể dẫn đến tình trạng hàng hóa bị giữ lại tại cửa khẩu hoặc người tiêu dùng phải chịu thêm chi phí phát sinh không mong muốn. Điều này khiến cho việc mua sắm trên các nền tảng TMĐT chưa đăng ký tiềm ẩn rủi ro tài chính mà người tiêu dùng cần lưu tâm.
Trước các nguy cơ tiềm ẩn từ các nền tảng TMĐT chưa đăng ký, Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối thận trọng khi mua sắm và nên kiểm tra danh sách các nền tảng TMĐT đã đăng ký tại Việt Nam. Người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin chính thức tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT, online.gov.vn hoặc liên hệ tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng của Bộ Công Thương qua số điện thoại 1800.6838 để được tư vấn chi tiết.
Việc cảnh giác và chủ động tìm hiểu thông tin là bước đầu tiên để người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, tránh những rủi ro không đáng có khi mua sắm trực tuyến.
Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings.
Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2024, dù chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam nhưng Temu vẫn cho người dùng tải ứng dụng (app), mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.
Trong công văn ký ban hành ngày 26/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt với các nền tảng xuyên biên giới như Temu, Shein và 1688. Những nền tảng này hiện đã thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký với Bộ Công Thương.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được yêu cầu ngay trong tháng 10 phải chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.
Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ tám ngày 26/10 vừa qua, nhiều Đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về vấn đề này.
Đơn cử, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cảnh báo đây là một nguy cơ rất lớn khi các hàng hóa giá rẻ này sẽ triệt tiêu nền sản xuất trong nước, khiến các hãng kinh doanh, cửa hàng nội địa phải đóng cửa.
“Chúng ta không thể cấm những hoạt động mua hàng xuyên biên giới này được, bởi chúng ta đang mở cửa thương mại; song phải có kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, cần xem lại chính sách miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa dưới 1 triệu còn phù hợp không hay phải tính lại? Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát hành chính đối với loại hàng hóa này, thay vì cho nhập khẩu dễ dàng. Đặc biệt, cần tăng cường năng lực của các sàn thương mại điện tử trong nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận