Cảng Tiên Sa được định hướng trở thành cảng du lịch
Cảng Liên Chiểu đang được đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng. Vậy tương lai của cảng Tiên Sa sẽ ra sao?
Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, phần hạ tầng dùng chung. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 3.426 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương giai đoạn 2021 -2025 hỗ trợ hơn 2.994 tỷ đồng.
Đây là tin vui đối với TP. Đà Nẵng khi cảng Liên Chiểu được xác định sẽ tạo động lực để đưa Thành phố phát triển, giải quyết những điểm nghẽn “cốt tử” mà cảng Tiên Sa gặp phải trong nhiều năm qua.
Được thành lập từ năm 1901, cảng Tiên Sa từ lâu đã chứng tỏ vị trí quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực miền Trung. Tuy nhiên, cảng dần mất đi vai trò của mình khi có những điểm nghẽn không thể giải quyết.
Theo Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, khi việc nâng cấp giai đoạn II cảng Tiên Sa hoàn thành, năm 2020, lượng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng tăng trưởng tốt, đặc biệt là hàng container tăng 17%, lợi nhuận tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Trong quý I/2021, hàng hóa qua cảng Tiên Sa tiếp tục tăng trưởng, với hơn 160.000 Teu container… Số liệu này cho thấy, cảng Tiên Sa đảm bảo khả năng thông quan hàng hóa.
Tuy nhiên, cảng Tiên Sa có nhược điểm khó khắc phục là diện tích kho bãi hẹp (khoảng 27 ha). Đặc biệt, cảng nằm trong lòng TP. Đà Nẵng, việc kết nối giao thông với các phương thức vận tải khác gặp nhiều trở ngại do đường dẫn vào cảng xung đột với giao thông đô thị. Tuyến đường Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn là trục đường du lịch chính của Đà Nẵng, cũng là con đường kết nối với cảng Tiên Sa. Việc xung đột giao thông giữa vận chuyển hàng hóa và du lịch khiến tuyến đường này quá tải, gây ra nhiều vụ tai nạn.
Vì vậy, TP. Đà Nẵng đã áp lệnh cấm xe container ra vào cảng Tiên Sa nhiều giờ trong ngày, gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Trước đây, cầu Thuận Phước được xây dựng cũng nhằm kết nối cảng Tiên Sa qua đường Nguyễn Tất Thành, giải tỏa áp lực giao thông trong nội đô. Nhưng cầu Thuận Phước không đảm bảo an toàn, nên xe tải bị cấm lưu thông, phương án chuyển hàng hóa qua cây cầu dây võng này “phá sản”. Cảng Tiên Sa vì thế tiếp tục bị “mắc kẹt”.
Để khắc phục, TP. Đà Nẵng đang đẩy nhanh tiến độ Dự án Cải tạo tuyến đường Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn, nối từ cầu Tiên Sơn ra cảng Tiên Sa. Dự án có tổng mức đầu tư 189 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 12/2021.
Như vậy, dù đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, nhưng cảng Tiên Sa không thuận tiện cho mục tiêu phát triển dịch vụ logistics quy mô lớn. Trọng trách này giờ được kỳ vọng vào cảng Liên Chiểu và cảng Tiên Sa được định hướng sẽ trở thành cảng du lịch.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch - Kiến trúc Việt Nam cho rằng, cảng Tiên Sa không còn phù hợp để phát triển cảng hàng hóa, vì thế cần chuyển ngay thành cảng du thuyền. “Địa thế của Tiên Sa rất đẹp, chẳng khác gì cảng Monaco của Pháp. Đà Nẵng là thành phố du lịch, mà du lịch đẳng cấp phải có bến du thuyền. Song song với đó, phải cấp bách xây cảng Liên Chiểu”, ông Chính đề xuất.
Trong Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chính phủ định hướng Đà Nẵng phát triển dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, gồm nghiên cứu quy hoạch, đầu tư xây dựng với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng; phát triển cảng biển, hàng không gắn với logistics. Việc Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu phần hạ tầng dùng chung là điều kiện thuận lợi để Tiên Sa trở thành cảng du lịch.
Ông Phạm Đặng Hòa Bình, Trưởng phòng Phòng Kỹ thuật công trình Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng chia sẻ, cảng Tiên Sa có đủ năng lực để đón những siêu tàu du lịch 150.000 GT, nhưng để trở thành một cảng du lịch, cần phải đầu tư lối đi riêng cho du khách, tạo cảnh quan. “Trong tương lai, cảng Tiên Sa sẽ là cảng du lịch, song vẫn đảm nhận việc thông quan hàng hóa. Cảng Liên Chiểu mới khởi động và khi hình thành cũng chưa thể ngay lập tức thay thế được vai trò của cảng Tiên Sa”, ông Bình nói.
Theo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP. Đà Nẵng, khi cảng Liên Chiểu hình thành, sẽ dần chuyển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, từ sau năm 2030 sẽ phục vụ hoàn toàn các hoạt động vận tải du lịch, du khách quốc tế. Quan điểm này cũng được Bộ GTVT đề xuất trong buổi làm việc với UBND TP. Đà Nẵng mới đây. Theo đó, khi cảng Liên Chiểu chưa đưa vào khai thác, thì cảng Tiên Sa là cảng biển chính với giới hạn hàng hóa khoảng 10 triệu tấn/năm. Khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động, cảng Tiên Sa giữ nguyên công suất, ưu tiên các loại hàng hóa tinh gọn, sạch trong container và tiếp nhận tàu khách quốc tế.
Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Nhật nhận định, trong tuyến vận tải biển quốc tế, Đà Nẵng có lợi thế hơn các địa phương khác, vì vậy cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng Liên Chiểu. Bên cạnh đó, cần tăng cường giờ hoạt động của các phương tiện ra vào kết nối với cảng Tiên Sa, khai thác hiệu quả công suất của cảng biển này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận