menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Chín

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung:  Những kịch bản khó đoán định

Căng thẳng Mỹ - Trung vẫn chưa đi đến hồi kết.

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay là Mỹ và Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với bài toán hồi phục tăng trưởng trở lại sau đại dịch, tuy nhiên mỗi quốc gia đang ở những trạng thái khác nhau.

Phần lớn các nước trên thế giới hiện nay vẫn còn phải áp dụng các biện pháp chặt chẽ để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Điều này rõ ràng làm thu hẹp đáng kể các hoạt động kinh tế trên toàn thế giới và làm giảm bớt triển vọng tăng trưởng trong năm nay.

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay là Mỹ và Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với bài toán hồi phục tăng trưởng trở lại sau đại dịch, tuy nhiên mỗi quốc gia đang ở những trạng thái khác nhau.

Theo ông Michael Spencer, chuyên gia kinh tế trưởng của Deutsche Bank, Trung Quốc hiện đang được coi là một trong số ít các nền kinh tế có sự phục hồi tốt. Sự phục hồi này có thể sẽ là rất ấn tượng với mức tăng trưởng khoảng 5% - 6% trong quý II từ tháng 4 đến tháng 6, sau một cơn “co thắt” vì đại dịch trong 3 tháng trước đó.

Các số liệu thống kê gần đây cho thấy nhu cầu tiêu thụ trong nước của Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi. Khu vực sản xuất cho thấy những tín hiệu tích cực hơn cả khi chỉ số PMI Caixin tổng hợp đã tăng mạnh từ mức 47,6 điểm của tháng 4 lên đạt 54,5 điểm tại tháng 5, trong đó khu vực chế biến chế tạo đã chính thức quay trở lại vùng mở rộng khi đạt 50,7 điểm trong tháng 5 và khu vực dịch vụ mở rộng mạnh mẽ, đạt 55 điểm trong tháng 5 (chỉ số PMI ở mức trên 50 điểm là ở ngưỡng mở rộng). Xuất khẩu của nước này cũng tốt hơn so với dự kiến, nhưng tình trạng này có thể không kéo dài lâu do sự yếu kém của các nền kinh tế mà hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu tới.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất của thế giới là Mỹ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Khu vực sản xuất mặc dù đã có một số tín hiệu phục hồi trong tháng 5 nhưng vẫn phải đối mặt với tình trạng thu hẹp khi chỉ số PMI tổng hợp chỉ ở mức 36 điểm.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu hiện nay chính là nước Mỹ đang mở cửa trở lại quá sớm và điều này có thể gây ra một làn sóng lây nhiễm virut khác, đồng thời kéo theo một chu kỳ của những hạn chế mới. Điều đó sẽ khiến bản thân nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn, bất chấp sự nhảy vọt bất ngờ của sự tăng việc làm tuần qua.

Theo ông Steve Hanke, thành viên cao cấp của Học viện tự do Hoa Kỳ, nền kinh tế Mỹ sẽ mất nhiều năm mới có thể phục hồi sau thiệt hại khổng lồ do đại dịch gây ra. GDP của Mỹ có thể sẽ không đạt được như mức trước khi xảy ra khủng hoảng cho đến tận năm 2022.

Trong bối cảnh đó, căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nước càng làm u ám thêm bức tranh kinh tế. Sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đang trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây, dự kiến sẽ là nhạy cảm đặc biệt trong năm nay. Mỹ dự kiến sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump sẽ đưa Trung Quốc trở thành một phần nội dung chính trong cuộc đua tái tranh cử bằng cách tuyên bố ông sẽ “nghiêm khắc” hơn với Bắc Kinh.

Ông Steve Hanke cho biết thêm, những tranh luận giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở nên rất đáng lo ngại, đặc biệt nó có thể trở nên tồi tệ hơn trong mùa hè này, điều đó cho thấy khó có bất kỳ triển vọng nào để hai nước kết thúc giai đoạn thứ hai của thỏa thuận thương mại, mặc dù hai nước đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1/2020, cũng đã tạm dừng cuộc chiến thuế quan kéo dài hơn một năm. Chính quyền Trump đã bắt đầu các cuộc đàm phán về giai đoạn thứ hai của thỏa thuận trước cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay. Nhưng ngay cả trong thỏa thuận của giai đoạn một cũng đã xuất hiện những vấn đề “ngàn cân treo sợi tóc” và những rủi ro thậm chí đã xuất hiện ngay cả trong giai đoạn một.

Ông Robert Carnell, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn tài chính ING nhận định, về tác động của việc thương chiến Mỹ - Trung tăng cao đối với hai quốc gia này cũng như đối với kinh tế thế giới thì khó có thể trả lời chính xác. Tuy nhiên, một cuộc xung đột thương mại luôn dẫn đến những hậu quả tồi tệ đối với tổng thể nền kinh tế toàn cầu. Trước hết, cuộc chiến sẽ làm chậm lại tốc độ hồi phục trong tăng trưởng kinh tế tại hai cường quốc đứng đầu thế giới này. Mặt khác, nó cũng sẽ làm chậm lại đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Một trong số những tác động tích cực hiếm hoi mà cuộc chiến có thể mang lại là có thể giúp định hướng lại chuỗi cung ứng xuất khẩu và công nghệ trên toàn cầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phát triển đa dạng hóa hơn tại các nền kinh tế đang phát triển khác. Nhưng trên cơ sở toàn cầu thì đây chưa hẳn là kịch bản tăng trưởng tốt nhất. Chắc chắn rằng điều tốt nhất vẫn là phát triển dựa trên sự hợp tác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại