Căng thẳng Mỹ-Trung giáng đòn lên ngành công nghệ
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngừng dùng các hành động thương mại đe dọa Bắc Kinh, nhưng căng thẳng Mỹ - Trung vẫn là mối họa lớn với các doanh nghiệp công nghệ.
Ngành công nghệ sẽ chịu tổn hại nhất
Đáp trả việc Trung Quốc phê chuẩn áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, Tổng thống Trump đã "lệnh" cho chính quyền Washington tước bỏ các đối xử ưu đãi đối với đặc khu này. Ngoài ra, ông Trump tuyên bố Mỹ chấm dứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì tổ chức này không hành động mạnh mẽ để ngăn chặn virus Covid-19 lây lan trên toàn cầu.
Chứng khoán Mỹ vẫn bật tăng trong phiên giao dịch chiều cuối tuần 29/5 sau khi Tổng thống Trump khẳng định ông không đẩy căng thẳng thương mại với Trung Quốc tăng cao mà lên án các hành động của Trung Quốc.
Ngành công nghiệp bán dẫn hơn 1 năm qua "nhập cuộc" sau những căng thẳng Mỹ - Trung, thậm chí trở thành tâm điểm trong hợp tác công nghệ Mỹ - Trung. Theo Paul Christopher, Trưởng Bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu tại Ngân hàng đầu tư Wells Fargo, nếu Tổng thống Trump ra tay mạnh hơn, hoặc có động thái thay đổi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, thị trường chứng khoán sẽ có biến lớn.
Sau những giờ trượt điểm trước đó trong phiên giao dịch 29/5, chỉ số S&P 500 kịp hồi phục và đảo chiều tăng 0,5% lên 3.044 điểm. Giới giao dịch chứng khoán đang theo dõi nhất cử nhất động của phía Trung Quốc sau động thái của ông Trump để định hình giao dịch vào tuần tới, trước mắt là phiên giao dịch ngày 1/6.
“Về cơ bản, ông ấy (Tổng thống Trump) đã không đề cập đến một số điểm, nhưng đó chưa phải điểm dừng và căng thẳng hai bên (Mỹ-Trung) sẽ tiếp tục gia tăng”, ông Julian Emanuel, Trưởng Bộ phận chiến lược chứng khoán phái sinh và thị trường vốn tại Công ty môi giới chứng khoán BTIG nhận định.
Theo chuyên gia này, ngành công nghệ sẽ dễ bị tổn thương nhất do chuỗi cung ứng của Mỹ đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, đồng nghĩa các công ty công nghệ Mỹ có mức rủi ro doanh thu cao nhất.
Chuyên gia Paul Christopher từ Ngân hàng đầu tư Wells Fargo khuyến cáo: “Chúng ta cần theo dõi các động thái tiếp theo của Trung Quốc ra sao. Người Trung Quốc có thể làm khá nhiều chuyện gây khó dễ đến 'cuộc sống' của các giám đốc điều hành và quản lý đang làm việc bên ngoài Trung Quốc, hoặc các chuỗi cung ứng hoạt động bên ngoài nước này. Cho đến nay, điều này vẫn chưa xảy ra”.
Trung Quốc có thể sử dụng luật chống độc quyền để tác động vào hoạt động của doanh nghiệp và các ngành công nghiệp mà Trung Quốc không có thị phần lớn. “Điện tử có thể là một lựa chọn và bất cứ lĩnh vực nào khác liên quan đến máy vi tính - một lĩnh vực mà các doanh nghiệp Trung Quốc đã phải vật lộn... để bắt kịp Mỹ. Chính phủ Trung Quốc có thể tìm cách giảm bớt vai trò và tầm ảnh hưởng của Mỹ trong lĩnh vực này”, ông Christopher cho biết.
Nếu Mỹ tiếp tục thận trọng đưa ra các biện pháp trừng phạt, thì Trung Quốc có thể sẽ có các hành động tương tự. Ngoài công nghệ, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khác cũng trong diện rủi ro cao, chuyên gia Ngân hàng đầu tư Wells Fargo nhận định.
Trung Quốc vẫn cam kết với thực hiện thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trong báo cáo trình bày trước Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC, tức Quốc hội) tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ hướng đến tự do hóa thương mại và đầu tư toàn cầu. Đặc biệt, ông Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ phối hợp với Mỹ thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Trong khi đó, Thượng viện Mỹ tuần trước thông qua dự luật có thể “hất cẳng” các công ty niêm yết của Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán Mỹ. Theo dự luật này, các công ty niêm yết sẽ phải xác nhận họ không thuộc sở hữu hoặc không bị kiểm soát bởi chính phủ nước ngoài.
Các nhà phân tích dự đoán, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đến gần, ông Trump có thể sẽ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và đối thủ của ông Trump - cựu Phó Tổng thống Joe Biden - cũng sẽ thể hiện quan điểm “tiêu cực” với Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc trở thành mối lo ngại ngày càng lớn của cử tri Mỹ. Trong khi đó, Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách bảo vệ công nghệ của mình.
Cổ phiếu công nghệ sẽ hứng đòn
Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang khiến các công ty công nghệ đối diện nhiều rủi ro hơn. Peter Boockvar, chuyên gia tư vấn đầu tư cao cấp của Tập đoàn tư vấn tài chính Bleakley Advisory Group cho rằng, giới đầu tư không muốn thấy cảnh 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đối đầu nhau, chưa cần biết ai đúng và ai sai.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ đạt tăng trưởng tốt trong năm qua mà khách hàng lớn của ngành này là Trung Quốc, khi mà nước này đang tìm đường xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình.
Các hành động mà Mỹ nhằm vào Tập đoàn Huawei của Trung Quốc cho thấy Mỹ đang nỗ lực hãm đà lớn mạnh của doanh nghiệp này cũng như ngành bán dẫn nói chung. Hơn 1 năm qua, Mỹ đã hạn chế cung ứng hàng hóa cho Huawei vì cáo buộc Huawei có liên quan đến hoạt động gián điệp mạng.
Đầu tháng này, Mỹ đã mạnh tay hơn khi bổ sung thêm các quy định nhằm vào hoạt động sản xuất chip của Huawei. Đối phó với tình hình trên, Trung Quốc đang đẩy nhanh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình để cung cấp đầu vào cho gã khổng lồ viễn thông Huawei.
Không có nhiều bất ngờ trong các động thái của ông Trump. Nhưng theo ông Peter Boockvar, điều bất ngờ có lẽ là việc truyền thông Trung Quốc rủ nhau khuyến cáo người dân “đừng mua iPhones” và điều này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Trong trường hợp này, các nhà phân tích cho rằng cổ phiếu Apple có khả năng bị thiệt hại nặng vì phần lớn doanh thu của hãng này đến từ Trung Quốc và các cơ sở sản xuất đều nằm ở nước này. Tuy nhiên, có hàng trăm ngàn lao động Trung Quốc đang làm việc tại các đối tác của Apple và đây là có thể là trụ đỡ có thể giúp Apple tránh được những đòn trả đũa mà Trung Quốc nhằm vào Mỹ.
Các chuyên gia của Tập đoàn JP Morgan trở nên "chùn tay" đưa ra dự báo mức tăng giá cho cổ phiếu, nhất là cổ phiếu công nghệ trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và sức phục hồi yếu ớt của các nền kinh tế khi mở cửa trở lại.
Trong trường hợp xấu nhất, quan hệ Mỹ-Trung đổ vỡ sẽ ảnh hưởng nặng nề đến chứng khoán. “Sự sụp đổ hoàn toàn chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế, chủ yếu là giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ và Trung Quốc) sẽ nhấn chìm các giao dịch cổ phiếu”, các chuyên gia JPMorgan cảnh báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận