Cần trung hòa lượng tiền bơm ra thị trường
Với gói tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội lớn chưa từng thấy, cần phải trung hòa được lượng tiền bơm ra thị trường để kiểm soát lạm phát.
Với 350.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường để hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, theo ông, lạm phát năm 2022 có giữ được ở mức 4% như mục tiêu đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2 không?
Rất khó dự đoán, mặc dù việc kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay có một số thuận lợi. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, CPI đều dưới 4%; xuất siêu liên tục kể từ năm 2012 (ngoại trừ năm 2015) giúp ổn định được tỷ giá, dự trữ ngoại hối ở mức cao, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa để Chính phủ kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, giá nguyên - nhiên - vật liệu trên thị trường thế giới năm qua đã tăng quá cao, đặc biệt là giá xăng dầu (tăng tới 59%), nên năm nay khó có thể tăng mạnh. Ngay cả hàng hóa phi nhiên liệu, năm 2021 đã tăng 26,7%, nếu năm nay có tăng do kinh tế thế giới phục hồi, thì tốc độ tăng cũng không còn cao nữa.
Như vậy, có nhiều yếu tố hỗ trợ cho việc kiểm soát CPI năm 2022 dưới 4%, nhưng nếu việc triển khai gói tài khóa, tiền tệ vừa được Quốc hội thông qua chỉ đạt hiệu quả thấp, thì sẽ gây áp lực lớn lên lạm phát.
Đến nay, các biến thể mới của Covid-19 vẫn là ẩn số khó lường. Trong trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới khó phục hồi mạnh, khiến giá cả hàng hóa là đầu vào không tăng cao; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước cải thiện hơn năm 2021, nhưng không có đột biến, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6 - 6,5%, thì CPI năm 2022 sẽ tăng khoảng 2,5 - 3%.
Ở kịch bản ngược lại, nhiều khả năng CPI năm 2022 sẽ vượt 4%.
Theo tính toán, nếu không thực hiện gói tài khóa kể trên, tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt khoảng 6 - 6,5%; còn khi “tung ra” 350.000 tỷ đồng, GDP tăng thêm khoảng 2,9% so với kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng, nhu cầu đầu tư và chi tiêu của cả Chính phủ, doanh nghiệp, người dân tăng, thì lạm phát rất khó lường nếu không quyết liệt kiểm soát ngay từ đầu năm.
Nhưng, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát lạm phát, nên cũng không quá lo lắng, thưa ông?
Năm 2011, lạm phát ở nước ta lên tới 18,58%, song từ năm 2012 đến nay, việc kiểm soát được thực hiện khá hiệu quả, nên lạm phát giảm dần và từ năm 2015 trở lại đây, CPI đều dưới 4%.
Những kinh nghiệm kiểm soát lạm phát trong thời gian qua sẽ tiếp tục được phát huy, nhưng năm nay có sự khác biệt, đó là gói tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội lớn chưa từng thấy được tung ra. Vì vậy, ngoài thực hiện các giải pháp kiểm soát lạm phát thông thường như mọi năm, cần phải trung hòa được lượng tiền bơm ra thị trường. Lượng tiền bơm ra bao nhiêu phải có khối lượng hàng hóa, dịch vụ có trị giá tương ứng, vì nếu tiền nhiều hơn hàng hóa, dịch vụ, thì sẽ gây ra lạm phát.
Năm 2021, Hoa Kỳ ghi nhận lạm phát tăng gần 7% và là mức tăng cao nhất kể từ năm 1982; EU và nhiều nền kinh tế phát triển khác cũng ghi nhận chỉ số lạm phát cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân chính là chính phủ các quốc gia tung ra gói tài khóa, tiền tệ khổng lồ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau khi suy thoái vào năm 2020. Tiền bơm ra nhiều, nhưng hàng hóa, dịch vụ làm ra có giá trị thấp hơn, nên đã dẫn đến lạm phát.
Năm 2021 đã xảy ra nghịch lý là, giá thành sản xuất tăng, nhưng giá bán rất nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, không tăng, thậm chí giảm. Nhiều chuyên gia lo ngại, năm 2022, khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp sẽ tăng giá bán, đẩy lạm phát lên cao. Ông nghĩ sao về điều này?
Về nguyên tắc, khi giá thành sản xuất tăng, doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm, nhưng năm 2021, do sức cầu khá yếu, rất nhiều doanh nghiệp chấp nhận thiệt về mình, khuyến mại, hạ giá để kích cầu tiêu dùng.
Chính vì vậy, khi sức cầu phục hồi nhờ tăng tưởng kinh tế, doanh nghiệp sẽ đưa chi phí vào giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, khiến mặt bằng giá tăng lên. Khả năng này chắc chắn xảy ra khi cầu phục hồi, nhưng tôi nghĩ không đáng lo ngại, vì người tiêu dùng mới có quyền quyết định giá của sản phẩm, nếu tăng giá quá cao, thì người tiêu dùng sẽ giảm nhu cầu.
Hơn nữa, gói tài khóa, tiền tệ vừa được Quốc hội thông qua có cả giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế, duy trì lãi suất cho vay thấp…, tạo điều kiện giảm giá thành sản xuất, nên không lo doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm.
Thông thường, với các nền kinh tế phát triển, lạm phát khoảng 2 - 2,5% thì mới kích thích tăng trưởng kinh tế; còn với các nền kinh tế đang phát triển, thì mức lạm phát khoảng 5 - 6%. Theo ông, mức lạm phát của Việt Nam khoảng 4% đã hợp lý chưa?
Về lý thuyết thì như vậy, nhưng thực tế mỗi nước mỗi khác. Với Việt Nam, mức lạm phát khoảng 4% là hợp lý.
Lý do là, mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng giảm khá mạnh trong 2 năm qua, nhưng vẫn còn rất cao so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Vì vậy, nếu đặt mục tiêu lạm phát 5 - 6%, sẽ không thể hạ lãi suất cho vay vì phải tăng lãi suất huy động. Lãi suất huy động tăng sẽ khiến lãi suất cho vay tăng, giá thành sản xuất tăng, lạm phát gia tăng và cuộc chiến chống lạm phát rơi vào vòng luẩn quẩn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận