Cẩn trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Các chuyên gia đánh giá tiềm năng phát triển thị trường trái phiếu trong năm 2022 vẫn còn, tuy nhiên sẽ không đạt được mức độ tăng trưởng ấn tượng như năm trước.
Tại Talkshow Phố Tài chính tối ngày 4/4, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) và bà Ngô Thị Thùy Linh, Chủ tịch CTCK Smart Invest (AAS) cho rằng cần nêu cao vai trò của nhà tư vấn phát hành lẫn nhà tư vấn đầu tư để hạn chế các rủi ro khi tham gia thị trường trái phiếu.
Ông/bà đánh giá thế nào về thị trường trái phiếu trong quý I/2022?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Trong quý I vừa qua, đối với thị trường trái phiếu Chính phủ, tổng khối lượng phát hành ước tăng hơn 10% so với kế hoạch đặt ra với hơn 40.000 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành chủ yếu là 10 hoặc 15 năm. Về trái phiếu doanh nghiệp, theo thống kê cũng ước đạt hơn 40.000 tỷ đồng, tăng khoảng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chiếm trên 40% và của các tổ chức tín dụng chiếm hơn 20%. Đặc biệt, khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ vẫn chiếm trên 77,8%. Ngoài ra, lãi suất của thị trường trái phiếu Chính phủ và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý I/2022 đều có áp lực tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 do lo ngại lạm phát.
Bà Ngô Thị Thùy Linh: Nói về thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp thì xu hướng chung vẫn tăng trưởng tốt. Nhóm khách hàng mua trái phiếu cũng ngày càng đa dạng hơn từ các định chế tài chính đến các doanh nghiệp và các cá nhân, đặc biệt khách hàng đến từ các tỉnh cũng tăng lên. Chúng ta thấy rằng thị trường trái phiếu ngày càng phát triển mạnh, đóng góp vào doanh thu của các công ty chứng khoán lên đến 60-70%. Riêng trong quý I/2022, tốc độ tăng trưởng về phát hành của doanh nghiệp vẫn khá tốt nhưng về việc bán có chút chậm lại.
Thực tế Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đã giúp cho thị trường trái phiếu lành mạnh hơn, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc tiếp tục sửa đổi Nghị định 153 trong thời gian tới? Ý kiến của ông/bà về vấn đề này như nào?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Nghị định 153 là một bước trong quá trình phát triển về chiều sâu của thị trường trái phiếu Việt Nam nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Trong giai đoạn vừa qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo phương thức riêng lẻ bùng nổ khi nền kinh tế có sự phát triển vượt bậc, nhu cầu vốn tăng lên, đồng thời nhu cầu đầu tư của các loại hình nhà đầu tư tăng lên mạnh mẽ, đa dạng hóa các kênh đầu tư. Như vậy, ở cả đầu cung lẫn ở đầu cầu đều có sự tăng trưởng.
Từ năm 2019 trở về đây, lượng phát hành trái phiếu thành công của doanh nghiệp bắt đầu vượt so với khối lượng phát hành trái phiếu thành công của Chính phủ. Thậm chí năm 2021 khối lượng phát hành thành công của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 658.000 tỷ, tăng gấp đôi so với tổng khối lượng trái phiếu phát hành thành công của thị trường trái phiếu Chính phủ. Trong đó, có trên 95% là phát hành theo hình thức phát hành riêng lẻ. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cũng thấy rằng đang có những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro đối với các nhà đầu tư và cần phải có những điều chỉnh để nâng cao về mặt chất lượng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là theo phương thức riêng lẻ.
Việc chúng ta siết lại Nghị định 153 trong thời gian vừa qua là một bước định hướng để chuyển từ phát triển về lượng sang phát triển về chất. Đó là bước chuyển về mặt chính sách cần thiết và tất yếu vì trong quá trình phát triển cần liên tục tạo ra các động lực và mặt khác là quản lý rủi ro một cách hợp lý.
Tuy nhiên, thông thường ở thị trường quốc tế thì trái phiếu phát hành ra công chúng có tiêu chuẩn và chuẩn mực phải cao hơn trái phiếu phát hành riêng lẻ. Nhưng đến nay thì chúng ta đang đưa ra các dự thảo sửa đổi Nghị định 153 theo hướng thắt chặt hơn nữa, thậm chí có những điều khoản và điều kiện còn chặt hơn cả trái phiếu phát hành theo phương thức ra công chúng. Chính vì vậy, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam đã phản ánh kịp thời với các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và Bộ tài chính nói riêng để có những cân nhắc và xem xét điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ phải nghiên cứu thông lệ thị trường quốc tế, từ các thực tiễn phản ánh của thị trường, họ cũng cần có những phép thử trong từng giai đoạn để tìm ra điểm dừng của chính sách hợp lý.
Bà Ngô Thị Thùy Linh: Về phía góc độ nhà tư vấn cho các doanh nghiệp, các tổ chức phát hành và cho các nhà đầu tư, tôi đánh giá Nghị định 153 sẽ nâng cấp thị trường trái phiếu của Việt Nam minh bạch hơn, sàng lọc về chất lượng hơn. Về dài hạn chính sách này sẽ hạn chế các rủi ro về trái phiếu cho nhà đầu tư.
Thực tế, khi đứng trên góc độ nhà tư vấn, chúng tôi luôn đánh giá sơ bộ về việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng vào mục đích gì, có tài sản đảm bảo như thế nào và liệu dòng tiền của doanh nghiệp có đủ thanh toán cho nhà đầu tư trong tương lai hay không? Theo tôi nên đưa một quy định thêm về điều kiện sàng lọc về vấn đề tư vấn hoặc quản lý của các đại lý phát hành.
Thực tế vẫn xảy ra trường hợp doanh nghiệp sau khi phát hành trái phiếu lại sử dụng vốn sai mục đích hoặc không hiệu quả, gây rủi ro cho nhà đầu tư. Theo ông/bà đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Bà Ngô Thị Thùy Linh: Theo tôi, nên ràng buộc thêm về các tiêu chí liên quan đến đơn vị tư vấn hoặc bắt buộc có đơn vị bảo lãnh, để tăng cường chất lượng trái phiếu, đảm bảo được thanh khoản cho trái phiếu đó, vì trên thị trường có đến 40% trái phiếu phát hành đến từ các doanh nghiệp bất động sản. Nhưng dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản không được ổn định như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác. Còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất khác thì tài sản đảm bảo của họ cũng hạn chế. Tóm lại, tuỳ vào khẩu vị của nhà đầu tư nhưng cũng cần nêu cao vai trò của nhà tư vấn phát hành lẫn nhà tư vấn đầu tư để hạn chế các rủi ro cho họ khi tham gia thị trường trái phiếu Việt Nam.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Với trình độ phát triển của thị trường Việt Nam hiện nay, chúng ta cần nhanh chóng đưa các công ty xếp hạng tín nhiệm có chất lượng đi vào hoạt động. Chính phủ đã ban hành nghị định 88 về việc quản lý hoạt động của các công ty định hạng tín nhiệm, đến thời điểm này có hai công ty được cấp phép tại TP.HCM và Hà Nội. Hai công ty cũng đã cung cấp các dịch vụ định hạng tín nhiệm trong nước cho các doanh nghiệp, còn về chất lượng của việc xếp hạng tín nhiệm sẽ cần có thời gian để thị trường đánh giá.
Tôi cho rằng quy hoạch của Chính phủ có thể tối đa từ ba đến năm công ty định hạng tín nhiệm trong nước trong thời gian tới đây sẽ được thành lập. Điều này sẽ tạo sự cạnh tranh, không có tình trạng độc quyền dẫn tới chất lượng của định hạng tín nhiệm thấp.
Thị trường trái phiếu sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Tôi cho rằng, tiềm năng phát triển thị trường trái phiếu vẫn còn. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn cần có những điều chỉnh về mặt chính sách để phát triển từ lượng chuyển sang chất. Thị trường trái phiếu là công cụ nợ dài hạn và nó sẽ rất nhạy cảm với lạm phát. Trong năm nay mặc dù có thể thị trường tiếp tục tăng trưởng, nhưng lãi suất khả năng có xu hướng sẽ tăng lên so với năm trước khi mà các áp lực lạm phát thể hiện rõ hơn.
Bà Ngô Thị Thùy Linh: Năm nay so với năm 2021 có lẽ sẽ không đạt được mức độ tăng trưởng ấn tượng. Một số nguyên nhân là do năm nay FED đã tăng lãi suất và lãi suất toàn cầu hầu như cũng đã tăng, điều này làm hạn chế dòng tiền gián tiếp. Bên cạnh đó, lãi suất trong nước cũng sẽ tăng do lạm phát và nhu cầu tín dụng cũng tăng lên, dẫn đến nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trái phiếu cũng sẽ không có mức tăng trưởng như năm ngoái.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận