Cần thiết kế các chính sách một cách cẩn trọng
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, vấn đề quản trị, phối hợp điều hành thực hiện cả chống dịch lẫn đời sống kinh tế - xã hội trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề. Đó cũng là bài học kinh nghiệm cho các chính sách mới trong giai đoạn tới.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đón đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng tích cực và tốc độ tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 đang được đẩy nhanh.
Ông Jacques Morisset, chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã nhận định, Việt Nam đã chuyển từ vị trí một ngôi sao xuống dưới mức trung bình trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021.
Sau một thời gian dài chống chọi với bốn đợt dịch mà nặng nề nhất là đợt dịch lần thứ tư, hầu hết doanh nghiệp đã rơi vào trạng thái khó khăn, cạn kiệt nguồn lực. Đợt dịch lần này đã tấn công đến các doanh nghiệp quy mô lớn chứ không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhìn sâu vào từng cá nhân, đời sống của hàng chục triệu người dân bị ảnh hưởng, kinh tế gia đình lại cạn kiệt.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, vấn đề quản trị, phối hợp điều hành thực hiện cả chống dịch lẫn đời sống kinh tế - xã hội trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề. Đó cũng là bài học kinh nghiệm cho các chính sách mới trong giai đoạn tới.
Cụ thể, bà Lan cho rằng, cần thiết kế các chính sách một cách cẩn trọng, tham vấn đầy đủ và có tính liên kết giữa các ngành. Chẳng hạn, ngành y tế đưa ra chủ trương mới nhưng không quan tâm đến các lĩnh vực khác nên gây khó không chỉ cho kinh tế mà các hoạt động khác nếu muốn trở lại trạng thái bình thường mới.
Bà Lan cũng nhấn mạnh, bình thường mới không chỉ đối với riêng kinh tế mà còn là bình thường mới trong sinh hoạt của người dân. Trong một sự kiện với chủ đề không thể sống mãi trong phong toả, chuyên gia này từng cho rằng phải xác định tinh thần sống chung với dịch song song với kiểm soát dịch không để lây lan. Trong đó, việc tập trung cứu chữa một nhóm bệnh nhân là rất quan trọng nhưng cũng cần quan tâm đến hàng vạn người khác vẫn đang phải kiếm kế sinh nhai mỗi ngày.
Thời gian qua đã có nhiều hiến kế để cứu doanh nghiệp nhưng cũng cần có các chính sách hướng đến đối tượng kinh tế hộ gia đình đang đóng vai trò cung cấp các dịch vụ dân sinh gần gũi với người dân và góp sức lan toả các sản phẩm của các doanh nghiệp đến sâu từng ngõ hẻm.
Các chính sách được đưa ra cũng cần đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn và đánh giá các vấn đề có thể xảy ra. Bà Lan lấy giáo dục là một ví dụ điển hình.
Các biện pháp phong toả thời gian qua có phần cực đoan, nhiều huyện cách xa trung tâm thành phố không gặp vấn đề về dịch bệnh nhưng vẫn áp dụng hình thức học trực tuyến. Trong khi đó, nhiều gia đình nghèo không có phương tiện hay kỹ năng để hỗ trợ con em.
“Điều này có thể thông cảm trong thời gian qua nhưng khi làm các chính sách trong thời gian tới, cần bình tĩnh và lắng nghe đầy đủ hơn từ các chuyên gia ở những lĩnh vực khác nhau, tránh để gây nên các vấn đề cực đoan”, bà Lan nói trong hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt Covid-19 do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức cuối tuần trước.
Theo vị chuyên gia kinh tế này, việc phân cấp, phân quyền là đúng nhưng cần làm rõ phạm vi quyền hạn, nghĩa vụ thực hiện và giao thời hạn thực hiện các chính sách để tránh xảy ra tình trạng lạm quyền hoặc không thực hiện vì sợ trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
“Như TP.HCM rút bao nhiêu kinh nghiệm mà Hà Nội còn để xảy ra câu chuyện phải trình 10 loại giấy tờ khác nhau để xin được một giấy phép đi đường, lệnh ra thứ Sáu nhưng áp dụng thứ Hai kiểu đánh úp”, bà Lan nói.
Bà Lan cũng cho rằng, cần rà soát lại đội ngũ cán bộ, kể cả các cấp địa phương, xử lý thẳng những người vi phạm, gây ảnh hưởng lớn, còn thể hiện yếu kém hoặc cố tình lạm quyền gây khó cho người dân. Song song với đó là đưa người có năng lực vào thay thế, biểu dương các tấm gương tốt, trừng trị cái xấu.
Đáng chú ý, phục hồi kinh tế phải đi liền với phát triển công nghệ, chuyển đổi số. Việc phục hồi không chỉ phục hồi về trạng thái cũ mà phải có màu sắc mới, rút kinh nghiệm từ các sự cố đã xảy ra trước đây, nhất là trong vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bà Lan lưu ý, thời gian tới, cần có các bộ thông tin chung được chia sẻ trên phạm vi toàn quốc cho các cấp, các cơ quan để phối hợp hành động cũng như để người dân và doanh nghiệp biết cách hành xử. Việc chuyển đổi số đã được hô hào nhiều năm nay nhưng còn mang tính phân mảnh, không chia sẻ và kết nối dữ liệu nên các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cũng cần được phát huy không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn cả trong y tế, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bà Lan đề xuất thêm, cần có chính sách về đất đai cho doanh nghiệp để doanh nghiệp góp sức cùng địa phương giải quyết vấn đề nhà ở và nâng cao chất lượng sống cho người lao động, đặc biệt tại các địa phương có lượng lớn người nhập cư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận