Cần thay đổi tư duy về công tác quản lý vàng
“Để thay đổi được Nghị định 24 thì NHNN cần thay đổi tư duy về công tác quản lý vàng. Nếu NHNN vẫn áp dụng tư duy nhận thức cũ để quản lý thị trường vàng thì sẽ rất khó để thành công…”.
Đây là quan điểm của chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long xung quanh bài toán quản lý thị trường vàng hiện nay.
Kinh doanh vàng hình thành “thị trường ngầm”
Theo đó, tại báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ, khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.
Có ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành thị trường ngầm, không có sự kiểm soát, thống kê của Nhà nước.
Cạnh đó, hoạt động giao dịch vàng, ngoại tệ có quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát, nhất là hành vi ưa thích vàng ngày càng gia tăng. Ủy ban Kinh tế dẫn số liệu từ Hội đồng vàng thế giới (WGC, 2023) cho thấy ở Việt Nam, 81% nhà đầu tư từng đầu tư vào vàng và cho biết họ sẽ xem xét đầu tư vào vàng một lần nữa, chỉ số này cao hơn Trung Quốc (72%), Ấn Độ (67%) và toàn cầu (45%).
Tính riêng trong năm 2022, Việt Nam tiêu thụ 43 tấn vàng, tăng 37% so với năm 2021, cao nhất khu vực ASEAN.
Tình hình phức tạp là vậy nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp, có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường. Ủy ban Kinh tế dẫn nhận định từ Bộ Công an, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng vào Việt Nam, gia tăng hoạt động tội phạm, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng an ninh tiền tệ, nhất là các tỉnh biên giới.
Vẫn theo báo cáo giám sát, buôn lậu vàng và ngoại tệ ngày càng gia tăng trong vài năm trở lại đây. Các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ có quy mô lớn, thu giữ hàng chục tấn vàng và nhiều tài sản, tiền USD.
Điển hình như chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh), đã khởi tố 18 bị can về tội buôn lậu. Tang vật thu giữ gồm 198 kg vàng, 59 cây vàng, gần 2,9 triệu USD; gần 27 tỉ đồng và các phương tiện, thiết bị. Tổng trị giá thu giữ được tương đương gần 250 tỉ đồng. Tiếp tục mở rộng điều tra, cơ quan tố tụng xác định chỉ tính riêng trong 2 tháng 8 và 9/2022, các đối tượng đã nhập lậu hơn 4 tấn vàng.
Cần thay đổi tư duy để quản lý
Chia sẻ quan điểm về giải pháp quản lý thị trường vàng, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thời gian qua, giá vàng trong nước chênh lệch so với vàng thế giới đi từ việc hai thị trường này không liên thông với nhau, bởi NHNN không nhập khẩu vàng nên trở thành bình không thông nhau. NHNN chính là cái van để chặn giữa các bình thông nhau.
Ngoài ra, giá vàng trong nước liên tục neo cao có thể bị tác động những yếu tố khác: như tâm lý sợ lạm phát của người Việt, người ta nhìn giá vàng như đoán định tình hình lạm phát, tâm lý lo ngại lạm phát lên cao mua vàng để đảm bảo tài sản.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trên thế giới có những Ngân hàng Trung ương (NHTW) quản lý thị trường vàng, nhưng đa phần các nước tiên tiến chỉ quản lý chính sách tiền tệ, vàng được xem là các sản phẩm không phải tiền tệ, cần có cơ quan ngoài chính sách quản lý tiền tệ để quản lý thị trường vàng.
Ông Hiếu cho rằng, NHNN cần xem xét để cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng nhập khẩu, tăng nguồn cung cho thị trường vàng. Có thể tháo gỡ nhãn hiệu SJC, để nhãn hiệu này không còn độc quyền và để các sản phẩm trên thị trường vàng có sự bình đẳng. Khi số lượng đáp ứng nhu cầu chắc chắn thị trường vàng đi vào sự ổn định.
Cũng theo vị chuyên gia, để giải quyết được căn nguyên vấn đề, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng sàn giao dịch vàng trong đó giao dịch mua bán thể hiện rõ trên thị trường như chứng khoán, từ đó người dân nhận định đúng thực tế sẽ giảm bớt cơn sốt vàng, giảm bớt hiện tượng tâm lý đám đông xô nhau đi mua vàng…
“Bên cạnh đó giao dịch vàng lớn phải qua chuyển khoản bởi các giao dịch vàng sử dụng tiền mặt sẽ không để lại dấu vết sẽ khó thu thuế hay tìm được tội phạm rửa tiền. Do đó, những giao dịch 100 triệu đồng phải chuyển khoản để lại dấu vết. Tất cả những giao dịch vàng cần phải đóng thuế, vì hiện tại người mua bán vàng trên thị trường không phải đóng thuế...”, vị chuyên gia nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long cho rằng, để tăng cung vàng ra thị trường nhằm kéo giá vàng tiệm cận với giá thế giới thì các cơ quan quản lý cần cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia, trong Nghị định 24 lại quy định các doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng. Vậy rõ ràng, biện pháp tiên quyết là các cơ quan quản lý phải sửa ngay Nghị định 24 để cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng.
“Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh thì để họ tự hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng (tuổi vàng), trọng lượng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp khi đã đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu cùng tồn tại thay vì độc quyền", ông Long nói thêm.
TS. Ngô Trí Long cũng lưu ý, để thay đổi được Nghị định 24 thì NHNN cần thay đổi tư duy về công tác quản lý vàng. “Nếu NHNN vẫn áp dụng tư duy nhận thức cũ để quản lý thị trường vàng, theo kiểu tư duy của Nghị định 24 để dùng cho Nghị định mới thì sẽ rất khó để thành công”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận