Cần sớm lập sàn giao dịch lĩnh vực kinh doanh xăng dầu
Nhiều thương nhân phân phối cùng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vừa gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng nêu loạt bất cập trong kinh doanh xăng dầu vì chưa được Bộ Công Thương tiếp thu, chỉnh sửa trong dự thảo nghị định mới về lĩnh vực này gây khó cho hoạt động kinh doanh.
Các doanh nghiệp phân phối muốn được mua hàng từ nhiều nguồn
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu cho biết họ bị "bỏ quên" khi Bộ Công Thương xây dựng Nghị định hoàn toàn mới về kinh doanh xăng dầu.
Theo cộng đồng thương nhân phân phối xăng dầu, hệ thống và mô hình quản lý, vận hành thị trường xăng dầu hiện tại vẫn tiềm ẩn các rủi ro về bảo đảm an ninh năng lượng. Do đó, cần thiết phải có sự cải cách về tư duy, quan điểm tiếp cận và các giải quyết vấn đề.
"Có thể rút ra bài học từ thị trường viễn thông trước đây và thị trường điện vừa qua, điểm đột phá về chính sách quản lý đã và đang diễn ra là tự do hóa kinh doanh theo hướng cạnh tranh, giảm dần vai trò trụ cột và thống lĩnh của một hoặc một vài doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu", vị đại diện cộng đồng thương nhân phân phối xăng dầu nói.
Cũng theo cộng đồng thương nhân phân phối xăng dầu, cần tự do hóa, không phân loại, phân biệt đối xử, trong trọng quyền tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp trong việc lựa chọn hình thức tổ chức, địa bàn, quy mô, đối tác kinh doanh và hình thức cung ứng dịch vụ trên cơ sở luật định.
"Cần bỏ sự phân cấp, phân loại thương nhân kinh doanh xăng dầu, thay vào đó cho các thương nhân có quyền tự do kinh doanh, bình đẳng, miễn đáp ứng được các điều kiện kinh doanh theo luật định. Các doanh nghiệp phân phối được mua hàng từ nhiều nguồn, bao gồm cả nhà sản xuất xăng dầu.
Đối với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cần chia tách thành 2 đơn vị độc lập (nhập khẩu và phân phối, bán lẻ) để tránh thao túng và lũng đoạn thị trường như kết luận Thanh tra Chính phủ từng chỉ ra hồi tháng 1.2024", đại diện cộng đồng thương nhân phân phối xăng dầu nói.
Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu nên xem xét bãi bỏ một số vấn đề bất cập khác liên quan đến quy định về điều kiện cấp phép, về phòng cháy chữa cháy, các quy định về bảo vệ môi trường gây cản trở, ảnh hưởng và tốn kém cho doanh nghiệp khi nhiều thủ tục bị đánh giá không cần thiết.
Việc doanh nghiệp bán lẻ được ký lấy từ nhiều nguồn cũng đặt ra vấn đề mới về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, cơ quan quản lý cần quy định cụ thể mức trách nhiệm của từng khâu trong đo lường, chất lượng xăng dầu.
Cần thiết có sàn kinh doanh xăng dầu
Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội cho biết, để thị trường xăng dầu hoạt động một cách công khai, minh bạch nhất - nên thành lập sàn giao dịch.
Việc này sẽ tạo ra một thị trường lành mạnh hoạt động giao dịch đúng theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán, không ai ép ai, ở đâu rẻ và thuận tiện thì mua. Giá cả giao dịch bán buôn, bán lẻ do doanh nghiệp tự tính toán, lời ăn, lỗ chịu. Không còn theo kiểu xin cho, không còn áp chiết khấu, giá trần định mức, không có giá cơ sở. Đoạn tuyệt luôn với Quỹ bình ổn bằng tiền của dân vì hoạt động không hiệu quả.
"Việc này cũng triệt tiêu được các nhóm lợi ích thao túng thị trường xăng dầu như hiện nay. Loại bỏ cơ chế xin cho, thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển. Thành lập sàn giao dịch cũng giúp cơ quan quản lý được chất lượng hàng hoá, quản lý được hàng lậu, hàng lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng trôi nổi của xăng dầu", ông Phú nói.
"Khi thành lập sàn thì tất cả doanh nghiệp kinh doanh đều phải giao dịch ở đó, kể cả hai nhà máy lọc dầu trong nước cũng phải tham gia vào sàn để giao dịch chứ không có ngoại lệ. Khi tham gia vào sàn các doanh nghiệp cần cân đối để hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhất, không thể trực chờ vào “bầu sữa” của Nhà nước", ông Phú cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận