Cần sớm ‘cởi trói’ tín dụng để doanh nghiệp huy động vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam
Dự kiến 8 dự án PPP sẽ hoàn thiện giải phóng mặt bằng (GPMB) trong quý I/2020, việc thi cũng bắt đầu vào đầu năm nay và cơ bản hoàn thành trong năm 2021. Trong khi ngân hàng nhà nước đang siết tín dụng đối với các dự án BOT, BT, vậy các nhà đầu tư trong nước sẽ huy động nguồn vốn thế nào?
Chính sách đặc thù về huy động vốn
Trao đổi với Nhadautu.vn, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho hay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã có những hành động cụ thể để giúp doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án được ưu đãi về lãi suất khi vay vốn.
Bên cạnh đó, ông Thủy còn cho biết, Bộ GTVT đã kiến nghị Quốc hội chấp thuận quy định trong hợp đồng dự án, tiến độ huy động vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ triển khai dự án theo quy định tại Nghị định 15/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP.
Liên quan đến việc tìm nguồn vốn để đầu tư các dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn phía Đông, Bộ GTVT đã đề xuất, kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến huy động vốn, lãi suất vốn vay và lợi nhuận của nhà đầu tư...
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP) Bộ GTVT, trước tiên, cơ chế, chính sách huy động vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án cần phải có những thay đổi so với quy định hiện hành. Các dự án đầu tư hạ tầng phần vốn chủ sở hữu rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong Luật Doanh nghiệp quy định, chủ sở hữu hoặc các cổ đông đều phải góp, thanh toán đủ trong vòng 90 ngày hoặc ngắn hơn kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
“Thực tế, nếu huy động vốn chủ sở hữu theo quy định này, một lượng vốn rất lớn đã huy động trong tài khoản của doanh nghiệp dự án nhưng chưa được sử dụng dẫn tới lãng phí nguồn lực và không phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Huy nói.
Ông Nguyễn Viết Huy cũng chỉ rõ bất cập về cách tính lãi suất vốn vay để tính toán phương án tài chính của các dự án BOT thời gian qua. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính, mức lãi suất vốn vay không quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất phát hành TPCP có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới phương thức đấu thầu trong thời gian 3 tháng trước thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, thực tế mức lãi suất cho vay dài hạn của các ngân hàng thương mại đều cao hơn mức lãi suất quy định tại Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính.
Cần sự minh bạch trong quá trình đầu tư dự án
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4 cho biết, lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư quy định trong thời gian qua bị khống chế ở mức 11,5% là quá thấp.
“Lợi nhuận phải được điều chỉnh tăng lên ít nhất là 14% mới có thể thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án BOT trên cao tốc Bắc - Nam”, ông Huỳnh nói.
Theo ông Huỳnh, nếu áp dụng theo quy định Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính, chẳng doanh nghiệp nào vay được vốn tín dụng để đầu tư vào cao tốc Bắc - Nam. Lãi suất phải thả nổi để thị trường quyết định, không thể chốt cứng như Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính. "Tôi cho rằng, việc tính lãi suất vốn vay căn cứ vào lãi suất bình quân của 3 ngân hàng thương mại Nhà nước như kiến nghị của Bộ GTVT là phù hợp", ông Huỳnh kiến nghị.
Thừa nhận đến nay vẫn chưa có tuyến đường bộ cao tốc nào được đầu tư tổng thể theo hình thức PPP đúng nghĩa, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng, đề án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đang trình Chính phủ là theo hình thức PPP. Các dự án đầu tư theo hình thức PPP, nhất là đường bộ cao tốc cần nguồn vốn rất lớn, thu hồi vốn dài, có khi đến vài chục năm. Do đó, vai trò hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng, nếu không rất khó thu hút vốn.
“Các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia rất cần sự minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư dự án. Ngoài ra, để đảm bảo nhà đầu tư huy động đủ vốn chủ sở hữu (theo quy định là khoảng 14%), đây là con số rất lớn nên các nhà đầu tư cũng phải chịu rất nhiều rủi ro, trong đó có cả rủi ro về lãi suất. Vì vậy, cơ chế cho vay cũng cần phải được đảm bảo, để nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Những rủi ro của nhà đầu tư phải được giải quyết một cách thấu đáo, mới huy động được các nhà đầu tư tham gia đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp tới", ông Mai Tuấn Anh phân tích.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) khẳng định, đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư có thể chấp nhận, nhưng mạo hiểm về chính sách thì sẽ không ai dám làm. “Nếu lợi nhuận dưới 15% sẽ không nhà đầu tư nào dám làm đường cao tốc. Trong khi đó, các nhà đầu tư Việt Nam hiện nay đang cố gắng lấy công làm lãi hoặc Nhà nước cần đầu tư xây dựng nên cố gắng đầu tư và gặp rất nhiều khó khăn", ông Tỉnh nói.
Bộ GTVT xác định trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ xây dựng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần. Trong đó, 8 dự án thành phần theo hình thức BOT (các đoạn: Ninh Bình - Hà Tĩnh, Khánh Hòa - Đồng Nai), còn 3 dự án thành phần sẽ có hình thức đầu tư công.
Theo tính toán của Bộ GTVT, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 – 2020 sẽ vào khoảng 118.716 tỷ đồng, theo mặt bằng giá quý II - 2017. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng, bao gồm 14.155 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng, 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP, 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công. Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận