Cần quy định giá ra sao với hàng không giá rẻ?
Liên quan đến lĩnh vực hàng không, bên cạnh giá trần vé máy bay, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề nghị,cần tính luôn cả giá tối thiểu.
Lỗ sao vẫn có nhà đầu tư tham gia hàng không?
Ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi).
Liên quan đến lĩnh vực hàng không, bên cạnh giá trần vé máy bay, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề nghị, cần tính luôn cả giá tối thiểu. Bởi theo ông, hiện hàng không có “giá 0 đồng”, điều này có lợi cho dân, nhưng không tạo được sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không, chưa kể tới đây có thêm một số hãng hàng không.
“Dịp nghỉ lễ 30/4, giá vé máy bay lại lên cao nên cần quy định mức giá trần và tối thiểu. Dịp lễ, tết giá vé bao nhiêu, chứ không thể cứ thích thì đưa ra mức giá này, giá kia. Lỗ lãi của doanh nghiệp vừa qua chủ yếu do dịch bệnh thôi. Nếu cứ lỗ thì làm gì có Bamboo thành lập, làm gì có nhà đầu tư tham gia vào hàng không?”, ông Hoà nêu.
Giải trình, tiếp thu đề xuất về giá hàng không tối thiểu, tối đa, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ GTVT cần xác định giá trần tối đa đối với hàng không nội địa, để bảo vệ người tiêu dùng.
Còn giá tối thiểu là để bảo vệ doanh nghiệp, mức giá “ 0 đồng” hay chỉ với 250 nghìn đồng, sẽ không đủ chi phí; hãng hàng không chuyên nghiệp sẽ bị đánh bại bởi hàng không giá rẻ.
Ông Phớc nhấn mạnh “đây là ý kiến hay”, và vấn đề này "tùy Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định"
Cần thiết phải có công cụ bình ổn giá
Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề nghị giao cho Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài chính, không nên giao cho doanh nghiệp, vì nếu họ sử dụng số tiền này vào việc khác, sẽ không công bằng, minh bạch.
“Kinh tế thị trường, đúng ra không nên duy trì Quỹ này. Về lâu dài, Chính phủ phải có lộ trình, không thể tiếp tục sử dụng Quỹ này được nữa”, ông Hoà cho hay.
Cùng mối quan tâm đến Quỹ bình ổn giá, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, Quỹ này cần thiết nhưng phải quy định rõ cơ chế quản lý vận hành, công khai, minh bạch và đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, theo ông Hạ, vừa qua có nhiều vấn đề bất cập. Đây là Quỹ ngoài ngân sách nhà nước, được doanh nghiệp trích lập và sử dụng, nhưng lại được quyết định bởi Bộ Công Thương, đó là bất cập.
Ông Hạ lưu ý, Quỹ này vẫn là tiền của dân, dùng để điều tiết khi giá xăng dầu tăng giảm. Tuy nhiên, điều này cũng dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp quản lý Quỹ sẽ không công khai, minh bạch, rõ ràng. Trong khi đó, bản thân doanh nghiệp cũng kêu khổ, vì giá lên cao quá, trong khi bảng Quỹ đã trích hết.
Ông Hạ đề nghị xem xét lại, nhà nước có thể đưa ra các giải pháp bình ổn khác, ví dụ như xây dựng kho dự trữ để bình ổn giá.
Báo cáo giải trình, tiếp thu sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị giữ nguyên 8 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, số còn lại không thuộc diện bình ổn.
Với hàng hoá chuyên ngành thì phân về cho các bộ, ngành quản lý, ví dụ giá điện thì Bộ Công Thương quản lý; thiết bị y tế, thuốc thuộc Bộ Y tế; sách giáo khoa thuộc Bộ Giáo dục...
“Các bộ ngành xin ý kiến của Bộ Tài chính trước khi ban hành chứ Bộ Tài chính không chủ trì đối với các mặt hàng chuyên biệt", ông Hồ Đức Phớc nêu.
Liên quan Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ông Phớc khẳng định, thời gian qua đã phát huy hiệu quả, hiện nay vẫn cần thiết phải có công cụ bình ổn giá để quản lý, đảm bảo giá xăng dầu ổn định, phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân, không chỉ liên quan đến giá mà còn cả thuế, phí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận