Căn hộ cũ ở Hà Nội đắt đỏ: Nhà ngoại thành, giá 40 triệu/m2 vẫn tranh nhau mua
Thị trường căn hộ tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM ghi nhận số lượng nguồn cung mới thấp kỷ lục trong 10 năm qua, kéo theo giá bán neo ở mức cao từ 51-70 triệu đồng/m2. Do đó, nhiều người dân chuyển hướng tìm mua những căn hộ thứ cấp ở vùng ven.
Chung cư cũ đắt khách
Theo ghi nhận của PV, phân khúc căn hộ thứ cấp sôi động kể từ năm 2023 đến nay, do nguồn cung mới hạn chế và giá nhà không ngừng tăng cao. Khảo sát tại thị trường Hà Nội, giá chung cư khu vực vùng ven hầu hết dao động ở mức 40-50 triệu đồng/m2.
Chị Hằng Nguyễn ở Hà Nội cho hay vợ chồng chị vừa được bạn bè giới thiệu 1 căn hộ diện tích 60m2 đã qua sử dụng 3 năm ở Intracom Đông Anh với giá 2,28 tỷ đồng, cộng thêm phí sang tên sẽ rơi vào khoảng 2,34 tỷ đồng, tương đương 39 triệu đồng/m2. Với giá bán đó chị cho biết khá hợp lý với nhu cầu gia đình chị đang tìm mua ở vùng ven.
“Tuy nhiên, chỉ mới vài ngày vợ chồng tôi tìm hiểu thì chủ nhà thông báo đã có người mua rồi”, chị Hằng nói và chia sẻ thời điểm này nếu không nhanh tay sẽ không mua được nhà ở.
Liên hệ với chủ nhà căn hộ này, anh Cường cho biết là dân đầu tư nhưng lần đầu thấy lượng người hỏi mua đông như này, chỉ vài ngày đăng vào group cư dân đã có hơn 15 người liên hệ để mua. Vì cần tiền gấp nên anh mới bán với giá rẻ hơn so với mặt bằng.
Cũng như chị Hằng, anh Tuấn Dần cho biết đang tìm mua căn hộ cũ tại Hoài Đức, Thanh Trì nhưng sau khi khảo sát giá khiến vợ chồng choáng váng khi giá 2,6 tỷ đồng trở lên. “Căn hộ chung cư Gemek I tại xã An Khánh có diện tích 69m2 đang được bán 2,5 tỷ đồng, trong khi hơn 1 năm trước giá chỉ 1,8 tỷ đồng”, anh Dần thông tin.
Anh Quang Tuyến (31 tuổi) cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi tìm hiểu căn hộ tại chung cư Eco Green (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) đang rao bán hơn 3 tỷ đồng, mức giá khoảng 43 - 45 triệu đồng/m2.
Trong khi nhiều cặp vợ chồng trẻ đang “đau đầu” đi tìm căn hộ đã qua sử dụng thì chị Cao Huyền bày tỏ may mắn khi chốt vào đúng thời điểm “đáy”. Chị Huyền chia sẻ vào tháng 7 năm ngoái, chị mạnh dạn mua 1 căn hộ cũ 66m2 tại chung cư The Golden An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) với giá 1,970 tỷ đồng. Sau 6 tháng, giá căn hộ này đã lên 2,6 tỷ đồng.
Theo chị Huyền, giá căn hộ tăng mạnh một phần vì khan hiếm nguồn cung, một phần dự án nằm cạnh Vinhomes Smart City, được hưởng nhiều tiện ích. Hơn nữa, cách đây vài ngày dự án Lumi Hà Nội bên kia đại lộ của Capitaland khởi công với mức giá dự kiến 66 triệu đồng/m2 khiến mặt bằng giá nhà “hàng xóm” cũng nhích lên đáng kể.
Tìm hướng giảm giá nhà
Trong báo cáo mới đây, Savills cho biết nguồn cung chung cư tại Hà Nội và TP. HCM cả năm 2023 xuống thấp kỷ lục trong 10 năm qua. Cụ thể, số dự án mới tại TP. HCM xuống thấp khiến lượng giao dịch căn hộ giảm liên tục 7% mỗi năm trong thập kỷ qua. Trong năm 2023, thị trường TP. HCM chỉ ghi nhận 6.300 giao dịch.
Đáng nói, thị trường đang đối mặt với tình trạng giá nhà ngày càng đắt đỏ. Báo cáo cho hay, 90% các giao dịch thuộc phân khúc 2-5 tỷ đồng một căn. TP. HCM không còn sản phẩm dưới 2 tỷ đồng trong năm qua. “Hai năm tới, nguồn cung mới chủ yếu có giá 5-10 tỷ đồng một căn, còn phân khúc 2-5 tỷ đồng ngày càng khan hiếm”, Savills dự báo.
Tương tự tại thị trường căn hộ Hà Nội, đơn vị này cho biết cứ 100 căn hộ mới được bán trong năm 2023 chỉ có 3 căn giá dưới 2 tỷ đồng, trong khi các căn hộ có giá từ 51-70 triệu đồng/m2 chiếm 63% nguồn cung mới. Các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng chiếm 42% số lượng căn bán được trong năm 2023. Còn các căn hộ có giá từ 2 - 4 tỷ đồng chiếm 55% thị phần.
Trước diễn biến giá nhà tăng mạnh, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản EZ (EZ Property), cho rằng Chính phủ phải có quỹ đầu tư nhà ở/đầu tư bất động sản mới giảm được giá.
Ông lấy ví dụ, ở các cửa ngõ Thủ đô, Chính phủ dùng quỹ đầu tư đó cho xây 4 khu đô thị, mỗi khu đô thị vài trăm hecta. “Tôi tin rằng khi đó giá nhà sẽ được kiểm soát. Còn bây giờ một khu cũng không có, không ai làm cả. Đó là do cơ chế, chính sách chứ không phải do con người”, Tổng giám đốc EZ Property nói.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho rằng nhu cầu thực hiện nay đều đến từ phân khúc trung cấp/bình dân, với đối tượng khách hàng chủ yếu là các gia đình trẻ, những người chuyển đến thành phố làm việc mong muốn tìm được một nơi để an cư lâu dài. Thế nhưng, trong những năm gần đây, các dự án nhà ở cao cấp tại các thị trường lớn như Hà Nội và TP. HCM lại được các chủ đầu tư chú trọng.
"Cần hiểu rằng nhu cầu chủ lực của thị trường hiện nay không thực sự nằm tại phân khúc cao cấp hay hạng sang. Do vậy, các chủ đầu tư cần xem xét điều kiện thực tế của thị trường và đa dạng hóa sản phẩm nhà ở", ông Matthew Powell nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Savills Hà Nội, những dự án được quy hoạch bài bản, chất lượng xây dựng tốt kèm tiện ích đa dạng, thân thiện với cư dân thường dễ thành công hơn những dự án chỉ tập trung vào quy mô lớn và đặt ra mức giá cao. Tất cả đều cần xuất phát từ nhu cầu thực tế và thị trường mục tiêu, nơi chất lượng, thiết kế và tiện ích là những yếu tố được quan tâm hàng đầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận