24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Anh Tài
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

‘Cần chính sách ổn định, lâu dài với năng lượng tái tạo'

Doanh nghiệp điện gió mong muốn được gia hạn ưu đãi giá FIT do khó khăn dịch bệnh. Về dài hạn, cần có chính sách rõ ràng, lâu dài về giá, cơ chế mua bán để đảm bảo an toàn và khuyến khích nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung.

Năng lượng tái tạo là lĩnh vực đang được ưu tiên phát triển ở Việt Nam, thể hiện qua tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 140 của Chính phủ. Mới đây, tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Vương Quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, với tầm nhìn hàng thập kỷ tới.

Trong những năm qua, thị trường năng lượng tái tạo đã có những bước phát triển nhanh. Tuy nhiên, trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 lan rộng cùng nhiều các vướng mắc về pháp lý đang gây trở ngại đáng kể cho sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc CTCP Điện gió Hướng Linh 7 và CTCP Điện gió Hướng Linh 8 - chủ đầu tư 2 dự án điện gió cùng tên tại Quảng Trị, để có thêm góc nhìn từ một nhà đầu tư.

Ông có thể chia sẻ thêm về thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình chạy đua với "deadline" giá FIT suốt 1 năm qua?

Ông Nguyễn Văn Độ: Quá trình từ lúc xúc tiến đầu tư cho đến thời điểm hiện tại, công tác liên quan đến giải phóng mặt bằng, hành chính đã được UBND tỉnh Quảng Trị hỗ trợ rất kịp thời. Đây cũng là một trong những lý do quảng Trị đang là một trong những địa phương có số lượng dự án và công suất điện gió đứng đầu cả nước.

Về khó khăn, dự án điện gió Hướng Linh 7 được cấp chủ trương đầu tư vào tháng 11/2020, và chỉ có 11 tháng triển khai tất cả công việc để kịp "deadline". Các thiết bị trong ngành điện gió hầu như được nhập khẩu 100% và tại dự án Hướng Linh 7, các thiết bị được chúng tôi nhập khẩu từ CHLB Đức.

Tương tự như các địa phương khác trên khắp cả nước, Quảng Trị cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là làn sóng lần thứ 4. Điều này khiến các nhà cung cấp thiết bị đều kích hoạt điều khoản bất khả kháng do thiên tai dịch bệnh, từ đó kéo dài thời gian giao hàng. Thêm vào đó, để vận hành được thiết bị thì cần con người, nhưng việc đưa cán bộ kỹ thuật vào tương đối khó khăn do cả nước và địa phương có những quy định gắt gao.

Bằng nỗ lực của công ty cũng như sự hỗ trợ của các đơn vị thi công, tổng thầu, dự án của chúng tôi đã hoàn thành công tác xây dựng và lắp đặt. Tuy nhiên khi bước vào quá trình chạy thử thì chuyên gia bị cách ly, dẫn đến ngày 31/10, công ty chỉ mới có 3/7 trụ gió tương đương 12,6/30 MW (khoảng 42%) được công nhận vận hành thương mại (COD).

Bên cạnh những tác động do dịch bệnh, khi triển khai đầu tư các dự án điện gió, việc giải phóng mặt bằng cũng là một điểm gây khó khăn cho nhà đầu tư. Giải phóng mặt bằng liên quan đến 2 phần, một là quy trình chuyển đổi đất, tại mỗi địa phương, quy trình này lại có cách thức khác nhau. Hai là giá đền bù, có địa phương sẽ áp dụng theo giá thỏa thuận, số khác lại áp dụng phương án thu hồi, việc mức giá không thống nhất và dễ bị đẩy lên cao sẽ gây khó cho nhà đầu tư. Để có thể thực hiện đúng tiến độ và chạy đua với giá FIT, nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận mức giá cao gấp nhiều lần, điều này dẫn đến hiệu quả đầu tư bị ảnh hưởng.

Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, ông có đề xuất gì để tháo gỡ điểm nghẽn cho chính sự án của các ông cũng như mở rộng ra cả thị trường hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Độ: Ai cũng nghĩ rằng khi tham gia vào các dự án điện gió, doanh nghiệp sẽ được lợi rất nhiều. Nhưng ở góc độ nhà đầu tư sẽ nhìn thấy những bất cập, rủi ro lớn nếu dự án không kịp vận hành thương mại.

Trong các dự án của chúng tôi, dự án điện gió Hướng Linh 8 có 6 trụ điện tương ứng với 25,2 MW đến thời điểm 31/10 đã kịp hòa lưới điện. Còn dự án Hướng Linh 7 đến thời điểm 31/10 mới hòa lưới 3/7 trụ. Hiện tại chúng tôi vẫn đang mong chờ các văn bản hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như Bộ Công thương để giải được bài toán đầu tư.

Mở rộng ra, đến ngày 31/10 đã có 69/106 nhà máy điện gió đăng ký được công nhận COD và hưởng giá FIT. Nếu bao gồm cả 15 nhà máy điện gió đã được công nhận COD và vận hành từ trước đây, thì trong hệ thống điện quốc gia mới chỉ có 84 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 4.000 MW được công nhận COD.

Như vậy còn khoảng hơn 4.000 MW đã lỡ hẹn với thời hạn giá FIT. Tổng mức đầu tư của các dự án này lên tới gần 7 tỷ USD, cùng hàng vạn việc làm, rồi các khoản vay nợ ngân hàng giờ đây đang rất "chơi vơi" khi không có chính sách giải quyết.

Trước mắt, không chỉ chúng tôi, mà nhiều doanh nghiệp khác mong muốn Bộ Công Thương tham mưu với Chính phủ gia hạn thêm ưu đãi giá FIT một thời gian tương ứng với thời gian trễ hạn do đại dịch.

Về dài hạn, cần có chính sách rõ ràng về giá, cơ chế mua bán để đảm bảo an toàn và khuyến khích nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, một hành lang pháp lý đầy đủ và ổn định cũng sẽ giúp các ngân hàng tin tưởng hơn khi rót vốn vào lĩnh vực này.

Ngoài các dự án đang triển khai, sắp tới các ông có kế hoạch phát triển thêm các dự án mới, đặc biệt là dự án điện gió ngoài khơi không?

Ông Nguyễn Văn Độ: Nếu có những chính sách rõ ràng, chúng tôi sẵn sàng đầu tư các dự án mới. Riêng đối với điện gió ngoài khơi, chúng tôi đang nghiên cứu bởi nhìn chung dư địa lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng, tiềm năng lớn, nhưng rủi ro với điện gió ngoài khơi cũng rất cao. So với chi phí đầu tư vào điện gió trên bờ, ven bờ, suất đầu tư điện gió ngoài khơi cao hơn 2 lần. Thời gian mỗi dự án từ lúc xây dựng tới vận hành thường kéo dài 5-7 năm, thêm vào đó, điều kiện thi công trên biển cũng không dễ dàng, chi phí thi công, xây dựng lớn... nên không phải nhà đầu tư, đơn vị thi công nào cũng đủ lực để tham gia.

Xin cám ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả