Cân bằng mục tiêu kiểm soát lạm phát và phục hồi kinh tế
Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất lần thứ 5 trong năm; trong đó 3 lần tăng liên tiếp tăng ở mức 0,75%.
Ngân hàng Nhà nước cũng vừa quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên định định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế trong nước và thế giới.
Hạn mức tín dụng là một công cụ để thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhằm hạn chế mức dư nợ tín dụng tối đa đến nền kinh tế của các tổ chức tín dụng. Hàng năm Ngân hàng Nhà nước giao hạn mức tín dụng đến từng tổ chức tín dụng và quản lý kiểm soát quá trình thực hiện hạn mức tín dụng này để không có quá nhiều tiền lưu thông trên thị trường dẫn đến lạm phát hay nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước năm 2011, tín dụng là kênh cung ứng vốn chủ lực cho nền kinh tế, tăng rất nhanh như giai đoạn 2007 - 2010 tăng bình quân 36%/năm, riêng năm 2007 tăng 53,8%, năm 2010 tăng 32,43%; tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng nhanh.
Điều này đã gây bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao ở mức 2 con số, an toàn hệ thống tài chính bị đe dọa nghiêm trọng như bong bóng giá bất động sản, chứng khoán. Cùng với đó, nhiều tổ chức tín dụng yếu kém, rủi ro thanh khoản gia tăng, các tổ chức tín dụng rơi vào “vòng xoáy” đua lãi suất huy động nguồn vốn để cho vay, nợ xấu tăng cao... đặt hệ thống ngân hàng trước nguy cơ tiềm ẩn đổ vỡ.
Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) cảnh báo việc nới lỏng tín dụng, nợ xấu gia tăng, căng thẳng thanh khoản giai đoạn này đã đe đọa nghiêm trọng sự ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đây là bài học sâu sắc cho ngành ngân hàng sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, hệ lụy để lại hết sức nặng nề, việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vẫn còn tiếp tục kéo dài đến nay. Chính điều đó, đòi hỏi điều hành tín dụng phải thận trọng để không lặp lại các vấn đề đã mắc phải trong quá khứ, đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời, chuyển giao dần vai trò cân đối vốn trung dài hạn cho nền kinh tế sang các phân khúc thị trường tài chính thay thế dần cho tín dụng ngân hàng.
Do đó, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng định hướng toàn ngành và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, với biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng hàng năm như trên, từ năm 2011 đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm từ mức trên 30%/năm, cá biệt có năm tăng 53,8% xuống khoảng từ 12-14%/năm trong những năm gần đây. Từ đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát và duy trì lạm phát ổn định dưới 4%.
Năm 2022, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14% nhưng đến cuối tháng 8, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Theo đó, dư địa tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống chỉ còn lại hơn 4%, tương đương với khoảng 457 nghìn tỷ đồng cho 4 tháng cuối năm.
Nhiều ngân hàng đã sử dụng cạn hạn mức tín dụng được cấp hồi đầu năm nên hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn, do đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có quyết định nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Dù không đưa ra con số cụ thể về số lượng ngân hàng hay mức độ room được nới tăng thêm là bao nhiêu, nhưng theo các chuyên gia động thái điều chỉnh này phù hợp với diễn biến tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực. Dự báo tăng trưởng quý III sẽ cao hơn nhiều so với quý II và là tin vui đối với các doanh nghiệp để có thêm nguồn vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng. Việc điều chỉnh room tín dụng thể hiện sự kịp thời chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong mở rộng tín dụng đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Doanh nghiệp cần vốn nhiều để nhập nguyên liệu, trang trải hoạt động của bộ máy và trả lương cho người lao động. Vì vậy, các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý chính là liều thuốc kích thích để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% đặt ra từ đầu năm nay nhằm duy trì tỉ lệ lạm phát theo mục tiêu là dưới 4% và chỉ tiêu tăng trưởng là 6 - 6,5%.
Chính điều này khiến cho mức tín dụng còn lại được đánh giá là sẽ khó lòng đáp ứng được hết nhu cầu vốn của thị trường vào những tháng cuối năm
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong năm nay Ngân hàng Nhà nước có thể nới room tín dụng thêm khoảng 2% so với mục tiêu đầu năm để hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến cáo, điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát được để room tín dụng tăng thêm vào đúng các ngành nghề sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ ngành du lịch, dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp thay vì vào nhóm đầu cơ như chứng khoán, bất động sản.
Trong 2 năm gần đây thị trường chứng khoán đã tăng trưởng rất mạnh cả về điểm số và thanh khoản, nhưng sự tăng trưởng này lại chưa mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế mà có tính đầu cơ. Tương tự, bất động sản cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng cũng không phục vụ cho đại đa số quần chúng. Do đó, cần kiểm soát chặt tín dụng vào những phân khúc này, thay vào đó, ưu tiên cho bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp…
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, nên xem xét toàn diện cả cơ hội và thách thức để có chính sách cân bằng vừa kiểm soát tốt lạm phát nhưng vẫn đảm bảo cho phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
“Nếu cuối năm nhu cầu vốn thực của nền kinh tế vẫn ở mức cao và những cân đối lớn khác của nền kinh tế vẫn đảm bảo thì có thể xem xét tăng thêm hạn mức tín dụng bởi đây là kênh dẫn vốn hiệu quả. Chúng ta không nên quá lo xảy ra rủi ro. Cùng với đó phải phát triển các kênh dẫn vốn khác cho doanh nghiệp như trái phiếu doanh nghiệp”, Tiến sỹ Cấn Văn Lực đề nghị.
Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ nay đến cuối năm tiếp tục điều hành theo chỉ tiêu định hướng 14% đã đề ra từ đầu năm nhưng sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, đặc biệt là diễn biến lạm phát, tiến độ giải ngân đầu tư công, giải ngân theo chương trình phục hồi để có giải pháp điều hành phù hợp...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận