24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kiến Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cấm sở hữu ngân hàng vượt trần 10%: Hàng loạt đại gia vào diện xử lý

Theo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10%. Những cổ đông tổ chức vượt tỷ lệ sở hữu tối đa là 10% thì vẫn được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm.

Sáng 18/1, trên 91% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo đó, từ 1/1/2025 - thời điểm luật này có hiệu lực - tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (giữ nguyên so với quy định cũ). Nhưng giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Quy định này không áp dụng cho các trường hợp: sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 của luật này; sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa; sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2023 có 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, một công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.

Để tránh xáo trộn, tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng, Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này đưa ra điều khoản chuyển tiếp.

Cụ thể, từ 1/1/2025 (thời điểm luật này có hiệu lực), cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần phù hợp với quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14.

Như vậy, theo quy định mới, những tổ chức đang sở hữu hơn 10% cổ phần tại ngân hàng Việt Nam sẽ không phải giảm tỷ lệ sở hữu. Song các tổ chức này cũng sẽ không thể tăng thêm cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu xuống dưới 10%.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quan điểm cần giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông là tổ chức tại ngân hàng.

"Việc này sẽ giúp đa dạng cơ cấu cổ đông, tăng tính đại chúng và hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Đồng thời, Ủy ban thường trực Quốc hội cho rằng tỷ lệ sở hữu của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% cũng phù hợp với định hướng đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025, hạn chế việc chi phối, thâu tóm, bảo đảm tính đại chúng của tổ chức tín dụng.

Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc về việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần với tổ chức xuống 10% bởi quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa không phù hợp với điều kiện hiện nay vì không ngăn cản được gốc rễ của tình trạng sở hữu chéo và có thể gây xáo trộn không cần thiết, cản trở hoạt động của ngân hàng, ngăn cản dòng vốn đầu tư, thậm chí tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Chẳng hạn, đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn Đại biểu tình Thanh Hóa cho biết tỷ lệ sở hữu ở mức 5%, 15% và 20% như trong luật hiện hành đã tương đối thấp so với nhiều nước trên thế giới. Tuy vậy, tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một số nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra.

“Quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa đã không thực sự có tác dụng. Các cổ đông không rơi vào trường hợp người có liên quan theo định nghĩa của luật vẫn liên kết chặt chẽ với nhau để cấp tín dụng rất tập trung”, ông Sơn cho biết.

Đồng quan điểm, bà Đoàn Thị Lê An, đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng cũng cho rằng, điều chỉnh tỷ lệ sở hữu không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, giấy tờ.

Hơn nữa, giới hạn này còn có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng. Theo bà An, những nhà đầu tư nắm giữ 15-20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó.

Bà Phạm Thị Thúy Vân - Luật sư cấp cao Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam và ông Nguyễn Viết Trung, Luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam - nhìn nhận, việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ có tác động lớn đến các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là các cổ đông chiến lược.

Để đối phó với việc giảm tỷ lệ sở hữu, các cổ đông sẽ phải tìm phương án để đáp ứng được quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, và vì thế tác động lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của chính cổ đông đó.

Thêm nữa, việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của các cổ đông chiến lược trong quản trị nội bộ của tổ chức tín dụng, các cổ đông chiến lược sẽ cần phải tìm phương án để có thể thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông của tổ chức tín dụng khi tiến hành biểu quyết.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn. Điểm đổi mới được quan tâm nhất với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm giới hạn cấp tín dụng, tăng yêu cầu về cung cấp thông tin đối với cổ đông.

“Về cơ bản, các điểm mới này có mục tiêu chính là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cũng như chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn”, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, siết tỷ lệ sở hữu không phải là biện pháp trọng yếu để ngăn sở hữu chéo. Thực tế, nếu cổ đông và nhóm cổ đông sở hữu không quá 15-20% vốn ngân hàng như quy định hiện nay, không ai có thể chi phối được quyền cấp tín dụng của ngân hàng. Nhưng tại nhiều ngân hàng, nhóm cổ đông vẫn sở hữu quá 50% vốn ngân hàng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả