Cấm mua bán vàng bằng tiền mặt: Được không?
Mới đây, Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nghiên cứu và trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch, mua bán vàng. Theo cơ quan thuế, đề xuất này giúp minh bạch hoạt động kinh doanh vàng trên thị trường.
Mua vàng chứ đâu phải mua rau
Chị Tuyết Lan, quận Tân Bình (TP.HCM) bày tỏ rằng, thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương tốt nhưng phải dựa trên tinh thần khuyến khích, chứ không phải là ép buộc mọi người phải làm. Khi mọi người thấy phương thức thanh toán qua tài khoản tiện lợi, hiệu quả, ít rủi ro thì tự nhiên họ sẽ dùng khi mua vàng cũng như các loại hàng hóa, dịch vụ khác.
Thực tế cho thấy hiện nay, tại một số cửa hàng kinh doanh vàng đã triển khai thêm phương thức khách hàng thanh toán qua thẻ ghi nợ (thẻ ATM), bên cạnh việc thanh toán bằng tiền mặt. Nhưng với thẻ tín dụng thì hầu như chưa có doanh nghiệp nào chấp nhận thanh toán cả.
"Cách đây vài ngày, khi tôi muốn mua một lượng vàng miếng nhưng do tiền trong thẻ ghi nợ không đủ nên tôi đưa thẻ tín dụng cho nhân viên cửa hàng thì liền bị từ chối. Nhân viên bán hàng giải thích với tôi rằng, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng thương mại không được phép cho phép khách hàng vay tiền để mua vàng miếng”, chị Lan cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Thông tư 06/2023 do Ngân hàng Nhà nước ban hành, các ngân hàng không được cho vay để mua vàng miếng. Đồng thời NHNN cũng quy định các ngân hàng có quyền và nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng. Nếu ngân hàng không kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng dẫn đến việc người vay sử dụng vốn vay để mua vàng miếng thì ngân hàng có thể bị phạt tiền.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam nêu quan điểm: Nếu nói về chủ trương thanh toán không tiền mặt thì đề xuất của Tổng Cục thuế là phù hợp, nhưng tôi e rằng tính khả thi không cao. Bởi nhu cầu mua vàng của đa số người dân chỉ nhằm tích góp, nên mỗi lần mua với số lượng rất ít.
Những khách hàng mua vài lượng đến chục lượng/lần chiếm tỉ trọng không cao. Và ngay cả khi họ mua nhiều thì họ cũng phải tích góp rất lâu mới có đủ số tiền tương đương để mua, chứ không phải ngày nào cũng ra tiệm vàng mua như mua rau.
"Đó là chưa kể với khách hàng mua nhỏ lẻ ở vùng nông thôn, những người lớn tuổi có khi phải tích góp rất nhiều tháng lương hay từ tiền con cháu biếu tặng mới đủ một vài chỉ vàng. Vậy nếu yêu cầu họ phải thanh toán qua tài khoản mới được mua vàng, sẽ càng khó khả thi", ông Khánh cho biết.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, nếu mua số lượng vàng lớn thì có thể áp dụng hình thức chuyển khoản, không thanh toán bằng tiền mặt. Song nếu chỉ mua nhỏ lẻ nửa chỉ vàng, hay mua vàng nữ trang sẽ khó thực hiện bởi không phải ai cũng có tài khoản, thẻ tín dụng.
Chưa kể việc kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ đang tiến tới ngành kinh doanh không có điều kiện, giờ lại đề xuất cấm dùng tiền mặt với giao dịch mua bán vàng là mâu thuẫn, không khác gì "đẻ" thêm điều kiện kinh doanh.
Đề xuất thiếu tính khả thi
Tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng cho rằng, hiện nay việc thanh toán không tiền mặt mới chỉ dừng ở mức khuyến khích, chứ chưa có bất cứ mặt hàng nào bắt buộc người dân phải thanh toán không dùng tiền mặt thì mới được phép mua.
Vì vậy vậy việc Tổng cục Thuế đề xuất cấm giao dịch, mua bán vàng bằng tiền mặt là không hợp lý. Thậm chí nếu quy định này áp dụng vào thực tế ở thời điểm này là trái luật!
Ngay cả trong Luật Kinh doanh bất động sản mà Quốc hội vừa thông qua cũng chỉ quy định các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản từ khách hàng thông qua tài khoản ngân hàng.
Còn đối với các cá nhân bán nhà ở, cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ... đều không cần thiết bắt buộc thanh toán qua ngân hàng, tránh can thiệp sâu vào các giao dịch dân sự.
Hơn nữa, vị này dẫn thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dù tỉ trọng thanh toán không tiền mặt trong nền kinh tế đã tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Nhưng hình thức thanh toán không tiền mặt hiện nay chủ yếu mới tập trung ở các thành phố lớn, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, chứ chưa phổ biến rộng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa... Không dùng tiền mặt là xu hướng chung, nhưng với những người dân ở vùng sâu, vùng xa chỉ mua nửa chỉ vàng cũng phải thanh toán qua tài khoản thì rất khó.
"Vậy thì tại sao vàng – chỉ là một mặt hàng nhưng lại cần phải có quy định cấm mua bán vàng bằng tiền mặt", vị lãnh đạo này đặt câu hỏi.
Một chuyên gia kinh tế cũng dẫn báo cáo kết quả khảo sát thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực Đông Nam Á do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) đưa ra vào cuối năm ngoái cho thấy tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam dù đã giảm nhiều hơn trước nhưng vẫn còn khá cao, chiếm 79%, chỉ khoảng 21% là không dùng tiền mặt. Như vậy có thể thấy, nếu cấm mua bán vàng bằng tiền mặt sẽ gây khó khăn cho rất nhiều đối tượng.
Vì vậy, trước mắt cơ qua chức năng nên có quy định cụ thể, mua bán vàng bao nhiêu tiền trở lên mới phải thanh toán qua tài khoản. Còn với những người chỉ mua vài chỉ thì vẫn có thể thanh toán bằng tiền mặt.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh nhấn mạnh: Ngay cả các quốc gia phát triển như Mỹ, hay nước láng giếng là Trung Quốc – một quốc gia có tỉ lệ người dùng ví điện tử, mã QR để thanh toán rất cao cũng không đưa ra quy định tất cả các mặt hàng đều phải thanh toán qua tài khoản.
Hơn nữa, biện pháp quản lý minh bạch thị trường vàng không thể được giải quyết bằng việc "siết chặt” người mua phải thanh toán không tiền mặt mà phải siết từ khâu nhập khẩu vàng nguyên liệu.
"Để minh bạch thị trường vàng, trước hết các cơ quan chức năng nên tiến hành một cuộc khảo sát với nhiều nhóm tuổi khác nhau để biết được họ nghĩ gì về đề xuất mua bán vàng bằng tiền mặt có tiện lợi hay bất tiện như thế nào. Sau đó, mới xem có nên áp dụng giải pháp này vào cuộc sống hay không, tránh được những bất cập trong quá trình thực hiện", ông Khánh đề xuất.
Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, đến nay cả nước có khoảng 5.835 cơ sở kinh doanh vàng bạc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, chiếm đến 80-90% số đơn vị của ngành kinh doanh vàng bạc. Điều này cho thấy bước đầu đã kiểm soát được các đơn vị kinh doanh vàng bạc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận