menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Hải

Cải tổ mô hình kinh doanh là chiến lược sống còn để doanh nghiệp tồn tại

Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động tiêu cực đến hiện tại mà còn kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế lâu dài. Thách thức này đang đặt doanh nghiệp vào một cuộc chiến sinh tồn mới sắp tới. Vì vậy, để thích ứng, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi mô hình hoạt động, định hướng quản trị, phương thức thực thi kịp thời.

Đây là chia sẻ của ông Trần Tiến Thịnh - Chuyên gia tư vấn Trưởng Công ty CP Tư vấn quản trị doanh nghiệp PPower tại cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Gần 2 năm đương đầu trước “bão Covid-19”, nhiều doanh nghiệp đã kiệt sức. Bối cảnh hiện tại đang đặt ra những thách thức nào cho vấn đề quản trị của doanh nghiệp khi Chính phủ đã có chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thưa ông?

Dẫu từng nếm trải nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh trong quá khứ như SARS hay cúm gia cầm H5N1, nhưng doanh nghiệp cũng chẳng thể ngờ sóng gió mà dịch Covid-19 lại khốc liệt đến thế. Gần 2 năm qua, cộng đồng kinh doanh, doanh nghiệp vô cùng điêu đứng, phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Thậm chí những doanh nghiệp lớn cũng đã thấm đòn đại dịch dù đã rất nỗ lực và kiên cường bám trụ nhưng cũng gần như cạn kiệt nguồn lực, cả tài chính lẫn nhân sự.

Ngay khi Chính phủ chủ trương thích ứng linh hoạt với đại dịch, mở cửa dần kinh tế, khôi phục sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp lại đứng trước các thách thức để có thể hồi sinh. Theo đó, thách thức đầu tiên phải nói đến là quản trị dòng tiền. Hiện tại, dòng tiền trong các doanh nghiệp đang thiếu hụt nghiêm trọng, khiến cho các doanh nghiệp rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiếp đến đó là thách thức về quản trị nguồn nhân lực. Việc thực hiện giãn cách, doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, kinh doanh phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động một cách đáng kể. Và ngay thời điểm hiện tại, người lao động không ngừng rời các địa phương phía Nam khiến cho việc quay trở lại hoạt động của doanh nghiệp hết sức khó khăn, có thể cần thời gian dài để khôi phục sản xuất khi tình trạng thiếu lao động hiện hữu.

Thách thách lớn khác đang đặt ra với doanh nghiệp đó là bài toán logistics khi chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất lên cao. Tình trạng lưu thông hàng hoá gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gánh nhiều chi phí phát sinh liên quan đến như trang thiết bị phòng chống dịch, xét nghiệm, giấy phép…

Ngoài ra, hiện doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, việc triển khai của một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt.

Vậy theo ông, để hóa giải các thách thức đang đối diện hiện nay, doanh nghiệp cần ưu tiên gì để thích ứng với bối cảnh mới, sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại?

Thực ra, không thể có một công thức chung nào về chiến lược để phù hợp với tất cả doanh nghiệp do lĩnh vực, mức độ ảnh hưởng và chiều hướng tác động khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, các doanh nghiệp có thể áp dụng theo các giải pháp ưu tiên.

Trước hết, cần triển khai giải pháp về quản lý dòng tiền và xử lý khủng hoảng. Theo đó, doanh nghiệp cần thiết lập đội/nhóm phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề bất thường phát sinh về nguyên vật liệu, về nhân sự, về cung ứng và công tác bán hàng. Đây là cách làm hiệu quả mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng. Quản lý dòng tiền yêu cầu các doanh nghiệp phải cân đối khoa học, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết và theo dõi chặt chẽ công nợ. Các kế hoạch mua sắm tài sản có thể xem xét gác lại và lựa chọn các giải pháp thay thế như đi thuê tài sản để duy trì lượng tiền mặt dự phòng đủ lớn.

Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi số cần được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt giúp liên kết giữa các mô hình kinh doanh truyền thống với nền tảng số. Doanh nghiệp tập trung tăng cường trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số, số hóa trong quy trình vận hành, ứng dụng mô hình kinh doanh số. Mặt khác, phải tái cấu trúc lại mô hình doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược cải tổ mô hình kinh doanh tinh gọn, hiệu quả; xem xét lại mô hình hoạt động, tối ưu hoá nguồn lực, hướng đến giá trị thực sự, bất đầu từ sản phẩm và con người, hướng mang lại nhiều giá trị cho khách hàng hơn.

Trong các giải pháp ưu tiên để giúp doanh nghiệp sớm vực dậy sau bão Covid-19, ông có thể chia sẻ kỹ hơn về chiến lược tinh gọn lại giá trị, điều này sẽ giúp doanh nghiệp vững vàng vượt qua khó khăn như thế nào?

Như chúng ta cũng đều nhận thấy, việc tăng trưởng nóng và nhanh bằng cách đầu tư đa ngành, ồ ạt khiến mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro, đặc biệt trong thị trường đầy biến động, chi phí tăng cao. Vì vậy, để trụ vững, các doanh nghiệp nên xác định thế mạnh cốt lõi là gì và tập trung làm thật tốt giá trị cốt lõi mình đang có. Đó cũng chính là thế mạnh tạo ra sự khác biệt đáng kể so với các đối thủ trên thị trường. Ví dụ, công ty công nghệ thì cần nắm chắc nền tảng nào đấy, làm chủ và có những cái vượt trội hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tính toán, sử dụng chi phí hợp lý, tránh lãng phí vào những hạng mục đầu tư chưa cần thiết hoặc cắt giảm bớt những chi phí phát sinh của doanh nghiệp như kiểm soát lại các khoản vay, du lịch, hỗ trợ, cơ cấu lại các khoản đầu tư...

Cùng nội lực và quyết tâm thay đổi, tái cấu trúc của bản thân doanh nghiệp thì sự "chia lửa" của Nhà nước vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn sức lực đã bị bào mòn. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đương đầu với muôn vàn thách thức do tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, điều quan trọng là Nhà nước, doanh nghiệp cần đồng lòng, thấu hiểu và cùng nhau chia sẻ những khó khăn, đồng thời nắm bắt cơ hội.

Vừa qua, Chính phủ đã có những hành động rất cụ thể và nhanh chóng để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn . Đáng chú ý, Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN liên quan tới quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, bổ sung việc không chuyển nhóm nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 là động thái để các ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Trên nền tảng về sự chia lửa đó của nhà nước, thời gian tới, nhà nước nên tiếp tục dẫn dắt, đứng ra gánh vác khó khăn cùng cộng đồng doanh nghiệp và đưa ra những chính sách hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp như việc miễn, giảm thuế, các gói hỗ trợ, đơn giản hoá các thủ tục… Đặc biệt, Nhà nước cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác hành chính nhằm giảm thủ tục, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong công tác lưu thông hàng hóa và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại