Cách nào khiến người dân bớt mê nắm giữ vàng?
Với chính sách chống vàng hóa và USD hóa, Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân nắm giữ vàng.
Nhiều người phải túc trực bên ngoài các chi nhánh nhiều ngày liền với mong muốn có được vàng nhẫn trơn mang về. Tuy nhiên, các thương hiệu vàng hiện nay ấn định số lượng nhẫn bán ra theo từng ngày do số lượng vàng khan hiếm. Nhiều người chờ đợi đến lượt xuống tiền thì lại phải quay đầu ra về vì hết lượt bán.
Ngoài nhu cầu trang sức, việc người dân Việt Nam thích nắm giữ vàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là tâm lý phòng ngừa rủi ro trước lạm phát và sự thiếu đa dạng trong các sản phẩm đầu tư tài chính.
Nhằm hạn chế tình trạng hàng dài người dân "săn" vàng, Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp toàn diện, tập trung vào việc phát triển thị trường tài chính và tăng cường niềm tin vào các kênh đầu tư khác ngoài vàng.
Một trong những hướng đi quan trọng là phát triển các sản phẩm tài chính mới phù hợp với nhu cầu của từng nhóm người dân. PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết: "Chúng ta có thể thúc đẩy các sản phẩm tiết kiệm liên kết đầu tư, chứng chỉ quỹ, hoặc trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất cạnh tranh và khả năng rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
"Đặc biệt, việc phát triển các sản phẩm tài chính gắn liền với bảo hiểm hoặc các mục tiêu dài hạn như hưu trí có thể tạo động lực để người dân chuyển đổi từ tích lũy vàng sang đầu tư tài chính", ông Hùng chia sẻ.
Hiện nay, các sản phẩm đầu tư tài chính minh bạch, hiệu quả, chuyên biệt tại đất nước ta còn tương đối ít. Đơn cử như đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu phòng ngừa rủi ro liên quan tới thiên tai, biến đổi khí hậu, tại một số quốc gia, họ có thể mua sản phẩm bảo hiểm rủi ro khí hậu, hoặc hợp đồng phái sinh thời tiết. Tuy nhiên, "Việt Nam hiện nay chưa có những sản phẩm tài chính này để đầu tư hay phòng hộ", Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng nêu rõ.
Theo chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và minh bạch để giảm bớt lo ngại về lạm phát. Khi nền kinh tế ổn định, người dân sẽ cảm thấy an tâm hơn khi đầu tư vào các tài sản khác, thay vì dựa vào vàng như một công cụ bảo toàn giá trị.
Cuối cùng, giáo dục tài chính luôn là một yêu cầu cấp thiết, đóng vai trò không nhỏ. Theo PGS.TS Hùng, người dân cần được trang bị kiến thức để hiểu rõ, dù vàng có tính ổn định, nhưng không phải là kênh đầu tư sinh lời cao. Khi họ thấy các kênh đầu tư khác vừa an toàn, vừa có tiềm năng sinh lời tốt hơn, người dân sẽ chuyển hướng khỏi việc nắm giữ vàng.
Trong tinh thần của Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Bởi khi nắm giữ vàng, giá trị có thể lớn nhưng số tiền đó người dân không được sử dụng. Nếu lấy vàng để chuyển hóa sang VND để gửi vào ngân hàng, số tiền đó có thể sử dụng để cho vay sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu, thị trường chứng khoán nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận