Các nước chuyển sang giai đoạn hỗ trợ hàng không tăng vốn, giảm lỗ
Sau thời gian hỗ trợ các hãng hàng không cầm cự tồn tại, hiện nay, nhiều Chính phủ đã chuyển sang giai đoạn hỗ trợ hàng không tăng vốn, giảm nợ.
Ngày 7/7, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) Alexsandre de Juniac đưa ra thông điệp: Các hãng hàng không hãy cùng chính phủ đẩy nhanh việc tăng vốn hoạt động và giảm nợ để hồi phục sau dịch. “Chúng tôi tiếp tục nhắc nhở rằng, các biện pháp cứu trợ phải vượt ra ngoài tình huống khẩn cấp ban đầu. Giảm chi phí dưới mọi hình thức sẽ rất quan trọng, như giảm phí, thuế, phí khách hàng không”, Juniac nói.
Theo ông, các hãng hàng không bước vào năm 2020 với tình hình tài chính tương đối tốt. Sau một thập kỷ lợi nhuận, mức nợ tương đối thấp (430 tỷ USD, gần bằng một nửa doanh thu hàng năm). Các biện pháp cứu trợ tài chính quan trọng của các chính phủ đã khiến các hãng hàng không không bị phá sản nhưng đã tăng nợ khoảng 120 tỷ lên 550 tỷ USD, chiếm tới 92% doanh thu dự kiến vào năm 2021.
Vì vậy, Tổng giám đốc IATA khuyến cáo các biện pháp cứu trợ tiếp theo nên được tập trung vào việc giúp các hãng hàng không tạo ra nhiều vốn lưu động và kích thích nhu cầu hơn là mở rộng thêm mức nợ. Bởi thực tế khoản lỗ năm nay sẽ là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử hàng không, với hơn 84 tỷ USD và nợ tiếp 16 tỷ USD vào năm 2021. Vì lẽ đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là tăng vốn nhưng phải giảm lỗ.
Sau khi các Chính phủ trên thế giới hỗ trợ, cứu nhiều hãng hàng không nước mình tránh bị phá sản vì dịch Covid-19, nhiều quốc gia đang chuyển sang hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn với giá rẻ cho các hãng hàng không.
Tại Pháp, mới đây, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết, Chính phủ sẽ cung cấp gói cứu trợ 16,9 tỷ USD nhằm giúp ngành hàng không phục hồi từ cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Gói cứu trợ bao gồm nhiều biện pháp khác nhau như bảo lãnh cho vay cũng như hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển…
Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã đạt thỏa thuận với 5 hãng hàng không lớn (American Airlines, Frontier Airlines, Hawaiian Airlines, Sky West Airlines và Spirit Airlines) về các điều khoản cho vay hỗ trợ vượt khủng hoảng vì dịch Covid-19.
Tại Thái Lan, ngay khi xảy ra dịch, chính phủ nước này lập tức giảm tới 96% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng bay và coi hàng không là trung tâm điều chỉnh chính sách hỗ trợ. Hiện, Thái Lan đang tính phương án cho các hãng hàng không vay vốn lãi suất ưu đãi để hồi phục.
Hàng không Hàn Quốc đóng góp cho kinh tế nước này khoảng 47,6 tỷ USD/năm, tương đương 3,4% GDP, tạo ra 838.000 việc làm. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã thông qua chương trình cho vay ưu đãi khẩn cấp khoảng 300 triệu USD cho các hãng hàng không giá rẻ. Ngoài ra, ông nói rằng, nếu hoạt động của hãng bay bị ngưng lại, hoặc đường bay bị giảm sút do dịch thì sẽ được hỗ trợ 3 tháng phí sử dụng sân bay. Nước này cũng dành ngân sách để hỗ trợ lãi suất vay vốn của các hãng hàng không, xuống mức còn 0,5 - 1%.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ hàng không, Hàn Quốc đã dành 50 triệu USD hỗ trợ lãi suất cho ngành du lịch và lưu trú, bao gồm giảm lãi suất xuống 1% và tăng số tiền hỗ trợ vay từ 100.000 USD lên 200.000 USD mà không cần tài sản thế chấp...
Mặc dù đã được hỗ trợ đáng kể nhưng ông Hee-Young Heo, giáo sư kinh doanh tại Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc bình luận: "Giống như các hãng hàng không thế giới, những khó khăn của ngành hàng không Hàn Quốc sẽ tiếp tục không chỉ trong quý II mà còn nặng nề hơn trong nửa cuối năm nay. Do đó, chính phủ cần phải hỗ trợ “đầy đủ” cho các hãng hàng không”.
Nhìn từ bài học kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Hàn Quốc, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, thời gian qua các hãng hàng không Việt chủ yếu phải tự thân vận động, tự cứu mình nên còn đang rất khó khăn. So với thế giới, số tiền mà các hàng không Việt Nam nhận được hỗ trợ là rất thấp và không đáng kể. Nền kinh tế sẽ chịu nhiều thua thiệt trong cuộc đua khôi phục kinh tế, dù chúng ta có lợi thế lớn là khống chế dịch sớm hơn nhiều nước.
Đã đến lúc, yêu cầu “phải tính toán các biện pháp mạnh mẽ hơn để tiếp tục kích thích phát triển sản xuất” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính mới đây cần được hiện thực hóa, trong đó bao gồm cả những chính sách hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, phí đối với ngành hàng không./.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, dự báo các hãng hàng không nước ta bị thiệt hại khoảng 4 tỷ USD (90.000 tỷ đồng) trong năm nay, trong đó riêng Vietnam Airlines mất khoảng 50.000 tỷ doanh thu và ước cả năm lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay các hãng hàng không mới được hỗ trợ giảm một số khoản phí dịch vụ hàng không vài chục tỷ đồng, được ngân hàng giảm chút ít lãi suất, giãn nợ một số khoản vay. Trong khi đó “hàng không Việt thiệt hại không kém gì hãng hàng không nước ngoài và đang cần ít nhất 25.000 tỷ đồng để hoạt động và bật dậy”, một lãnh đạo hiệp hội này cho biết./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận