Các nghị sĩ Mỹ đạt được thỏa thuận ngăn chặn kịch bản vỡ nợ nghiêm trọng
Các thượng nghị sĩ Mỹ hôm 7/12 đã đạt được một thỏa thuận để tạo ra dự luật có hiệu lực một lần, theo đó cho phép đảng Dân chủ nâng trần vay nợ của quốc gia.
Các thượng nghị sĩ Mỹ hôm 7/12 đã đạt được một thỏa thuận để tạo ra dự luật có hiệu lực một lần, theo đó cho phép đảng Dân chủ nâng trần vay nợ của quốc gia, đồng thời ngăn chặn kịch bản vỡ nợ mà không cần phiếu bầu từ đảng Cộng hòa.
Hạ viện sẽ bỏ phiếu về dự luật này sớm nhất là vào tối thứ Ba (theo giờ địa phương) và dự kiến Quốc hội sẽ thông qua trong những ngày tới. Điều này cho phép các nhà lập pháp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng vỡ nợ với đa số tối thiểu 51 phiếu ở Thượng viện.
Theo thỏa hiệp phức tạp được đề xuất vào hôm thứ Ba, đảng Cộng hòa về cơ bản có thể đứng ngoài cuộc. Họ có thể giúp đỡ phía đảng Dân chủ để tạo ra luật mới, nhưng không ủng hộ phiếu bầu nào cho việc tăng trần nợ.
Quốc hội Mỹ sẽ phải chỉ định một con số chính xác cho một giới hạn vay mới – nhiều khả năng lên tới 30.000 tỷ USD. Cả hai viện sẽ phải thông qua quy trình mới trước tiên. Sau đó, Thượng viện rồi tới Hạ viện sẽ thông qua việc nâng trần nợ thông qua đa số phiếu tối thiểu.
Trung tâm Chính sách lưỡng đảng hồi tuần trước cho biết dự kiến Chính phủ Mỹ sẽ không còn thể đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 21/12/2021 – 28/1/2022. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra một thời hạn sớm hơn nữa - vào ngày 15/12.
Nước Mỹ thường tiêu nhiều tiền hơn số tiền thu được thông qua thuế. Vì vậy nước này vay tiền thông qua phát hành trái phiếu chính phủ - vốn được coi là một trong những khoản đầu tư đáng tin cậy nhất thế giới.
Khoảng 80 năm trước, các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra giới hạn về mức tích lũy số tiền nợ của Chính phủ liên bang. Mức trần này đã được nâng lên hàng chục lần để cho phép Chính phủ đáp ứng các cam kết chi tiêu của mình. Con số này hiện đứng ở mức khoảng 29.000 tỷ USD.
Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đã dành nhiều tuần để nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng mà một vụ vỡ nợ sẽ gây ra, bao gồm khoảng sáu triệu việc làm và 15.000 tỷ USD trong tài sản hộ gia đình bị mất đi, bên cạnh chi phí cho các khoản thế chấp và các khoản vay khác tăng vọt.
Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa ở cả hai viện của Quốc hội Mỹ ban đầu đã phản đối việc nâng giới hạn nợ lần này với lý do từ chối ủng hộ các kế hoạch đánh thuế và chi tiêu "liều lĩnh" của Tổng thống Joe Biden./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận